Niềm tin soi đường
(QT) - Từng một thời luẩn quẩn trong vòng mặc cảm, nghèo khó nhưng họ không cho phép mình gục ngã. Ngược lại, ai cũng nỗ lực chứng minh: “Dẫu mất đi đôi mắt song cuộc đời tôi sẽ không mãi mãi chìm trong bóng tối”. Hành trình vươn đến ánh sáng của em Nguyễn Thị Nguyệt, anh Hoàng Bảy và chị Sử Thị Thanh bắt đầu bằng niềm tin sắt son như vậy. Chân trời mới của Nguyệt
 |
Em Nguyễn Thị Nguyệt ngày ngày gắn bó với những chấm chữ Braille |
Nguyễn Thị Nguyệt (trú tại xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị) được ví là “con chim họa mi” của Hội Người mù tỉnh. Hầu như lần nào tham dự cuộc thi “Tiếng hát từ trái tim” do Tỉnh hội, Trung ương hội tổ chức, cô cũng đạt giải cao. Xem cô gái khiếm thị trình diễn, nhiều người không sao cầm được nước mắt. Điều đáng nói là những ca khúc Nguyệt trình bày không sầu thương, bi lụy, ngược lại nó khiến ai cũng thấy cuộc sống đáng yêu hơn. Có lẽ chính hành trình “đi từ bóng tối ra ánh sáng” đã truyền thêm cảm xúc cho tiếng hát của Nguyệt. Lúc sinh ra, Nguyệt đã không có đôi mắt sáng như bao đứa trẻ khác. Bi kịch ấy lặp lại một lần nữa đối với em gái của Nguyệt. Bố mẹ Nguyệt, hai người nông dân chân chất đã khóc cạn nước mắt vì thương con. Trong khi bạn bè đồng trang lứa có cả thế giới bao la để ngắm nghía, tuổi thơ Nguyệt chỉ gói gọn trong bốn vách nhà tranh, tất cả chỉ một màu đen. Lần nọ, trên đường đến trường, lũ trẻ hàng xóm thấy Nguyệt dò dẫm bước theo, liền hét toáng lên rằng: “Có muốn cũng chẳng đi học được đâu”. Nghe vậy, Nguyệt đã khóc. Chưa bao giờ mong ước đến trường của cô bé lại lớn đến vậy. 8 tuổi, Nguyệt được các bác ở Hội Người mù huyện Cam Lộ động viên đi học chữ Braille. Từ đấy, cô bé khiếm thị bắt đầu làm quen với cái dùi, con cắm. Những chấm chữ Braille nhỏ li ti trở thành một thế giới đầy mê hoặc đối với Nguyệt. Đặc biệt, chính nó đã thức dậy mong muốn được đi học với các bạn lành lặn trong em. Hiếm ai ngờ từ đó về sau, Nguyệt có thể tự tin đồng hành cùng các bạn sáng mắt qua nhiều cấp học. Đặc biệt, cô học trò khiếm thị đã thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với điểm số khá cao. Nguyệt chia sẻ: “Sự học của em không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Sau khi tốt nghiệp lớp 9, em phải nghỉ học 3 năm vì mẹ lâm bệnh nặng. Trăn trở mãi, cuối cùng, em quyết định học nghề xoa bóp, tẩm quất để phụ giúp gia đình. Sau khi cuộc sống ổn định hơn, em mới trở lại trường”. Gặp vô vàn khó khăn khi bám trụ con chữ nhưng Nguyệt đã vượt qua tất cả để có thành tích học tập thật tốt. Bên cạnh đó, em còn tích cực tham gia các giải đấu thể thao người khuyết tật và giành nhiều huy chương. Hiện tại, Nguyệt đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị với tấm bằng loại khá và đang đi làm thêm trong thời gian xin việc. “Từ nhỏ, em đã ao ước trở thành giáo viên để dạy và truyền lửa cho các em nhỏ đồng cảnh ngộ với mình. Vì vậy, em đã chọn ngành sư phạm tiểu học. Đối với người khiếm thị, có được một công việc ổn định, đúng năng lực, sở trường không phải là chuyện đơn giản. Thế nên, rất mong mọi người cho em một cơ hội”- Nguyệt bộc bạch. Còn đôi bàn tay
