Người phục hồi chèo cạn làng Tùng Luật
Cách đây 15 năm (năm 1993) chèo cạn làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) có nguy cơ bị thất truyền do các cụ cao niên trong làng hiểu biết về chèo cạn cứ lần lượt qua đời. Không để chèo cạn làng Tùng Luật nức tiếng một thời bị lãng quên, ông Nguyễn Ái Chủng đã đứng ra xin làng thành lập lại đội chèo cạn, đồng thời tìm đến các cụ cao niên còn sống trong làng để cẩn thận ghi chép từng điệu hò, điệu khách cho đến động tác di chuyển của các bá trạo trong chèo cạn từ những mảnh ghép ký ức của ...

Người phục hồi chèo cạn làng Tùng Luật

Cách đây 15 năm (năm 1993) chèo cạn làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang, Vĩnh Linh) có nguy cơ bị thất truyền do các cụ cao niên trong làng hiểu biết về chèo cạn cứ lần lượt qua đời. Không để chèo cạn làng Tùng Luật nức tiếng một thời bị lãng quên, ông Nguyễn Ái Chủng đã đứng ra xin làng thành lập lại đội chèo cạn, đồng thời tìm đến các cụ cao niên còn sống trong làng để cẩn thận ghi chép từng điệu hò, điệu khách cho đến động tác di chuyển của các bá trạo trong chèo cạn từ những mảnh ghép ký ức của các cụ. Ngày đội chèo cạn làng Tùng Luật trình diễn thử để các cụ cao niên đóng góp ý kiền khi xem xong nhiều cụ đã xúc động ôm chầm lấy ông rưng rưng nước mắt không thể nói nên lời...

Đội chèo cạn làng Tùng Luật
Nối nghiệp ông cha “Hai mươi năm trời qua cơn dâu bể/Lòng không thể vá lại vết thương lòng/Thương nhau chi cho khổ chừ nghĩ lại thôi chớ đừng thương...”. Vừa vào đến ngõ căn nhà nhỏ nằm nép mình dưới tan lá xanh mướt cây trái giữa làng văn hoá Tùng Luật, tôi đã nghe tiếng ca trầm ấm văng vẳng vọng ra. Thấy khách đến đột ngột, ông bỏ lửng câu hát rồi nói với tôi rằng lâu ngay sợ trí nhớ không còn được minh mẫn như xưa nên hát lại cho khỏi quên một đoạn trong điệu khách (dân ca Bình Trị Thiên). Biết tôi có ý định viết bài về ông, ông cười rồi nửa đùa, nửa thật: “Chú muốn viết hay về tui thì phải biết chút ít về truyền thống nhiều đời đàn và hát dân ca Bình Trị Thiên của gia đình tui mới được. Không như vậy thì khó mà nắm bắt được những gì tui kể. Cái chi cũng có gốc tích của nó...”. Ông từ từ kể: Truyền thống đàn và hát dân ca Bình Trị Thiên của gia đình ông xuất phát từ cụ nội ông là cụ Nguyễn Hữu Như Bá. Theo những gì mà cụ thân sinh ông kể lại thì hồi đó (khoảng năm 1870 theo gia phả dòng họ Nguyễn của ông), cụ nội ông là thầy thuốc Bắc giỏi có tiếng trong vùng. Trong một lần lang bạt vào Nam bốc thuốc chữa bệnh khi trở ra Quảng Trị với chất nghệ sĩ trong máu huyết cùng với niềm đam mê ca hát, cụ đã ghé lại tỉnh Bình Định tìm thầy học hát bội. Một thơi gian sau, cụ trở ra Huế tiếp tục theo thầy học nhuần nhuyễn thêm năm loại nhạc cụ với nhiều làn điệu dân ca Bình Trị Thiên như lý giao duyên, lý ngựa ô, lý đoản xuân, lý quỳnh tương, lý con sáo sang sông; điệu khách gồm kim tiền lưu thuỷ, phú lục chậm, phú lục nhanh, cổ bản thường, cổ bản dựng, tứ đại cảnh (nam ai, nam bằng, nam xuân...); điệu hò Quảng Trị như hò mái nhì, hò mái đẩy, hò hụi, hò mái xắp, hò đưa linh... Về làng, cụ tập hợp con cháu, trai làng như cụ Trần Giỏ, Nguyễn Như Giản (cụ thân sinh ra ông), Nguyễn Thị Hạnh (cụ thân sinh ra nghệ sĩ nhân dân Lệ Thi), Nguyễn Thị Hoà, Bùi Văn Mè (cụ thân sinh của nghệ sĩ nhân dân Châu Loan), Võ Cháu, Trần Bời...ngày đêm tập huyện đàn và hát dân ca Bình