Những năm tháng không quên
(QT) - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2015), phóng viên Báo Quảng Trị đã gặp, trò chuyện và ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm khó quên của một số nhà báo nguyên là phóng viên báo chí trong thời kỳ kháng chiến, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của báo chí Quảng Trị. Nhà báo THI HƯƠNG, nguyên phóng viên Báo Cứu Nước: TÍNH CHÂN THẬT ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦUNhà báo Thi Hương - Ảnh: MĐ

Những năm tháng không quên

(QT) - Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2015), phóng viên Báo Quảng Trị đã gặp, trò chuyện và ghi lại những cảm xúc, kỷ niệm khó quên của một số nhà báo nguyên là phóng viên báo chí trong thời kỳ kháng chiến, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của báo chí Quảng Trị. Nhà báo THI HƯƠNG, nguyên phóng viên Báo Cứu Nước: TÍNH CHÂN THẬT ĐẶT LÊN HÀNG ĐẦU

Nhà báo Thi Hương - Ảnh: MĐ

Những người làm báo hôm nay được đào tạo bài bản trên giảng đường đại học, còn tôi thì khác, được đào tạo ngay trong môi trường quân đội, với khẩu súng AK để tự bảo vệ mình, chiến đấu, những kinh nghiệm, kỹ năng sinh tồn trong thời kỳ chiến tranh, và học các kỹ năng viết báo, làm báo từ đồng chí, đồng đội và ngay trong chiến trường. Quan điểm làm báo của tôi đó là cái mở đầu, quan trọng nhất, quyết định nhất chính là tính chân thật, không được nói sai sự thật, xuyên tạc. Những bài báo tôi viết trong thời chiến cũng như trong thời bình đều đặt tính chân thật lên hàng đầu, với lập trường chính trị vững vàng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ đồng chí, đồng đội và người dân. Để có những bài viết đến tận tay độc giả, người làm báo chiến trường trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả và nguy hiểm khó có thể kể hết bằng lời. Đầu tiên là quá trình đi lấy tư liệu, thông tin trên chiến trường, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết nhiều khi không phân định rõ, hoặc về với cơ sở, bám trụ địa bàn, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động sản xuất, chiến đấu với nhân dân. Sau khi có đầy đủ thông tin, chúng tôi nỗ lực viết bài cho kịp thời gian báo xuất bản nhưng vẫn phải đảm bảo tính chân thật, chất lượng. Khi báo in ấn xong, chúng tôi tiếp tục công việc phát hành báo đến tay độc giả. Đây cũng là công đoạn khó khăn và hiểm nguy rình rập. Thêm một điểm đặc biệt trong làm báo thời chiến là người phóng viên không chỉ làm báo mà còn làm thêm nhiều công việc khác như trực tiếp lao động sản xuất, tìm kiếm lương thực, thực phẩm, nấu ăn cho đồng chí, đồng đội... Vì thế, trên hành trình tác nghiệp, chúng tôi còn để mắt quan sát xem những khu rừng, hay địa điểm nào có nhiều măng, rau, cây trái để tranh thủ hái về, cải thiện bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho mọi người tiếp tục làm tốt công việc và phục vụ chiến đấu. Trong quãng thời gian làm báo, những phóng viên chiến trường như chúng tôi không ít lần trở về từ cõi chết. Thế nhưng, không vì thế mà mọi người khiếp sợ, trái lại, đó còn là động lực để chúng tôi tiếp tục gắn bó với nghề báo và cống hiến hết mình, sẵn sàng hi sinh để có những sản phẩm báo chí chất lượng, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân ta, vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Báo chí hôm nay có sự phát triển mạnh mẽ, đội ngũ lãnh đạo, biên tập viên, phóng viên ngày càng có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ đắc lực cho công việc. Tôi tin, trong thời gian tới, báo chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của các tầng lớp nhân dân. Nhà báo NGUYỄN VĂN HOẰNG, nguyên phóng viên Báo Bình Trị Thiên: XỨNG ĐÁNG LÀ NGƯỜI CHIẾN SĨ TIÊN PHONG TRÊN MẶT TRẬN TƯ TƯỞNG, VĂN HÓA