 |
Nhờ hăng say lao động, anh Hoàng Bảy đã có một cơ ngơi đáng mơ ước |
Cổ nhân có câu “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Không may mắn có đôi mắt sáng, anh Hoàng Bảy (trú tại đội 4, thôn Ái Tử, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong) từng có quãng thời gian chìm trong tuyệt vọng. Rồi anh nhận ra: “Mình vẫn còn đôi bàn tay. Chỉ cần bền lòng, vững chí thì không gì là không thể”. Đến giờ, anh Hoàng Bảy vẫn nhớ như in vụ tai nạn bom mìn khiến cuộc đời mình rẽ sang hướng khác. Năm 1994, anh Bảy và vợ lên đội 4 lập nghiệp, để có nguồn vốn ban đầu, anh tham gia “đội quân” rà phá phế liệu chiến tranh. Lần nọ, anh Bảy không may cuốc phải bom. Từ đó, đôi mắt vốn bị cận rất nặng của anh gần như mù hẳn. Sau đận ấy, anh Bảy quyết định từ bỏ nghề rà phế liệu. Người đàn ông trung niên tập làm quen với công việc lặt vặt trong gia đình, rồi cố gắng lên rẫy giúp vợ chừng nào hay chừng ấy. Với nỗ lực phi thường, vợ chồng anh Bảy đã khai hoang hơn 2 ha đất để trồng rừng. Bên cạnh đó, anh chị còn nuôi thêm trâu bò, lợn, gà vịt... Nhờ thế, kinh tế gia đình trở nên khấm khá hơn. Với cái đầu đầy ắp ý tưởng làm ăn, anh Hoàng Bảy đã động viên người thân lập ra nhóm nhận khoán trồng, bảo vệ, chăm sóc và khai thác rừng. Không ngần ngại, anh tìm đến nhà các chủ rừng để thương thuyết. Ban đầu, nhiều người không tin tưởng vì biết mắt anh rất kém. Anh Bảy liền bảo rằng: “Tuy mắt không được tinh anh nhưng tôi lại có bàn tay, khối óc. Anh em trong nhóm sẽ làm đôi mắt cho tôi. Nếu chúng tôi làm ăn không ra gì, anh chị có thể không trả tiền”. Chỉ sau một thời gian ngắn, sự chăm chỉ và uy tín của các thành viên trong nhóm đã chinh phục chủ rừng đầu tiên. Tiếng lành đồn xa, nhiều chủ rừng đã đặt vấn đề làm ăn với anh Bảy. Có thời điểm, anh em trong nhóm làm không ngơi việc. Nhận rõ điểm yếu của mình, ban đầu, anh Bảy đảm nhận việc hỗ trợ anh em trong nhóm. Anh tích cực liên hệ chủ rừng, mua máy móc, chuẩn bị lương thực, thuê xe chở gỗ. Bên cạnh đó, anh cũng tập làm rừng. “Có những việc như đào hố, trồng cây, róc cành..., mình làm miết rồi thành quen. Thế nên, không có gì khiến mình ngại ngần cả”, anh Bảy cho biết. Nhờ sự nỗ lực phi thường, cuộc sống gia đình anh Bảy đã thực sự sang trang. Hiện tại, vợ chồng anh có một khoản tiền kha khá gửi ngân hàng. Ngôi nhà của anh chị cũng được xây dựng khang trang với nhiều tiện nghi. Là Chủ tịch Hội Người mù xã Triệu Ái, anh Bảy luôn nêu gương sáng để hội viên noi theo. Ngày ngày, anh hỗ trợ bà con bằng cách chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tặng cây giống, cho vay vốn, động viên con em người khiếm thị vào nhóm nhận khoán rừng. Bên cạnh đó, anh còn tích cực tham gia các giải đấu thể thao người khuyết tật. Ngay giải đầu tiên tham gia (năm 2005), anh đã đạt 3 huy chương vàng cấp tỉnh và tiếp đó là 3 huy chương vàng quốc gia. Từ đấy về sau, năm nào anh Bảy cũng mang vinh quang về cho địa phương. Hiện tại, anh sở hữu hơn 70 tấm huy chương các loại. Với tất cả nỗ lực làm ăn kinh tế, tham gia công tác hội, nhiệt huyết trong phong trào thể thao, anh Bảy xứng đáng được trao tấm huy chương danh dự về nghị lực và niềm tin. Không muốn con mù kiến thức
