(QT) - Những năm gần đây, phong trào trồng rừng thâm canh phát triển mạnh, do đó người trồng rừng quan tâm nhiều đến chất lượng đầu vào của sản xuất rừng như giống, vật tư phân bón…Để giúp các vườn ươm có nguồn giống tốt cung ứng cho người trồng rừng, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã tập trung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhân giống và xây dựng mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Quảng Trị thực hiện theo phương thức tuyển chọn, đến nay đạt được kết quả tốt, tạo ra được nhiều dòng cây keo lai có chất lượng phục vụ cho việc trồng rừng thâm canh.
![]() |
Keo lai giâm hom chuẩn bị xuất vườn |
Hằng năm, toàn tỉnh trồng từ 5.000- 6.000 ha rừng tập trung và hàng triệu cây phân tán nên nhu cầu giống cây lâm nghiệp khá lớn. Đối với trồng rừng tập trung, hiện nay cây keo lai được nhiều nông dân lựa chọn vì loại cây này sinh khối nhanh, cho sản lượng cao. Tuy nhiên, để có được vườn ươm giống keo lai chất lượng tốt cần ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhất là kỹ thuật giâm hom và dòng keo lai. Nhằm hoàn thiện, hướng dẫn công nghệ giâm hom cải tiến, công nghệ nuôi cấy mô cây keo lai, đẩy mạnh công tác sản xuất giống có chất lượng, nâng cao năng suất rừng trồng và phát triển KTXH địa phương, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống keo lai tự nhiên như: Giống BV33, BV73, BV75 là giống được công nhận là giống quốc gia, giống tiến bộ kỹ thuật năm 2006. Đây là những giống keo lai có tốc độ phát triển nhanh, chất lượng gỗ tốt và an toàn sinh học trong trồng rừng dòng vô tính. Anh Nguyễn Minh Ngọc ở phường 5, thành phố Đông Hà lên trồng rừng ở xã Cam Tuyền, Cam Lộ. Ngay từ đầu anh Ngọc đã xác định đầu tư thâm canh mạnh trên diện tích 15 ha rừng nên anh chọn giống keo lai được ươm trồng theo công nghệ giâm hom cải tiến để trồng. Anh Ngọc còn khá kỹ càng trong khâu làm đất, bón phân hữu cơ, phân NPK nên những cánh rừng keo lai của anh phát triển tốt. Chỉ sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây keo lai đã có đường kính 13- 15 cm. Dự tính, khoảng 2 năm nữa rừng keo lai của anh Ngọc sẽ khai thác với giá trị khoảng 45- 50 triệu đồng/ ha.
Hiện nay, nhu cầu giống keo lai phục vụ cho trồng rừng khá nhiều nên Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ xây dựng được quy trình nhân giống keo lai bằng công nghệ nuôi cấy mô tế bào để nhân nhanh các giống keo lai phục vụ trồng rừng và vườn vật liệu cây đầu dòng, hoàn thiện được quy trình công nghệ giâm hom cải tiến cây keo lai tại Quảng Trị. Trung tâm đã xây dựng 2 mô hình vườn ươm công suất 500.000 cây/ vườn/năm, tổ chức 2 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về công nghệ giâm hom cải tiến cây keo lai và chuyển giao các quy trình về công nghệ nuôi cấy mô keo lai các dòng BV33, BV73, BV75 cho các đơn vị sản xuất giống cây lâm nghiệp.
Với phương thức chuyển giao các kết quả nghiên cứu là quá trình kết hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất, các kết quả nghiên cứu, sau khi được nghiệm thu, công bố rộng rãi để các đơn vị, hộ gia đình nhanh chóng nắm bắt thông tin và vận dụng có hiệu quả vào thực tế sản xuất. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Quảng Trị có thể áp dụng được quy trình sản xuất được cây keo lai mô tại cơ sở hiện có. Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cung cấp 1.000 cây đầu dòng để trồng vườn vật liệu cung cấp vật liệu nuôi cấy mô và chuyển giao 30 bình giống gốc (dòng BV33, BV73, BV75) để tiếp tục nhân nhanh, chuyển giao 2 mô hình vườn ươm với công suất 500.000 cây/năm.
Kết quả nghiên cứu của Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ góp phần nâng cao tính bền vững và khả năng cạnh tranh trong công tác sản xuất cây giống lâm nghiệp hiện tại của tỉnh Quảng Trị. Đặc biệt, khuyến khích, thúc đẩy việc đưa một số giống tiến bộ đã được công nhận vào sản xuất nâng cao chất lượng rừng trồng, đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng. Các công ty, cơ sở lâm nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh cây giống lâm nghiệp ở vùng Bắc Trung Bộ áp dụng kết quả nghiên cứu này để nâng cao chất lượng cây giống lâm nghiệp. Cũng trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị tham mưu xây dựng chiến lược phát triển giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng gỗ nguyên liệu và rừng gỗ lớn có năng suất và chất lượng cao. Việc hoàn thiện được công nghệ giâm hom cải tiến đối với cây keo lai phù hợp với điều kiện của tỉnh và xây dựng được mô hình vườn giâm hom keo lai phù hợp với chi phí, giá thành sản xuất cây giống hợp lý, người dân sau khi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật có thể dễ áp dụng và nhân rộng mô hình. Đối với những cơ sở sản xuất cây giống, Trung tâm Khoa học lâm nghiệp Bắc Trung Bộ cung cấp cây đầu dòng có chất lượng tốt, hướng dẫn cải tiến kỹ thuật và vườn ươm để nâng cao sản lượng cây giống có chất lượng, phù hợp với điều kiện khí hậu đất đai của địa phương.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm gỗ lớn rừng trồng tại Quảng Trị khá thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng với sản lượng chế biến hàng năm khoảng 450.000m3 gỗ thành phẩm (tương đương 700.000m3 gỗ nguyên liệu). Đây là điều kiện thuận lợi của tỉnh trong lĩnh vực chế biến sản phẩm gỗ rừng trồng. Do đó, nhu cầu về giống có chất lượng trồng kinh tế trên địa bàn tỉnh là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay, Quảng Trị chỉ có một số ít các dòng keo lai như BV10, BV16, BV32 đã được phát triển rộng vào sản xuất. Do đó, để đảm bảo tính đa dạng và an toàn sinh học trong trồng rừng thì việc tăng số lượng các giống cây sản xuất là nhu cầu thiết yếu trên thị trường như các dòng keo lai mới BV33, BV73, BV7 là rất cần thiết.
Võ Thái Hòa