Hiệu quả từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá
(QT) - Với mục tiêu bảo đảm nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỉ lệ hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, năm 2013, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Việt Nam (PCTHTL) được thành lập. Sau hơn 5 năm hoạt động, quỹ đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình PCTHTL trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Hiệu quả từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá

(QT) - Với mục tiêu bảo đảm nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỉ lệ hút thuốc, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do sử dụng thuốc lá tại Việt Nam, năm 2013, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá Việt Nam (PCTHTL) được thành lập. Sau hơn 5 năm hoạt động, quỹ đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình PCTHTL trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.

Biển khuyến cáo không hút thuốc lá được đặt tại các trường học. Ảnh: LN

Theo đánh giá của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá cao nhất thế giới. Mỗi năm, cả nước có khoảng 40 nghìn người tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Cũng theo dự báo của WHO đến năm 2020 số người chết do thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/ AIDS và tai nạn giao thông. Tổng chi phí xã hội do ba loại bệnh phổ biến có nguyên nhân từ thuốc lá gồm ung thư phổi, nhồi máu cơ tim hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra là trên 1.000 tỉ đồng/năm, tương đương với khoảng 20% tổng chi tiêu ngân sách cho y tế. Trước tình hình đó, trong hơn 20 năm qua, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những quy định về PCTHTL. Luật PCTHTL được Quốc hội thông qua năm 2012 đáp ứng yêu cầu bảo vệ sức khỏe nhân dân bằng các biện pháp giảm dần nhu cầu sử dụng thuốc lá, giảm dần nguồn cung cấp sản phẩm thuốc lá, từ đó giảm đáng kể tỉ lệ mắc và chết do sử dụng thuốc lá gây ra.

Thực tiễn công tác PCTHTL trên thế giới cho thấy, việc thực hiện các biện pháp này có hiệu quả hay không đòi hỏi nguồn lực bảo đảm cho việc thực hiện đồng bộ các giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức, thiết lập nguồn tài chính, tổ chức nhân lực và cơ chế thanh tra, kiểm tra xử lí vi phạm. Do đó, để thực hiện được mục tiêu của Luật PCTHTL, nhà nước cần có biện pháp bảo đảm về tài chính một cách bền vững, tập trung, có tính bứt phá, đặc thù mới đáp ứng được yêu cầu của công tác PCTHTL và thực hiện được mục tiêu của luật trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên thực tế cho thấy, nước ta chưa chủ động được nguồn tài chính trong công tác PCTHTL nên việc tổ chức thực hiện hoạt động PCTHTL không đồng bộ và thiếu thường xuyên. Bởi vậy vấn đề thành lập quỹ dành cho hoạt động PCTHTL rất cần thiết.

Sau khi Quỹ PCTHTL ra đời, dựa trên hành lang pháp lí thuận lợi cùng nguồn kinh phí từ quỹ, công tác PCTHTL trong cả nước đã đạt được những kết quả tích cực. Các hoạt động thông tin, giáo dục về PCTHTL được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Theo điều tra toàn cầu về thực trạng sử dụng thuốc lá do Tổng cục Thống kê phối hợp với Đại học Y Hà Nội thực hiện cho thấy, tỉ lệ người nhận biết về các bệnh do hút thuốc tăng. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là tại trường học, cơ quan công sở và trên các phương tiện giao thông công cộng. Tại các cuộc họp, hội thảo, hội nghị của các cơ quan công sở, việc hút thuốc hầu như không còn…Những thành công bước đầu này đã góp phần thực hiện hiệu quả Luật PCTHTL. Tỉ lệ người phơi nhiễm thụ động với khói thuốc cũng giảm, tại nơi làm việc giảm 13,3%; tại trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%; trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%. Việc thực hiện môi trường không khói thuốc có nhiều chuyển biến tích cực, tỉ lệ người được tư vấn bỏ thuốc và cai nghiện thuốc lá tăng… Với những kết quả đó, Quỹ PCTHTL ở Việt Nam được tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức Liên Hợp Quốc đánh giá cao. Đây cũng là mô hình mà các nước đang phát triển hướng tới để có được nguồn kinh phí bền vững cho việc giảm tỉ lệ hút thuốc lá.

Tại Quảng Trị, với sự hỗ trợ của Quỹ PCTHTL, công tác PCTHTL trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê của ngành y tế, đến nay lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành địa phương đã nắm rõ quy định của Luật PCTHTL và các văn bản liên quan; 90% người dân tại cộng đồng hiểu biết về tác hại của thuốc lá; 70,4% người dân tại cộng đồng biết về quy định của Luật PCTHTL; 83% người dân tại cộng đồng hiểu biết về các bệnh do hút thuốc lá gây ra. Cùng với đó, đã có 90,7% cơ quan hành chính của tỉnh thực hiện nghiêm quy định về cấm hút thuốc tại nơi làm việc; 75,8% trường mẫu giáo và tiểu học, cơ sở y tế thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc trong khuôn viên trường học…Có được sự chuyển biến tích cực đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao, vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt từ các cấp, các ngành trong tỉnh, đặc biệt là sự hỗ trợ kinh phí của Quỹ PCTHTL.

Với những kết quả đạt được, Quỹ PCTHTL là một giải pháp để bảo vệ sức khỏe người dân, làm giảm các chi phí kinh tế, xã hội do sử dụng thuốc lá gây ra. Để công tác PCTHTL đạt hiệu quả hơn, bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, môi trường cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị- xã hội. Bên cạnh đó tăng cường giám sát, đánh giá hoạt động PCTHTL, việc thực hiện, duy trì xây dựng mô hình không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành Luật PCTHTL của người dân, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ người hút thuốc lá, góp phần nâng cao sức khỏe cho mọi người.

T.L