 |
Chị Sử Thị Thanh luôn ấm lòng khi nghĩ đến tương lai của con |
Mỗi lần ai đó trò chuyện về sự giàu nghèo, chị Sử Thị Thanh (trú tại phường 4, TP. Đông Hà) lại nói: “Tài sản đáng giá nhất của mình là ba đứa con ngoan”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, dù khó khăn đến đâu, chị Thanh vẫn quyết tâm nuôi con ăn học. Ngôi nhà của mẹ con chị Sử Thị Thanh đã xuống cấp trông thấy. Mỗi lần mưa gió, bão, ngồi trong nhà, chị lại run lên vì sợ. Từ ngày chồng mất đến nay, chị không có điều kiện để gia cố, sửa sang lại nhà, tất cả tiền tiết kiệm được, chị đều dồn cho con ăn học. Ấy vậy mà chị chẳng bao giờ thở than. Chị nói: “Mình là chỗ dựa cho con, nếu không vững tinh thần thì con cái làm sao yên tâm học tập”. Chị Thanh và các con từng trải qua những ngày tận khổ. Mái tranh nghèo đang yên ấm thì vì một phút sơ ý, chị đã mất đi mắt trái. Ít năm sau, chồng chị Thanh lại qua đời do tai nạn giao thông. Lúc ấy, cháu út mới 4 tuổi. Mất đi trụ cột gia đình, mẹ con chị Thanh phải đối diện với cảnh cơm ăn không no, áo mặc chưa ấm. Thương con, chị không cho phép mình gục ngã. Người mẹ trẻ quyết định vực dậy cơ sở sản xuất nước đá. Từ đồng vốn vay của Hội Người mù tỉnh, chị đã sửa sang lại xưởng, mua thêm máy móc. “Mình kham hết tất cả các công việc mà trước đây bản thân vẫn nghĩ chỉ đàn ông mới đủ sức làm. Nhiều khi ốm đau cũng cắn răng chịu đựng. Chỉ mong các con không phải khổ”, chị Thanh bộc bạch. Lo miếng cơm, manh áo cho 4 thành viên trong gia đình đã khó, vậy mà, chị Thanh vẫn quyết tâm cho con đến trường. Thấy sức khỏe chị có hạn, nhiều người khuyên nên cho hai đứa đầu nghỉ học để đỡ đần công việc gia đình. Thế nhưng chị không đồng ý. Chị nghĩ, cứ cho con học xong lớp 9 rồi tính tiếp. Vậy mà, sau khi các con tốt nghiệp THCS, chị Thanh lại gắng gỗ. Cứ thế, đến nay, ba người con của chị đều đã bước vào đại học. Hiện tại, cháu đầu Hoàng Thanh Minh đang học Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng; hai cháu Hoàng Thị Thu Thủy và Hoàng Anh Tuấn học Đại học Y khoa Huế. Cũng vì sự học mà không ít lần chị Thanh ôm con khóc. Có lần, cháu út – Hoàng Anh Tuấn khăng khăng xin nghỉ học để phụ giúp mẹ. Chị Thanh chỉ biết nghẹn ngào bảo: “Đời mẹ không được học hành đến nơi đến chốn, chỉ trông đợi vào các con. Mẹ con mình phải cùng vượt qua thử thách này”. Đặc biệt, mỗi mùa tựu trường, cả chị Thanh lẫn 3 người con đều nơm nớp lo. Nhìn những đồng tiền bán đá lẻ được xếp gọn gàng, chị và các con không sao cầm được nước mắt. Cứ thế, mẹ con chị đều nỗ lực hết sức, lần lượt vượt qua những trở ngại trong cuộc sống và thắp lên hi vọng về ngày mai tốt đẹp hơn. Hiện tại, chị Sử Thị Thanh đang là Chủ tịch Hội Người mù phường 4, TP. Đông Hà. Chính quyết tâm nuôi dạy con thành tài của chị đã tiếp thêm ngọn lửa cho các hội viên khác. Ai cũng khâm phục ý chí, nghị lực của mẹ con chị Thanh. Họ bảo nhau, chỉ cần nỗ lực, tất cả khó khăn đều có thểvượt qua. Bài, ảnh: QUANG HIỆP