(QT) - Già làng như cách ví von của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô là những cây cổ thụ mọc sừng sững qua bao mùa rẫy tỏa bóng giữa rừng già. Và họ có thứ quyền uy không mang dấu ấn của bạo lực, cường quyền như thuở xa xưa mà xuất phát từ lòng ngưỡng mộ, tôn sùng của dân bản. Mỗi khi trong bản có mâu thuẫn, hiềm khích, họ trở thành người hóa giải bằng uy tín cũng như sự chân thành, mẫu mực.
Từ thuở xa xưa, đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã có luật tục riêng để điều chỉnh các mối quan hệ trong đời sống bản làng, đảm bảo phân xử công bằng, hợp tình, hợp lý và lấy giáo dục, răn đe làm trọng. Các luật tục được phổ biến sâu rộng trong bản làng và được truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Những luật tục ấy theo thời gian đã mất dần trong đời sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. “Mất dần là bởi bây giờ đã có pháp luật của Nhà nước. Già làng, trưởng bản phải biết vận động, tuyên truyền để dân bản tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Còn những vụ việc mâu thuẫn, hiềm khích nhỏ nhặt…trong bản thì đương nhiên là già làng, trưởng bản phải giải quyết”, già làng Hồ Văn Thao đã vui vẻ nói như vậy khi chúng tôi đến bản Vây 1 (xã Tân Lập, huyện Hướng Hóa).
![]() |
Già làng Hồ Văn Thao bản Vây 1 (xã Tân Lập) đang đi vận động, tuyên truyền để dân bản tuân thủ pháp luật của Nhà nước |
Già làng Hồ Văn Thao cho biết, bản Vây 1 cũng như nhiều bản làng khác của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trong đời sống thường nhật không tránh khỏi việc xảy ra mâu thuẫn, hiềm khích, ví như thanh niên đánh nhau, vợ chồng bất hòa…Trước những vụ việc như vậy, già làng phải bằng uy tín của mình đến hòa giải một cách thấu tình, đạt lý. Như ở bản Vây 1 cách đây khoảng 3 - 4 năm có trường hợp anh H. T. cứ mỗi lần rượu say là đánh đập vợ con. Người thân cũng như hàng xóm láng giềng khuyên can mãi nhưng H. T. không nghe. Già làng Hồ Văn Thao phải đích thân đến nhà nhiều lần để nói chuyện, tâm tình theo kiểu “mưa dầm, thấm đất” thì H.T. mới nghe. Bây giờ, anh H.T. đã tu chí cùng vợ con làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
Còn nhiều vụ việc khác mà già làng Hồ Văn Thao đã đứng ra hòa giải đến giờ già không nhớ hết. Chỉ biết rằng, bản Vây 1 có bất cứ vụ việc gì thì sẽ có mặt già làng Hồ Văn Thao. Còn nhớ, cách đây vài tháng tôi lặn lội vượt quãng đường đèo dốc, nham nhở ổ voi, ổ gà dài gần chục cây số vào bản Xung (xã Thanh, huyện Hướng Hóa) để gặp già làng Pả Thoong (sinh năm 1942). Trải qua hơn 70 mùa rẫy (theo cách nói đầy hình ảnh của già) nhưng già vẫn còn khỏe mạnh, mẫn tiệp. Và cũng chính sự mẫn tiệp của già làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước vốn am hiểu, kiến thức của già.
Già làng Pả Thoong cho biết, già làng, trưởng bản có vai trò, vị thế rất quan trọng trong cộng đồng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô. Chính già làng, trưởng bản là những người có khả năng vận dụng phong tục, tập quán để giải quyết nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong đời sống của dân bản. Già làng, trưởng bản luôn biết vận động, khuyến khích dân bản thực hiện hiệu quả đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Và hơn ai hết, già làng, trưởng bản còn nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng cũng như khó khăn, vướng mắc của dân bản để phản ánh với cấp ủy, chính quyền địa phương. Nói vậy để biết rằng, già làng, trưởng bản trong cộng đồng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô hiện nay đã và đang góp phần quan trọng vào sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc; không ngừng phát huy tinh thần làm chủ của dân bản; cùng dân bản khai thác tiềm năng, thế mạnh để đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống cho dân bản.
Cũng chính vì ý thức được vai trò, vị trí của mình nên sau 15 năm làm cán bộ phụ trách giao thông, thủy lợi của xã Thanh, đến năm 2005 được nghỉ công tác trở về bản Xung, già làng Pả Thoong “không chịu” hưởng cuộc sống thảnh thơi, an nhàn mà nhanh chóng bắt tay cáng đáng việc bản, việc làng. 11 năm ở vị trí già làng của bản Xung, già làng Pả Thoong bằng uy tín, vị thế của mình đã hòa giải cho hàng chục cặp vợ chồng “cơm không lành, canh không ngọt” không chỉ riêng bản Xung mà nhiều bản làng khác.
Như mới cách đây vài tháng là trường hợp vợ chồng Pỉ D. ở bản Xung. Do người chồng uống rượu suốt ngày nên Pỉ D. bỏ về nhà cha mẹ đẻ ở bản bên cạnh. Người chồng cứ mỗi lần say xỉn lại tìm sang gây gổ. Để tìm lại hạnh phúc cho Pỉ D., già làng Pả Thoong phải tìm cách gặp người chồng rồi dùng lời lẽ thấu tình, đạt lý để khuyên răn. Già làng Pả Thoong nói với chồng Pỉ D. rằng người phụ nữ miền núi sinh ra rồi lớn lên đã khổ trăm bề. Họ có thương yêu thì họ mới về làm vợ. Hàng ngày, họ làm việc quần quật ngoài nương, ngoài rẫy, đến tối về được quây quần bên chồng con là niềm vui của họ. Vậy mà, về đến nhà còn bị đánh đập thì liệu họ còn vui vẻ gì nữa. Cứ sống như vậy hết tháng này qua tháng khác thì làm sao họ chịu đựng được. Già làng Pả Thoong cứ thuyết phục mãi cuối cùng chồng của Pỉ D. cũng nghe ra. Về phần Pỉ D., sau khi thuyết phục được người chồng, Pả Thoong sang thăm gia đình Pỉ D. rồi nói chuyện với cha mẹ và Pỉ D. Mấy ngày sau thì chồng Pỉ D. sang đưa vợ về.
Hiện tại, vợ chồng Pỉ D. sống với nhau rất hạnh phúc. Già làng Hồ Văn Thao, Pả Thoong là hai trong số hàng trăm già làng, trưởng bản, người có uy tín đang sống ở nhiều bản làng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Họ âm thầm đóng góp công sức để từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống mà cụ thể là ngay tại bản làng của mình.
HOÀNG TIẾN SỸ