Nhà báo Nguyễn Văn Hoằng - Ảnh: MĐ

Ngay từ khi đặt chân vào nghề báo, tôi luôn xác định rõ lập trường, tư tưởng vững vàng, nỗ lực hết mình vượt qua muôn vàn khó khăn, sẵn sàng hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa. Với sức trẻ, lòng yêu nghề, tôi hăng hái xông pha trên chiến trường, hay về nơi hậu phương thu thập thông tin, viết tin, bài, chụp ảnh. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc khi những tác phẩm báo chí của mình được bạn đọc đón nhận, được các cấp, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp đánh giá cao, tiêu biểu như tác phẩm: “Tiêu mà không... chuẩn”, “Vọng tuyến sông Hương” đạt giải 3 báo chí toàn quốc, “Kinh nghiệm giữ nước trong mùa lũ”, “Người phi công cuối cùng trên đất Vĩnh Linh”...Những thành quả đó xuất phát từ việc xác định rõ phải thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tích cực bám sát thực tiễn cuộc sống, không ngừng tư duy để phát hiện những vấn đề mới, sự kiện tiêu biểu, và tinh thần không quản ngại nhọc nhằn, vất vả trên hành trình tác nghiệp. Tôi vẫn nhớ khi làm cho Báo Thống Nhất, được lãnh đạo cơ quan cử đi Hà Nội lấy phương tiện, giấy mực… phục vụ cho hoạt động xuất bản, tôi đã đồng ý lên đường ngay. Thời buổi bấy giờ đường sá đi lại khó khăn và nguy hiểm, nên tôi quyết định đạp chiếc xe Phượng Hoàng ra Hà Nội. Hành trình ra Hà Nội lắm nỗi gian truân khi xe nhiều lần bị hư hỏng dọc đường, thiếu ăn, thời tiết khắc nghiệt... Khi ra đến Hà Nội, lấy được phương tiện, vật liệu gửi xe ô tô mang vào Quảng Trị ngay. Trên đường đạp xe trở về Quảng Trị với chặng đường gian nan nhưng trong lòng tôi vui mừng phơi phới khi hoàn thành nhiệm vụ. Niềm vui trong thời gian làm báo chính là được nhân dân yêu mến, giúp đỡ tận tình từ miếng ăn đến giấc ngủ. Điều đó đã giúp chúng tôi quên đi sự ác liệt của chiến tranh, và cũng là động lực quý giá để chúng tôi tiếp tục vượt lên nhiều khó khăn, vất vả, nguy hiểm, mang đến những tác phẩm báo chí phục vụ nhu cầu người dân, cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân ta. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi được làm cho Tạp chí Học Tập, Báo Thống Nhất, Báo Bình Trị Thiên. Ký ước đẹp về những tháng ngày cầm bút, cầm súng thời chiến hay trong thời bình vẫn còn nguyên vẹn trong tôi như thể chuyện vừa xảy ra. Với tôi, niềm vui tuổi về già chính là kể cho con cháu nghe cuộc đời làm báo của mình và các đồng chí, đồng đội với biết bao khó khăn, vất vả, nguy hiểm nhưng thật vinh quang... Nhà báo VŨ THẾ SÚY, nguyên phóng viên Báo Quảng Trị Giải Phóng: GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN, VỚI THỰC TIỄN CUỘC SỐNG

