(QT) - Đến hết năm 2018, ở tỉnh Quảng Trị có 93,44% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 51,10% người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn kĩ thuật quốc gia, 96,22% trường học và 98,31% trạm y tế có nước hợp vệ sinh... Bảo vệ sức khỏe của người dân trước nguy cơ nhiễm bệnh từ nguồn nước bị ô nhiễm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và sự phát triển bền vững là một trong những mục đích công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh Quảng Trị.
![]() |
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ có thể tiến hành xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng nước ở mức độ giám sát A |
Nước chiếm tới 75% trọng lượng của cơ thể. 80% bệnh tật mà con người mắc phải là do dùng nước không sạch và việc xóa bỏ đói nghèo, phổ cập giáo dục tiểu học và giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em sẽ rất khó khăn nếu không có đủ nguồn nước sạch. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có hơn 9.000 người tử vong vì những bệnh liên quan nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Bên cạnh đó, hằng năm có gần 200.000 người Việt Nam bị mắc ung thư mới phát hiện mà theo đánh giá tổng hợp của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên-môi trường, một trong những nguyên nhân chính là ô nhiễm môi trường nước. Ô nhiễm nước là sự biến đổi các thành phần của nước so với trạng thái ban đầu. Đó là sự biến đổi các chất lí, hóa, sinh vật và sự có mặt của chúng trong nước làm cho nước trở nên nguy hại đến sức khỏe của con người khi uống trực tiếp và vệ sinh thân thể. Đặc biệt, khi bị nhiễm các kim loại nặng như chì, đồng, thạch tín, chất phóng xạ và các vi sinh vật, nước có thể gây các bệnh nhiễm trùng đường ruột như tả, lị trực khuẩn, thương hàn, phó thương hàn, tiêu chảy, giun sán và các bệnh ngoài da, bệnh về mắt, ung thư... Vì vậy, có thể ngăn ngừa được 80% bệnh tật khi có đầy đủ nước sạch và việc cung cấp nước sạch đầy đủ là một trong những điều kiện cơ bản để bảo vệ sức khỏe con người.
Hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2019 được tổ chức từ ngày 29/4 đến ngày 6/5 theo chủ đề “Cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng” kết hợp hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6/2019, Trung tâm KSBT triển khai các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) để cải thiện sức khỏe với các thông điệp: Bảo đảm NS&VSMT là trách nhiệm của toàn xã hội. Đảm bảo NS&VSMT góp phần xây dựng nông thôn mới. Xử lí, trữ nước và sử dụng nước an toàn hộ gia đình góp phần bảo vệ sức khỏe của con bạn, chính bạn và gia đình bạn. NS&VSMT tốt cho một xã hội khỏe mạnh. Bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường vì chất lượng cuộc sống. Hãy để trẻ em được phát triển trong môi trường văn minh với nguồn nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Rửa tay với xà phòng và nước sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để phòng ngừa bệnh tiêu chảy và tay-chân-miệng cho trẻ. Sử dụng nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần phòng chống suy dinh dưỡng, cải thiện chiều cao của trẻ. Cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng. Cũng trong thời gian này, Khoa Sức khỏe môi trường-y tế trường học-bệnh nghề nghiệp của trung tâm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt do các cơ sở cấp nước tập trung cung cấp hoặc hộ gia đình tự khai thác. Theo kế hoạch năm 2019, Khoa Sức khỏe môi trường-y tế trường học-bệnh nghề nghiệp phối hợp Khoa Xét nghiệm kiểm tra vệ sinh cơ sở cung cấp nước có công suất thiết kế từ 1.000 m3 /ngày, đêm trở lên bao gồm kiểm tra vệ sinh nơi khai thác nguồn nước đầu vào, vệ sinh hoàn cảnh nơi cấp nước, vệ sinh hệ thống xử lí nước, kết quả xét nghiệm nước tại chỗ, lấy mẫu nước xét nghiệm tại 10 xí nghiệp cấp nước trên toàn tỉnh thuộc Công ty cổ phần (CTCP) Nước sạch Quảng Trị.
