Kỷ vật một thời - báu vật muôn đời
Bức ảnh Bác Hồ và lời thề giữ chốt bằng máu - Ảnh: Chinhphu.vn

Kỷ vật một thời - báu vật muôn đời

(Chinhphu.vn) - Cao điểm 544 tại Quảng Trị, tháng 6/1971. 4 chiến sĩ của ta quần nhau với 2 đại đội địch trong một ngày. Hai người đã hy sinh. Trung đoàn phó Lê Bá Dương lấy máu mình viết lên tấm ảnh Bác...

Bức ảnh Bác Hồ và lời thề giữ chốt bằng máu - Ảnh: Chinhphu.vn

Bức ảnh là một trong số hơn 10 nghìn hiện vật được gửi tới cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu kỷ vật kháng chiến do Tổng cực chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản HCM phối hợp chỉ đạo.

Qua những kỷ vật ấy, các thế hệ đi sau có thể hiểu được phần nào quan niệm, lý tưởng, lẽ sống, sự cống hiến và hy sinh của nhiều thế hệ, đã góp phần làm nên chiến thắng 30/4/1975 vĩ đại của dân tộc.

Bức ảnh Bác Hồ và lời thề giữ chốt bằng máu

Rất nhiều kỷ vật là những đồ dùng thường ngày trong chiến tranh: chiếc la bàn, bản đồ tác chiến, ống nhòm, các vật dụng tự chế tạo, huy hiệu, bi đông nước, bát đũa, quần áo, võng...

Ông Lê Bá Dương (hiện sống ở phường Quang Trung, Nha Trang, Khánh Hòa) đã tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự bức ảnh chân dung Hồ Chủ tịch với lời thề giữ chốt bằng máu.

Bức ảnh đen trắng khổ nhỏ, để vừa trong một cuốn sổ, ghi những dòng quyết tâm thư giữ chốt đến cùng của những người lính Trung đoàn 27 Triệu Hải (thuộc Sư đoàn 390, Quân đoàn 1) trong những phút cam go nhất trong trận đánh ở cao điểm 544 (thuộc huyện Cam Lộ, Quảng Trị) vào tháng 6/1971.

Trong trận đánh đó, 4 chiến sĩ của ta quần nhau với 2 đại đội địch trong một ngày. Hai người đã hy sinh. Trước khi phát tín hiệu để pháo bắn vào, sẵn sàng hy sinh cùng trận địa, Trung đoàn phó Lê Bá Dương lấy máu mình viết lên tấm ảnh Bác, rồi truyền lại cho đồng đội.

Ông Lê Bá Dương bị thương nặng trong trận chiến đấu ác liệt đó. Bức ảnh Bác lưu lạc nhiều năm, gần đây ông mới tìm lại được.

Đó chỉ là một trong những hiện vật mà chỉ cần nhìn vào chúng, người ta có thể hình dung ngay được sự khốc liệt của cuộc chiến cũng như sự tỏa sáng của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Hàn gắn quá khứ

Henry Prunier thời kỳ ở Việt Nam và chiếc áo kỷ vật - Ảnh: Chinhphu.vn

Ở tuổi 87, không còn đủ khỏe để đi chặng đường nửa vòng trái đất tới Việt Nam, Henry Prunier, cựu chiến binh Mỹ, đã nhờ một số người bạn cũng là các cựu chiến binh Mỹ, chuyển tới Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam những kỷ vật đã trở thành máu thịt với ông suốt hơn 6 thập kỷ qua.

Năm 1944, một chiếc máy bay B25 của Mỹ đã bị quân Nhật bắn rơi, viên phi công kịp nhảy dù xuống xã Đề Thám (Cao Bằng) và bị bắt. Viên phi công được đưa đến gặp Bác Hồ. Bác đối xử rất tử tế và chỉ đạo trao viên phi công này cho quân Mỹ.

Cảm kích trước thái độ của Hồ Chủ tịch, đồng thời, cũng cần sự giúp của Việt Nam trong việc chống Nhật, ngày 16/7/1945, Mỹ đã cử một đội cố vấn 6 người có tên gọi "Con Nai" nhảy dù xuống Tân Trào, huấn luyện Việt Minh cách sử dụng trang bị kỹ thuật hiện đại.

Sau khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện và Việt Nam tuyên bố độc lập được một tuần, nhóm của Henry Prunier được lệnh chấm dứt hoạt động trở về nước ngày 9/9/1945.

