Tôi trân quý những người con yêu quê nhà một cách lặng lẽ và vì họ lặng lẽ nên tôi “kính nhi viễn chi”, chỉ cứ như cái bóng đi theo thôi. Một trong những người quê Cổ thành (Quảng Trị) mà tôi kính trọng, đó là thầy Lê Quang Thái.
Tác phẩm Khảo luận về miền Thuận - Hóa của nhà nghiên cứu Lê Quang Thái -Ảnh: V.T.Q
Tôi có may mắn là học trò của cô Lê Thị Tránh (phu nhân của thầy Thái) dạy môn Nữ công gia chánh; được gặp thầy ở Trường cấp III Trưng Trắc - Hai Bà Trưng; được lắng nghe cuộc trò chuyện giữa thầy và ông xã tôi lúc nhà văn Xuân Đức mời nhà nghiên cứu Lê Quang Thái và nhà văn Nguyễn Quang Hà - cả hai đang ở Huế - cùng chung lòng cho tạp chí Văn hóa Quảng Trị từ những thập niên cuối của thế kỷ XX. Tôi còn được thầy góp bước đồng hành trên chặng cuối trở về trường qua tập sách Trường Nguyễn Hoàng - Chân dung và Kỷ niệm…
Thiện duyên này được kết nối một cách hoàn thiện nhờ Trần Đức Anh Sơn - nhà nghiên cứu, người nhận sứ mệnh thiêng: tập hợp những bài viết của thầy in thành tập sách: Khảo luận về miền Thuận - Hóa dày 662 trang; đầy đủ gồm bài viết đã công bố và chưa công bố về những vấn đề học giả quan tâm: Phần 1: Lịch sử - Văn hóa, Phần 2: Di tích - Danh nhân, Phần 3: Đạo Phật - Văn hóa Phật giáo, Phần Phụ lục: Chú giải và phân tích Vè thất thủ Kinh đô.
Tập sách chính là nén tâm hương kính tiễn biệt thầy Lê Quang Thái - một con người luôn khiêm cung và đầy đạo hạnh. Đức khiêm cung này được ươm mầm từ tuổi học trò: “Thời ấy, học trò Nguyễn Hoàng là dân tứ xứ, Bắc có, Nam có, Huế có, chứ không phải chỉ cục bộ địa phương dành cho người Ô Châu - Quảng Trị.
Học trò có ngôn ngữ của học trò, chúng tôi thường gọi những ai học trường Trung học công lập Nguyễn Hoàng là “dân Nguyễn Hoàng” trong ý nghĩa ngây thơ, trong trắng, hồn nhiên, không có gì mang sắc màu phân biệt.
Ôi, đẹp sao thời cắp sách làm “dân Nguyễn Hoàng”! (Lời thầm ước trước lăng Chúa Nguyễn Hoàng). Người nói về thời đi học nhiều hơn thời đi dạy ở chính ngôi trường Nguyễn Hoàng. Người lặng lẽ gói ghém những giấc mơ và một mình âm thầm (tìm các bậc cao niên giàu vốn sống, quý thầy cô giáo cũ, những thân hữu…) sưu tầm, thực hiện, chỉ đến khi đủ duyên mới công bố.
Cuốn sách duy nhất: Chú giải và phân tích Vè thất thủ Kinh đô được tác giả ấp ủ từ năm 1974 (lúc được cụ Hoàng Trọng Thược trao bản chính Vè thất thủ Kinh đô và Thuận An năm 1883), 35 năm sau mới in nhân kỷ niệm 125 năm ngày Kinh đô Huế thất thủ (5/7/2010).
Đọc lời kết tập sách, chúng ta càng hiểu sự cần mẫn, kiên trì, lao tâm lao lực, đặc biệt nết khiêm cung của tác giả: “Chúng tôi chọn giờ Dần, dọn lòng kính tưởng niệm, tưởng nhớ đến anh linh, hương hồn của những anh hùng, chiến sĩ và đồng bào đã tuẫn tiết, hy sinh trong việc trấn giữ cửa Thuận An và Kinh đô Huế năm xưa.
Tiền nhân ta đó, nhiều thế hệ gần 130 năm đã nuôi dưỡng ý chí làm “tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời” để cho con cháu hôm nay hiện hữu, ngẩng đầu lên nhìn xa trông rộng ngợi ca đất nước tiến bộ và thanh bình”.
Nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn xung phong nhận sứ mệnh thiêng vì “người bạn lớn” của anh là thầy Thái. Nhiều người hỗ trợ anh vì ai cũng muốn thắp nén tâm hương kính tiễn biệt thầy Thái - một con người đạo hạnh.
Đạo hạnh thể hiện trong tất cả những biên khảo công phu người thành tâm nhiệt huyết để lại cho đời. Như một nhà khảo cổ học, viết về đất Thuận - Hóa với nhiều di tích danh thắng (Quảng Trị qua dòng lịch sử; Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ đất lùng; Ái Tử qua các thời kỳ lịch sử; Tản mạn về Cam Lộ; Về Linh thái, Tư Hiền; Tìm về tiền thân chùa Thiên Mụ; Thánh Duyên quốc tự; Kỳ đài Huế; Miền Hà Khê; Cố kinh Tràng An trong tâm thức người Việt…), viết về con người Thuận - Hóa (Thanh đàm về An Thường công chúa.