Về hoạt động kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng trong ăn uống, sinh hoạt do các cơ sở cấp nước tập trung cung cấp hoặc hộ gia đình tự khai thác trên địa bàn, thạc sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, thư kí chương trình NS&VSMT của Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị cho biết: Do không có kinh phí hỗ trợ công tác xét nghiệm chất lượng nước nên trong năm 2018 chúng tôi chỉ có thể tiến hành 2 đợt kiểm tra, lấy 60 mẫu nước tại 10 xí nghiệp cấp nước làm xét nghiệm các chỉ tiêu chất lượng ở mức độ giám sát A theo quy định của Bộ Y tế chứ chưa thực hiện được các xét nghiệm ở mức B và C. Thực tế, hoạt động nội kiểm chất lượng nước ở 10 xí nghiệp cấp nước trên địa bàn tỉnh được thực hiện tại Labo Phòng Xét nghiệm chưa đạt tiêu chuẩn ISO/ IEC 17025:2005 của CTCP Nước sạch Quảng Trị. Ở tuyến huyện, các Trung tâm y tế cũng không có kinh phí tổ chức kiểm tra, giám sát ngoại cảnh và lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm chất lượng. Ngay cả khi người dân ở thôn, xã nào đó báo về việc nước ăn uống, nước sinh hoạt của gia đình họ có dấu hiệu ô nhiễm thì trung tâm y tế huyện cũng như Trung tâm KSBT không có kinh phí thực hiện xét nghiệm chất lượng nước. Chỉ riêng trong đợt kiểm tra đột xuất của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Trung tâm đã phối hợp lấy 100 mẫu nước giếng khoan ven biển ở xã Hải An (huyện Hải Lăng), xã Gio Hải (huyện Gio Linh), thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh) để giám sát chất lượng...
Theo các chỉ tiêu chất lượng áp dụng trong giám sát chất lượng nước ăn uống đã được Bộ Y tế quy định, các mức độ giám sát B và C giúp xác định mức nhiễm xạ, có thể phát hiện hóa chất khử trùng và sản phẩm phụ, hóa chất bảo vệ thực vật, hàm lượng các chất hữu cơ... có trong nước. Một khi vượt giới hạn tối đa cho phép, các chất này và vi khuẩn có trong nước sẽ gây nguy hại với sức khỏe con người. Cho nên, xét nghiệm chất lượng nước ở tất cả các mức độ giám sát có ý nghĩa rất quan trọng đối với hiệu quả bảo vệ sức khỏe cộng đồng, duy trì hệ sinh thái lành mạnh với mọi khía cạnh sản xuất lương thực, phát triển kinh tế và đa dạng sinh học, cải thiện sức khỏe. Để triển khai được hoạt động ngoại kiểm chất lượng nước theo đúng chỉ tiêu và mức độ giám sát, Trung tâm KSBT tỉnh Quảng Trị rất cần được Cục Quản lí môi trường y tế và Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ kinh phí xét nghiệm mẫu nước đúng tần suất quy định; Sở Y tế hỗ trợ kinh phí kiểm tra, giám sát ngoại kiểm chất lượng nước của các cơ sở cấp nước ở tuyến huyện, xã và kinh phí tập huấn, truyền thông kiến thức về nước sạch tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trong tỉnh.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng nước cũng như các dịch vụ về nước ngày càng tăng và nguồn nước bị nhiễm bẩn nên trở thành căn nguyên chủ yếu của nhiều loại bệnh tật như hiện nay, mọi người và mọi quốc gia đều có trách nhiệm giữ gìn và quản lí bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước ngọt. Từ đó, việc thực hiện mục tiêu cấp nước an toàn vì sức khỏe cộng đồng sẽ đạt hiệu quả duy trì và phát triển sự sống lâu bền của con người.
Bội Nhiên