Nhà báo Vũ Thế Súy - Ảnh: MĐ

Năm 17 tuổi, tôi xếp bút nghiên, tình nguyện lên đường nhập ngũ ở Trung đoàn 6 tại Trị Thiên. Năm 1968, tôi được Khu ủy Thừa Thiên Huế đưa về đào tạo để làm phóng viên Đài Phát thanh Huế. Năm 1971, tôi về Quảng Trị làm cho Báo Cứu Nước, Báo Quảng Trị Giải Phóng, Báo Bình Trị Thiên, sau đó chuyển qua làm ở Ban Tuyên huấn Đông Hà cho đến ngày nghỉ hưu. Với trái tim trẻ đầy nhiệt huyết cùng sự hỗ trợ, giúp đỡ về nhiều mặt của lãnh đạo, đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp, tôi đã trở thành phóng viên chiến trường đích thực với không ít lần “vào sinh ra tử” để có những tác phẩm báo chí kịp thời phản ánh đúng nhịp đập, hơi thở của cuộc kháng chiến, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc của kè thù và quá trình chiến đấu anh dũng, những chiến công của quân và dân ta, những tấm gương sáng trong đời thường… Trong ba lô người làm báo lúc bấy giờ, bên cạnh các phương tiện phục vụ làm báo còn có khẩu súng, lương thực thực phẩm, quân trang, thuốc men... Khó khăn nhất chính là điều kiện làm việc, phương tiện đi lại thiếu thốn, chủ yếu là đi bộ, luôn đối diện với mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Thuận lợi nhất đó là đề tài phong phú, đa dạng, sinh động từ trong thực tiễn cuộc sống, sự kiện nóng hổi nhiều, được dân tin tưởng, yêu mến. Tuy nhiên, để biến những thuận lợi đó phục vụ đắc lực hoạt động báo chí, đòi hỏi người làm báo phải biết dấn thân, dũng cảm trong quá trình tác nghiệp. Đồng thời phải gắn bó mật thiết với nhân dân để lắng nghe hơi thở, nhịp đập của cuộc sống, của lòng dân để phản ánh đúng sự thật, nhân lên những điển hình tiêu biểu trong cuộc sống, cung cấp “món ăn tinh thần” cho người dân, và đặc biệt là đặt dấu ấn người làm báo trong lòng dân, để được nhận lại bằng sự giúp đỡ, hỗ trợ trong quá trình tác nghiệp cũng như có những bữa cơm ấm lòng, giấc ngủ bình yên. Tôi luôn tự nhủ với lòng, phải cố gắng nhiều hơn nữa để có những tác phẩm báo chí và những việc làm, hành động thiết thực tri ân tấm lòng người dân dành cho mình và những người làm báo chiến trường. Trong lần về xã Hải Vĩnh (Hải Lăng) năm 1972, khi thấy một gia đình kẹt trong hầm vì bị bom Mỹ đánh sập hầm, tôi đã bảo với mọi người lấy dây thừng cột chặt chân tôi lại để tôi bò sâu xuống dưới hầm, tìm kiếm và đưa người dân lên. Sau vài chục phút tôi đã đưa được 7 người ra khỏi hầm, tiếc là cả 7 người ấy đã trút hơi thở cuối cùng trong lòng hầm. Trong quá trình tác nghiệp, tôi luôn quan sát những nơi mình đặt chân đến để xem có măng rừng, cây trái gì để mang về cải thiện bữa ăn cho đồng chí, đồng đội, hoặc lặn lội về những vùng giải phóng để gùi gạo, lương thực lên chiến khu. Làm báo lúc bấy giờ là làm tất tần tật mọi công việc, vừa viết báo, chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Tự hào là những tác phẩm báo chí tôi và các đồng nghiệp vẫn ra đời kịp thời, đảm bảo tính thời sự, đến tận tay bạn đọc, góp phần vào công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sở thích hàng ngày của tôi bao nhiêu năm vẫn không thay đổi, luôn dành nhiều thời gian đọc báo, xem truyền hình, nghe đài. Bản thân tôi luôn nỗ lực hết mình để tự hoàn thiện mình hơn, giữ gìn phẩm chất quý báu của người làm báo, nêu gương sáng cho các con, cháu noi theo và tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi chúc những người làm báo tiếp tục gặt hái nhiều thành công trong nghề báo, được nhân dân tin tưởng, yêu quý và dành tình cảm đặc biệt đối với nghề báo và người làm báo. NGUYỄN MINH ĐỨC (lược ghi)