Mối tâm giao giữa Tương An quận vương và Cao tăng Thích Nhất Định; Thử nhận định lại nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Tường…), viết về đạo ở xứ Thuận - Hóa (Phật giáo Quảng Bình từ thời Lý - Trần đến nay; Phật hay Bụt?; Bảo sát hay Bảo sái?; Đài Thánh tử đạo bên bờ sông Hương; Tượng Đức Quán Thế Âm tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán…) người đều cẩn trọng tìm hiểu đến ngọn ngành, dành toàn tâm lực rốt ráo đi đến tận cùng vấn đề ở nhiều góc nhìn lịch sử - văn hóa - học thuật và truyền miệng dân gian, luôn phản biện với một tinh thần khoa học, thẳng thắn bày tỏ chính kiến nhưng với một cung cách trình bày nhẹ nhàng, đằm thắm dễ đi sâu vào lòng người.
Đạo hạnh ấy còn thể hiện trong tấm lòng sáng trong luôn nghĩ về Tổ tiên, nòi giống: “Từ buổi lập quốc, người Việt rất tự hào là “con Rồng cháu Tiên”. Trên thế giới, chỉ có dân tộc Việt Nam có đến hai “vật tổ” gắn kết hài hòa, thăng hoa từ hình tượng của “Rồng với Tiên”.
Dân tộc ta đã thấm thía về ách thống trị và tham vọng đồng hóa của Trung Hoa trải qua 1.000 năm. Ý thức bất khuất và tinh thần tự chủ là những điểm son trong quá trình dựng và giữ nước….” (Nguồn gốc hình tượng rồng Việt trong kiến trúc mỹ thuật chùa tháp).
Luôn nghĩ về tiền nhân, tha nhân, đặc biệt với Chúa Tiên Nguyễn Hoàng - người gắn bó lâu dài nhất với mảnh đất khởi nghiệp Quảng Trị và đã trút hơi thở cuối cùng lúc 88 tuổi tại chính nơi này. Bài viết đầy cảm xúc: Lời thầm ước trước lăng Nguyễn Hoàng (30/6/2008) và hai tham luận dự hội thảo khoa học: Nguồn gốc danh xưng Chúa Tiên, Cội nguồn quê hương của Nguyễn Hoàng (tổ chức tại Quảng Trị, vào ngày 25/9/2013) là minh chứng cho nỗi canh cánh bên lòng này: “Nói đến Chúa Tiên thì lẽ nào không liên tưởng đến các cựu đô: Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát” (Nguồn gốc danh xưng Chúa Tiên). “So với các tỉnh, thành khác trong cả nước, Quảng Trị là tỉnh chịu đựng sự tàn phá khốc liệt nhất trong chiến tranh.
Nhờ vào truyền thống lao động cần cù và sáng tạo, tinh thần chịu thương chịu khó của Nhân dân, vết thương chiến tranh sớm được hàn gắn để vươn lên: sao cho có ngày kịp tỉnh bạn. Hoài vọng ấy chắc chắn không sớm thì muộn cũng đạt được” (Quảng Trị qua dòng lịch sử) người Cổ thành Lê Quang Thái rất hiểu như vậy, nhưng vẫn: “Rất mong các cơ quan văn hóa tỉnh Quảng Trị chịu bỏ tiền của, công sức ra để đầu tư một cách chính đáng trong việc sưu tầm lại sử sách về Quảng Trị một cách có hệ thống, có kế hoạch, thì chắc rằng sẽ thu được những nguồn tư liệu mới còn nằm tản mạn đó đây” (Quảng Trị ơi, đất sao đất lạ đất lùng).
Thực ra, cả dải đất dài rộng từ Quảng Bình tiến dần về phương Nam có công lớn của Chúa Tiên, nếu cả nước chung tay giúp cho Quảng Trị mở lại con đường di sản - con đường lịch sử - con đường thiêng liêng chúa Nguyễn Hoàng từng định đô, khởi nghiệp và các đời vua triều Nguyễn từng kinh lý hoặc lãng du qua đây thì quá tuyệt vời.
Đến năm sau 2023 là tròn 465 năm Chúa Tiên đặt chân lên mảnh đất Quảng Trị, cũng là tròn 410 năm Người đã đi vào cõi bất tử, nếu còn tại thế, chắc thầy Lê Quang Thái sẽ cho ta biết mong ước của người.
Và cuối cùng là đạo hạnh của một người con của Phật, không hề màng lợi danh. Sống thuận lẽ tự nhiên, tùy hỷ, tùy duyên. Viết cũng vậy. Và bài viết xong công bố hay chưa công bố cũng vậy thôi, an nhiên tự tại lòng lành.
Trước sau, mong ước của thầy Lê Quang Thái hình như trùng hợp với mong ước của nhà thơ Mặc Giang (trong bài viết chưa công bố: Thơ Mặc Giang khơi dậy sóng tâm tư): “Lửa tàn còn chút sắt son/ Đừng tan tro bụi tâm hồn Việt Nam”.
Võ Thị Quỳnh