Bác Hồ đã nhờ ông và nhóm “Con Nai” chuyển thư của Bác đến Chính phủ Mỹ, đề nghị Tổng thống Mỹ thời đó là Truman công nhận nền độc lập của Việt Nam. Nhưng rất tiếc Chính phủ Mỹ đã không lắng nghe.

Là thành viên duy nhất của đội cố vấn này còn sống, Henry Prunier đã giữ những trang nhật ký, những bức ảnh đen trắng ông chụp tại Tuyên Quang, sơ đồ vẽ bằng bút chì trên giấy can khu vực nhóm tình báo Con Nai sống và làm việc ở Tuyên Quang năm 1945...

Đặc biệt, trong số đó có băng ghi âm về những cuộc phỏng vấn, băng ghi hình những cảnh quay về Bác Hồ do ông tập hợp từ băng hình của nhiều đài truyền hình và các hãng thông tấn Mỹ và nước ngoài sau khi trở về Mỹ.

David Thomas là người được ông Henry Prunier tin tưởng giao trọng trách chuyển những kỷ vật này cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự. Ông cho biết, Henry Prunier mong rằng những kỷ vật mà ông lưu giữ bấy lâu sẽ giúp làm sáng tỏ một giai đoạn đặc biệt và quan trọng trong quá khứ trong quan hệ Việt - Mỹ.

“Quá khứ đã qua, chúng ta hãy nỗ lực hết sức để hàn gắn vết thương quá khứ, hướng tới một tương lai tốt đẹp”, ông nói.

Những dòng chữ thấm máu

Một bức thư thời chiến - Ảnh: Chinhphu.vn

Trong số hàng nghìn kỷ vật, có rất nhiều những cuốn nhật ký viết cho riêng mình, nhưng giờ đây đã được cả thế giới biết đến như là chứng tích về sự cao quý của nhân cách và tâm hồn người Việt Nam. Có hàng vạn bức thư của những người lính trẻ gửi về cho cha mẹ, cho vợ, cho người yêu, cho bạn bạn gái; thư của những người ở hậu phương gửi cho người thân ở tiền tuyến.

Những bức thư với phong bì và con tem thời chiến (tem không có giá tiền), viết trên đủ loại giấy, vàng úa, sỉn màu thời gian bởi mưa nắng, bởi thời gian, thấm đẫm mồ hôi, thậm chí thấm cả máu...

Hơn 200 bức thư mà vợ chồng Đại tá, bác sĩ Nguyễn Văn Ích và Trung tá, bác sĩ Vũ Thị Như Hiền (hiện sống ở Hà Nội) viết cho nhau trong những năm từ 1962 đến 1975 được đóng thành từng tập theo thời gian…

Còn đây là những dòng trích trong bức thư cuối cùng mà liệt sĩ Hoàng Kim Giao gửi cho bố mẹ trước lúc hy sinh:

"Cậu mợ ạ, ở đây chuyện sống chết đặt ra không phải từng ngày, mà từng giờ một. Có đồng chí vừa thăm con, nửa tiếng sau đã hy sinh. Những lúc đó, như mọi người, con cũng nghĩ tới chuyện sống chết. Con nghĩ nếu con hy sinh trước mắt sẽ không hoàn thành nhiệm vụ, không đầy đủ trách nhiệm với các đồng chí cùng đi. Cậu mợ và các em con sẽ thương nhớ con nhiều. Sức khỏe của cậu mợ cũng mau bị giảm sút.

Tuy vậy không phải lúc nào con cũng được cân nhắc tới chuyện sống chết. Bởi con nghĩ rằng cần phải sống, nhưng không thể từ bỏ hay trốn tránh những hy sinh cần thiết! Và lúc đó con lại vững vàng tự tin đứng giữa bãi bom..."

Chàng trai Hoàng Kim Giao, hàng trăm lần đối mặt với tử thần, phá được 72 quả bom nổ chậm, trong đó có 40 quả bom từ trường, đã hy sinh vào ngày cuối cùng của năm 1968, tại chiến trường Quân khu Bốn khi phá bom, ở tuổi 27 .

Liệt sĩ Hoàng Kim Giao có những đóng góp tích cực vào công trình "Phá thủy lôi từ tính và bom từ trường, bảo đảm giao thông 1967-1972" đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I (năm 1996).

Trung tướng Phùng Khắc Đăng- Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh VN đánh giá, mỗi kỷ vật là một pho lịch sử với cái nhìn chân thực nhất, như những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm:

"Họ đã sống và chết

Giản dị và bình tâm

Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm nên đất nước".

Mai Hồng