Trị Thiên, hát bội sau đó ít lâu thì thành lập gánh hát “Ông Bộ Uyển”. Gánh hát “Ông Bộ Uyển” với nhiều vở diễn như “Giang Tả cầu hôn”, “Cô Cơ giả dại qua đèo”, “Hồ Xuân Hương”, “Tam Xuân loạn trào”...nức tiếng huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị ) và huyện Lệ Thuỷ (tỉnh Quảng Bình). Tiếc rằng (khoảng năm 1930-1945) khi dòng nhạc tiền chiến lên ngôi thì không còn ai muốn xem gánh hát biểu diễn nữa nên gánh hát “Ông Bộ Uyển” cũng tan rã từ đó. Diễn viên của gánh hát trong đó có cụ thân sinh của ông giã từ sân đình rộn vang tiếng trống, tiếng đàn, sáo, phách với những vai diễn anh hùng, mỹ nhân để quay về làm nông dân gắn đời mình với vườn tược, ruộng đồng quê hương. Chính khoảng thời gian sau khi gánh hát tan rã, cụ thân sinh của ông sợ nghiệp đàn, hát dân ca không có ai nối nghiệp nên đã cố công ngày đêm luyện tập, truyền dạy hết các ngón nghề cho ông với mong ước sau này ông lớn lên sẽ theo nghiệp đàn, hát của cụ. Hát dân ca trên chiến trường Dừng câu chuyện như để quay về với thực tại từ quá khứ vàng son của gánh hát “Ông Bộ Uyển” do cụ nội ông thành lập, ông trầm ngâm chốc lát rồi tiếp tục kể: Năm ông lên 8 tuổi (năm 1939), ông theo cô ông là cụ Nguyễn Thị Hạnh (lấy chống ở Quảng Ngãi và thành lập gánh hát “Oanh Võ Ban”) để học văn hoá và học thêm hát bội (chạy cờ hiệu cho gánh hát). Năm 1946, trong một lần theo cụ Hạnh về thăm quê, vừa về làng hôm trước thì hôm sau làng Tùng Luật bị hoả hoạn làm thiêu rụi hầu hết nhà cửa của dân làng. Lúc ấy, cụ Hạnh tức tốc vào Huế tuyển diễn viên đồng thời tập hợp những người từng là diễn viên của gánh hát “Ông Bộ Uyển” xưa lại để lập gánh hát đi biểu diễn thu tiền hỗ trợ cho nhiều hộ gia đình trong làng bị thiệt hại do hoả hoạn gây ra. Một thời gian sau, cụ Hạnh vào lại Quảng Ngãi, còn ông ở lại làng mãi cho đến năm 1947, ông được cán bộ xã Vĩnh Giang lúc bấy giờ là ông Trần Thân Đạt, Chính trị viên Xã Đội đưa lên làm thư ký Xã đội Vĩnh Giang ở chiến khu Thuỷ Ba (xã Vĩnh Thuỷ). Thời gian ấy, cứ tranh thủ những lúc rảnh rỗi là ông lại cùng các anh, chị du kích từ chiến khu lặn lội về các đồn như đồn Cửa Tùng, Tân Trại, Xuân Hoà...để hát binh địch vận. Năm 1953, trong một trận sốt rét nặng, ông được chuyển ra an dưỡng ở Đoàn 34 (Quân khu IV). Thời gian nghỉ dưỡng tại Đoàn 34, thấy ông đàn giỏi, hát hay dân ca Bình Trị Thiên, lãnh đạo Đoàn 34 cử ông làm quản ca cho đội văn nghệ Đoàn 34, sau đó điều ông về Đoàn văn công Quân khu IV đi khắp nơi biểu diễn tuyên truyền chống cưỡng bức dân di cư vào Nam. Năm 1966, ông chuyển về Đội tuyên truyền văn hoá (Khu Đội Vĩnh Linh). Năm 1976, khi thành lập tỉnh Bình Trị Thiên (cũ), ông về công tác tại Đoàn văn nghệ điện ảnh của BCH Quân sự tỉnh Bình Trị Thiên cho đến khi nghỉ hưu (năm 1988)
Ông Nguyễn Ái Chủng đang thể hiện một động tác minh họa trong chèo cạn làng Tùng Luật
Phục hồi vốn cổ Khi tôi hỏi ông về chuyện ông làm “sống lại” chèo cạn làng Tùng Luật, ông cho biết: Năm 1993, làng Tùng Luật quyên góp tiền của, ngày công để xúc tiến xây dựng Linh Lăng thờ ngài khai canh Hoàng Quý Công và ngài hậu khai canh Lê Quý Công... Nhiều lần ra thăm nơi xây dựng lăng, ông có dịp ngồi chuyện trò với các cụ cao niên trong làng rồi được biết trước đây, làng Tùng Luật có đội chèo cạn phục vụ lễ cầu ngư, đám tang trong làng nay gần như đã thất truyền do nhiều cụ cao niên trong đội