(QT) - Trước những yêu cầu của tình hình, ngày 20/10/2016, Bộ Công an ban hành Chỉ thị số 06/ CT-BCA-C41 về “Tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội ở địa bàn nông thôn, góp phần phục vụ nông thôn mới trong tình hình hiện nay”. Tại Quảng Trị sau 3 năm triển khai thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần ổn định an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
![]() |
Lễ ra mắt mô hình Hội Cựu chiến binh xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: T.N |
Sau khi Bộ Công an ban hành Chỉ thị 06/ CT-BCA-C41, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chương trình công tác lớn của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an về phòng, chống tội phạm ở địa bàn nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện các đề án về phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh niên, tội phạm buôn bán người… Đồng thời xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật; phối kết hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư ở địa bàn nông thôn, các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT.
Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) Công an tỉnh cho biết: Qua 3 năm triển khai đồng bộ và quyết liệt với nhiều biện pháp, giải pháp, tình hình ANTT trên địa bàn cơ bản được đảm bảo, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ngày càng được củng cố và phát triển. Có được kết quả nói trên là nhờ sự vào cuộc của toàn lực lượng Công an cùng sự giúp đỡ, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể; đặc biệt công tác phát động, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đóng một vai trò rất quan trọng.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, lực lượng Công an trong toàn tỉnh đã phối hợp tổ chức phát động phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc tại 998 điểm với gần 100.000 lượt người tham gia, đã đưa trên 130 đối tượng ra kiểm điểm trước nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua các buổi họp dân, các buổi sinh hoạt chính trị của các đoàn thể, các câu lạc bộ có tổ chức, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật để phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến quần chúng nhân dân. Tại các xã, phường, thị trấn cũng thường xuyên tổ chức cho các hộ gia đình ký cam kết không vi phạm pháp luật, đảm bảo giữ gìn ANTT trên địa bàn; tập trung củng cố, xây dựng các mô hình phòng, chống tội phạm, phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ ở cơ sở, nhân rộng các mô hình điển hình. Qua đó đã có nhiều mô hình điển hình đem lại hiệu quả thiết thực được nhân dân và chính quyền các cấp đánh giá cao như: Mô hình “Họ, tộc không có người vi phạm pháp luật”, “Tổ thanh niên xung phong đảm bảo ANTT, tham gia cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống bão lụt”, “Phật giáo huyện Cam Lộ tham gia bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới”, “Giáo xứ Phước Tuyền chung tay bảo vệ ANTQ và xây dựng nông thôn mới”…
Một vấn đề quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại địa bàn nông thôn chính là vai trò nòng cốt của lực lượng Công an trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Kết quả, các loại tội phạm đã được đẩy lùi, tỉ lệ phát hiện các loại tội phạm trên lĩnh vực ma túy, kinh tế, môi trường đều gia tăng. Trong 3 năm (2016 - 2019) tại địa bàn nông thôn trong toàn tỉnh đã xảy ra 363 vụ phạm pháp hình sự, làm chết 4 người, 70 người bị thương với tổng thiệt hại tài sản trên 5,5 tỉ đồng; phạm pháp hình sự xảy ra 383 vụ; so với cùng kỳ 3 năm trước giảm 121 vụ phạm pháp hình sự, giảm 3 người chết, 35 người bị thương, giảm 2,1 tỉ đồng thiệt hại tài sản và 18 vụ vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về ANTT cũng được Công an tỉnh đặc biệt chú trọng. Lãnh đạo Công an tỉnh thường xuyên chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT, quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Liên tục tổ chức các đợt cao điểm phát động quần chúng tham gia phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm; phối hợp với các cơ quan, ban ngành tuyên truyền, phổ biến về công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trong quần chúng nhân dân. Qua đó đã có 1.809 trường hợp nhân dân tự nguyện giao nộp vũ khí với 317 khẩu súng các loại và 442 viên đạn, trên 1.600 quả bom, mìn các loại…
Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, lực lượng Công an trong toàn tỉnh cần có nhiều biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương để tiếp tục triển khai đạt hiệu quả cao hơn nữa Chỉ thị 06. Trong đó cần chú trọng nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đặc biệt là phát động phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện; kịp thời biểu dương những gương người tốt, việc tốt, những mô hình tiêu biểu về phòng chống tội phạm; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức phát động phong trào theo hướng đơn giản, dễ hiểu, dễ đi vào nhận thức của người dân. Xây dựng lực lượng Công an xã ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt, là chỗ dựa vững chắc trong đấu tranh, tấn công, trấn áp tội phạm tại địa bàn nông thôn.
Thành Nam