Chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân
(QT) - Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy dễ làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.

Chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân

(QT) - Thời tiết mùa đông xuân là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus gây bệnh phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, vì vậy dễ làm tăng nguy cơ gây bệnh ở người, lây lan trong cộng đồng và bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm.

Tiêm chủng đầy đủ là một trong những biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Ảnh: B.N

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trương Hữu Nhân- Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị cho biết: “So với các mùa khác trong năm thì mùa đông xuân với thời tiết lạnh, ẩm bao giờ cũng xuất hiện nhiều loại dịch bệnh và có khả năng truyền nhiễm, nguy hiểm đối với tính mạng con người. Đặc biệt thời điểm hiện nay sau dịp Tết Nguyên đán Canh Tý và bước vào mùa lễ hội 2020, thường tập trung đông người, giao lưu, đi lại gia tăng tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật gây bệnh phát triển và lây lan, nguy cơ dịch bùng phát và lây lan là rất lớn, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà, các bệnh lây truyền từ động vật sang người như cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9, các bệnh do véc tơ truyền như sốt xuất huyết”.

Theo thống kê của Bộ Y tế, trong 10 tháng đầu năm 2019, hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kì năm 2018; riêng sốt xuất huyết theo chu kì nên số người mắc, tử vong tăng cao so với cùng kì; số mắc bệnh tay chân miệng tăng 0,5%. Tại Quảng Trị trong năm 2019, nhìn chung tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn ổn định, không có dịch lớn xảy ra, không ghi nhận bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và mới nổi xâm nhập, các bệnh lưu hành khác được phát hiện sớm và xử lí kịp thời nên hạn chế lây lan, các bệnh có vắc xin tiếp tục được khống chế hiệu quả. Hầu hết các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng giảm so với cùng kì năm ngoái, riêng sốt xuất huyết tăng 6 lần (6.202 trường hợp trong năm 2019 so với 1.039 trường hợp trong năm 2018), Sởi tăng 10 trường hợp so với năm 2018 (11 trường hợp trong năm 2019 so với 1 trường hợp của năm 2018).

Điều các chuyên gia y tế lo ngại là tuy một số bệnh giảm sâu, nhưng vẫn xuất hiện các trường hợp mắc rải rác, các ổ dịch tản phát như sốt rét, sởi, tay chân miệng. Một số bệnh đã được khống chế nhưng vẫn ở mức cao như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Riêng sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này cả nước đã có hơn 250.000 trường hợp mắc, trong đó 49 trường hợp tử vong. Các chuyên gia nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa tự giác tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh...

Bước sang mùa đông xuân, thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm từ nóng chuyển sang lạnh và từ nắng chuyển sang mưa trong một ngày. Khi sự biến động nhiệt độ diễn ra nhanh sẽ làm hệ miễn dịch của con người bị suy yếu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt đối với người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, những người có sức khỏe yếu, sức đề kháng giảm hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Ghi nhận tại các trung tâm y tế và bệnh viện trên địa bàn tỉnh vào mùa đông xuân năm nay, số lượng bệnh nhi đến khám và nhập viện tăng từ 10-15% so với những mùa khác trong năm. Đáng chú ý, số trẻ mắc bệnh về đường hô hấp kèm sốt, nôn ói tăng cao. Ngoài ra, còn nhiều trường hợp trẻ điều trị ngoại trú do mắc các bệnh khác như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm virus.

Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan và bùng phát, đáng lưu ý là gần đây với sự xuất hiện của chủng vi rút Corona mới gây bệnh viêm phổi cấp ở nước láng giềng Trung Quốc nên nguy cơ lây lan vào nước ta là rất lớn, ngành Y tế Quảng Trị tập trung chỉ đạo các biện pháp: Tích cực phòng chống dịch bệnh trước, trong và sau dịp tết, đặc biệt chú trọng các bệnh dịch có nguy cơ bùng phát trong mùa đông xuân; tăng cường giám sát tại cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, đặc biệt lưu ý các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, bạch hầu, ho gà…triển khai kịp thời, xử lí triệt để không để lây lan, bùng phát; phối hợp chặt chẽ với thú y địa phương kịp thời nắm bắt thông tin về dịch bệnh cúm trên gia cầm như cúm A H5N1, H5N6, H7N9 để chủ động có biện pháp phòng chống lây truyền sang người; tăng cường công tác truyền thông trên địa bàn, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt chú trọng các dịch bệnh có thể xảy ra trong mùa đông xuân; tổ chức tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ các loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm bổ sung theo các kế hoạch đã được phê duyệt và tư vấn tiêm các loại vắc xin dịch vụ để chủ động phòng các bệnh đã có vắc xin.

Ngoài việc tăng cường triển khai các hoạt động chuyên môn, bác sĩ Trương Hữu Nhân cũng khuyến cáo người dân tích cực thực hiện các biện pháp chủ động nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh trong mùa đông xuân như: Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm …); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp như sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm ...; hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch bệnh, mang khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm gia cầm; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, tự giác diệt lăng quăng/bọ gậy hằng tuần; khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bích Nga