chèo cạn của làng lần lượt qua đời gần hết. Từ những buổi trò chuyện đó đã hình thành, nung nấu trong ông ý định thành lập lại đội chèo cạn làng Tùng Luật. Chọn thời điểm thích hợp gần ngày khánh thành Linh Lăng, ông mạnh dạn đề xuất với làng xin được thành lập đội chèo cạn. Khi nghe ông đề xuất, nhiều cụ cứ bảo ông là làm cách nào để khôi phục lại chèo cạn trong khi nhiều cụ hiểu biết về chèo cạn đã qua đời. Ông hứa chắc chắn như đinh đóng cột với các cụ rằng ông sẽ làm được bởi trước đó, qua tìm hiểu ông biết được trong làng vẫn còn vài cụ trong đội chèo cạn xưa và khá minh mẫn còn sống như cụ Trần Sẽ, Nguyễn Uy, Phan Nhượng, Trần Nguyện... Khi được làng đồng ý, ông tìm đến các cụ học hỏi, cẩn thận ghi chép lại từng điệu hò, điệu khách (được sử dụng trong chèo cạn), động tác của bá trạo, động tác múa hoa đăng (múa bông). Thu thập, ghi chép xong, ông bỏ ra cả tháng trời ngồi viết kịch bản, sau đó xin làng cho 20 nam thanh niên khoẻ mạnh, cao to (có tuổi đời từ 20-30 tuổi) tập trung tại nhà ông để tập luyện vào ban đêm. Được một thời gian, do các nam thanh niên thường xuyên đảm nhận công việc đồng áng mệt nhọc nên người đến tập, người không làm cho việc thành lập đội chèo cạn khó thực hiện được. Một lần nữa, ông lại xin làng cho 20 nữ thanh niên đến tập luyện và kết quả bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của ông là các nữ thanh niên không những luyện tập chăm chỉ lại còn thực hiện các động tác nhuần nhuyễn, nhịp nhàng đẹp mắt hơn các nam thanh niên (đó là lý do đội chèo cạn làng Tùng Luật chỉ có nữ mà không có nam). Sau thời gian miệt mài tập luyện, trước khánh thành Linh Lăng một ngày, ông cho đội biểu diễn thử để các cụ cao niên được mời đến góp ý cho đội chèo cạn. Xem xong, nhiều cụ không dấu nổi xúc động ôm chầm lấy ông không nói nên lời. Qua cơn xúc động, có cụ nắm chặt lấy tay ông mà nói “Ông giỏi lắm, ông Chủng ơi... Ông làm "sống lại" chèo cạn làng Tùng Luật rồi...” Ông cho biết thêm: Chèo cạn làng Tùng Luật có hai vế gồm chèo cạn cầu ngư chuyên phục vụ lễ cầu ngư (ngư dân tổ chức lễ để cầu mưa thuận, gió hoà, tôm cá đầy thuyền) và chèo cạn đưa linh (tiễn đưa người chết về thế giới cực lạc). Đội hình trong chèo cạn làng Tùng Luật có 21 người gồm một người làm động tác tát nước; một người làm động tác chèo lái; một người làm động tác chèo mũi và 10 bá trạo (người chèo); một đội 8 người múa hoa đăng (múa bông). Điệu hò sử dụng trong chèo cạn làng Tùng Luật gồm hò mái nhì, hò mái đẩy, hò mái xắp, hò đưa linh (chủ yếu là dân ca Quảng Trị), nói vè và số ít điệu nam, điệu khách trong hát bội. “Đất Vĩnh Linh xông lên làn khí đẹp/Non Tùng một dải đẹp màu xanh”- câu hò kèm động tác khua mái chèo minh hoạ của ông khi chia tay tôi như để chia sẻ với tôi ít kiến thức về chèo cạn làng Tùng Luật bởi đội chèo cạn làng Tùng Luật chỉ tập hợp lại khi làng tổ chức lễ hoặc có đám tang nên ông không thể cho tôi tận mắt xem đội biểu diễn được. Tôi biết vài ngày hay vài tháng nữa khi làng Tùng Luật tổ chức lễ, ông lại cầm chầu, giữ nhịp chiếc trống đại cho đội chèo cạn làng Tùng Luật được ông làm “sống lại” bằng cả tình yêu và niềm đam mê phục hồi vốn cổ biểu diễn. Tiếng trống đại giữ nhịp vang xa như tâm nguyện của ông cùng đội chèo cạn làng Tùng Luật mong cầu mưa thuận, gió hòa cho biển lặng, sóng êm để mỗi sớm mai thuyền về đầy ắp cá. Bài, ảnh: Hoàng Tiến Sỹ