Bình yên Cồn Cỏ
(QT) - Với hòn đảo tiền tiêu Cồn Cỏ, tôi đã có nhiều dịp ra thăm, nhưng mỗi lần đặt chân lên đất này lại có một cảm giác rất riêng. Bây giờ ra Cồn Cỏ đã thấy một phố huyện trẻ trung rạo rực đi lên từng ngày, đã có thể nghĩ đến một hòn đảo du lịch gọi mời du khách thập phương về đây sau bao nhiêu nỗ lực của con người... 1. Xuất phát tại cảng Cửa Việt vào 7 giờ sáng, trời bắt đầu mưa. Trên trơi mây đen vần vũ báo hiệu một ngày thời tiết bất thường. Chiều hôm trước 7/8, bản tin thời tiết báo: Bão số 6 (Goni) suy yếu thành vùng áp thấp trên vịnh Bắc Bộ, nhưng đến 4g sáng 8/8 lại mạnh lên thành bão uy hiếp các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đây là cơn bão bất thường, hướng đi như “gã say rượu”, Dự báo cho biết vùng biển từ Nghệ An đến Quảng Trị sẽ ảnh hưởng của bão làm nhiều người lo lắng, nhưng lịch trình, thời gian ra đảo của Ban tổ chức thì không thay đổi. Chiếc tàu C (ký hiệu của chuyến hành quân) - tàu tuần tiễu của Biên phòng chở chúng tôi xé sóng ra khơi. Những cơn sóng hình thành do gió mùa đông bắc thổi mạnh cứ to dần, to dần làm cho con tàu lao lên rớt xuông, nghiêng trái, ngã phải, nước biển tràn lên boong, bắn lên tận đỉnh tàu làm nhiều người thót tim. Mãi cho đến khi tàu cập vào âu tàu mới có cảm giác bình yên.
 |
Bến Nghè, một thắng cảnh ở Cồn Cỏ |
Công việc đầu tiên mà lần nào lên đảo chúng tôi đều thực hiện là theo đoàn lên Đài tưởng niệm dâng hoa, thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở đảo trong chiến tranh để giữ hòn đảo nhỏ mà người ta đã ví là "chiến hạm không thể nhấn chìm" trên biển Đông. Từ trên Đài tưởng niệm, có thể bao quát tầm mắt quanh đảo, thấy rõ mồn một đồi Hải Phòng, đồi Hà Nam, bãi Hi-rôn, bãi Hà Đông, bến Tranh, bến Nghè... Một hòn đảo nhỏ như Cồn Cỏ nhưng một thời được cả nước biết đến bởi chiến công của cán bộ chiến sĩ giữ đảo trong kháng chiến đã lập nên kỳ tích bắn rơi 48 máy bay, bắn chìm 17 tàu chiến Mỹ - ngụy; 2 lần được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân; 3 lần được Bác Hồ gửi thư khen ngợi... Tôi cảm nhận ký ức đong đầy trong câu chuyện kể của các cựu chiến binh Cồn Cỏ trở về đây, gặp nhau mừng vui mà nước mắt dâng trào. Những Kỷ niệm chương tỉnh Quảng Trị trao tặng nhân 50 năm ngày truyền thống LLVT Cồn Cỏ (8/8, 1959 -2009) lấp lanh trên ngực của họ nói lên bao điều, mà hơn cả là sự tri ân của người và đất này với sự cống hiến, hy sinh của các thế hệ giữ đảo, để cho đảo hôm nay được thanh bình, vươn mình chuyển động không ngừng về phía tương lai. Với diện tích hơn 227 ha, Cồn Cỏ nay đã mang vóc dáng mới của một phố huyện. Nhịp sống ở đảo đông vui hơn bởi ngoài cư dân huyện đảo, các lực lượng vũ trang, khí tượng thủy văn... có thêm nhiều người ra xây dựng các công trình trên đảo. Buổi tối, buổi sáng quán cà phê ở bến Tranh rất đông khách. Bây giờ đi trên đất Cồn Cỏ bình yên, ít ai có thể nghĩ rằng mình đang ở trên một hòn đảo mà mấy chục năm về trước cứ mỗi héc ta đất hứng chịu sức công phá của trên 22,6 tấn bom đạn của kẻ thù. Có lẽ ấn tượng nhất về Cồn Cỏ là màu xanh trải dài trên đảo, về sức trẻ của công dân nơi này. Là huyện đảo trẻ với 5 năm thành lập (Thành lập theo Nghị định 174/2004/NĐ - CP ngày 1/1//2004 của Chính phủ) nên mọi thứ chỉ mới là sự khởi đầu. Trên đảo, ngoài 15 căn hộ gia đình Thanh niên xung phong ra hồi năm 2001, bây giờ có thêm nhà làm việc của huyện đảo, đài truyền thanh, nhà văn hóa thanh niên, bưu điện... Đặc biệt, có một ngôi trường mẫu giáo mang cái tên rất đẹp - Trường mầm non Hoa Phong Ba, nơi mà đoàn rẽ thăm và tặng quà cho 10 cháu đang học, những công dân đầu tiên của đảo. Công dân đầu tiên sinh ra trên đảo được ghi nhận là cháu Nguyễn Thị Ngọc Anh (10/8/2003), con của đôi vợ chồng Nguyễn Đức Hiền và Nguyễn Thị Ái. Nhìn hai cô giáo trẻ với các cháu nhỏ đang ríu ra ríu rít múa hát bên nhau làm cho sắc thái của đảo trở nên gần lại với đất liền. Rồi đây các em sẽ lớn lên, sẽ là những người con kế tục sự nghiệp xây dựng đảo thêm đẹp giàu, xứng đáng với thế hệ cha ông đã đổ bao máu xương để bảo vệ chủ quyền hòn đào tiền tiêu này. Qua 5 năm thành lập huyện đảo, thơi gian chưa có là bao nên những tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch nơi này mới chỉ định hình trên hoạch định chính sách xây dựng và phát triển của huyện. Anh Lê Quang Lanh, Bí thư, Chủ tịch huyện đảo cho biết: “Từ đảo quân sự chuyển sang dân sự nên mọi thứ còn rất khó khăn, nhất là việc đi lại giữa đảo với đất liền, cơ sở hạ tầng... còn thiếu nên rất cần sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh và các sở, ban ngành. Năm năm qua chỉ mới là bước đi ban đầu, thời gian tới huyện sẽ tập trung xây dựng hệ thống cơ chế chính sách, quảng bá, kêu gọi đầu tư để phục vụ phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng- an ninh biển đảo của quê hương”. 2. Năm ngoái ra đảo, tôi cùng đồng nghiệp ở báo Tuổi trẻ mượn được chiếc xe máy đi một vòng quanh đảo với chiều dài chừng năm cây số. Nếu như phía tây nam đảo là nơi tập trung xây dựng khu hành chính và khu dân cư, công trình âu tàu, dịch vụ hậu cần nghề cá thì các khu vưc còn lại quanh đảo mang dáng dấp rất hoang sơ. Bãi đá ở phía đông bắc Cồn Cỏ với cơ man là đá màu đen cho ta hình dung về một ma hồn trận có thể làm cho người ta lạc lối, nếu như ngoài kia không có biển, không có những chiếc tàu đánh cá neo đậu để xác định. Còn những khu rừng tái sinh sau chiến tranh có đủ loại cây rừng chằng chịt, tầng tầng lớp lớp, có cây to mấy vòng tay ôm, bìa quanh đảo có nhiều cây bàng đan xen với cây phong ba tạo nên hệ sinh thái rừng rất phong phú trên đảo. Hai bên đường quanh đảo, những đàn dê béo nung núc được thả rông bình thản gặm lá bên đường. Rồi thì hoa dại, đủ màu sắc rải dọc đường đi với nhiều sắc màu trắng, đỏ, chàm, tím cứ lay thức lòng người. Vẻ đẹp của Cồn Cỏ bắt đầu từ nét hoang sơ như thế. Và một "đặc sản" nữa của Cồn Cỏ là con cua đá, đã từng đi vào đời sống âm nhạc bây giờ cũng còn rất nhiều, nhưng chính quyền đã có lệnh cấm bắt để phát triển loài cua có một không hai rất có giá trị dinh dưỡng này. Nghỉ lại ở nhà khách bến Nghè, đêm ở đảo cho người đất liền một cảm giác rất khác lạ. Chừng sau mười giờ đèn điện các công sở, các doanh trại quân đội vụt tắt, tất cả chìm vào bóng đêm, chỉ có tiếng sóng vỗ từng nhịp đập vào vách đá ngoài kia là không bao giờ dứt. Câu chuyện của chúng tôi với mấy anh em ở các sở, ban ngành của tỉnh xoay quanh chủ đề làm sao xây dựng Cồn Cỏ thành đảo du lịch mà vẫn giữ được nét thanh bình, hoang sơ của đảo trên một diện tích khiêm tốn hiện có. Không ai có thể phủ nhận bộ mặt của huyện đảo đổi thay nhiều sau 5 năm thành lập, nhưng vẫn còn có ý kiến băn khoăn. Điều mà nhiều người lưu tâm là Cồn Cỏ được xác định là đảo du lịch, nhưng các công trình xây dựng trên đảo lại nặng về bê tông, cốt thép, thiếu đi nét mềm mại hài hòa với thiên nhiên của đảo xanh. Ông Abelardo Aylloi, chuyên gia quy hoạch xây dựng du lịch người Cuba từng đến đây giúp huyện đảo quy hoạch đã khuyến cáo khi xây dựng các công trình trên đảo cần đặt nó trong sự hài hòa với thiên nhiên. Còn việc đưa thêm dân ra đảo phải có kế hoạch đam bảo đời sống dân sinh bền vững, như việc cần tuyển chọn những cư dân có tay nghề đi biển, được trang bị phương tiện tàu đánh bắt xa bờ để khai thác, đánh bắt hải sản. Hay việc nuôi trồng thủy sản quanh đảo phải chọn nuôi con gì đem lại hiệu quả kinh tế để đảm bảo thu nhập, đời sống cho dân. Anh bạn ở phòng kinh tế huyện đảo cho biết vừa rồi huyện phổ biến chủ trương, kinh nghiệm nuôi con Tu hài như ở Quảng Ninh, nhưng chưa có hộ nào đăng ký nên cần phải có thời gian để thực nghiệm, thuyết phục người dân bằng mô hình cụ thể... 3. Cũng như hôm ra đảo, khi trở về, do ảnh hưởng cơn bão Goni làm sóng biển rất to tung bọt trắng xóa từng đợt như muốn nuốt chửng cả con tàu. Những con sóng cao vút bị con tàu xé toang, hất tung lên cả nóc tàu làm tất cả anh em thành viên trên tàu như được tắm biển ở trên cao. Phía sau, đảo vẫn bình yên. Những cánh tay vẫy chào của người ở lại với người vào đất liền vẫn chưa dứt.
 |
Những em bé được sinh ra trên đảo Cồn Cỏ |
Bất chợt tôi nghĩ nếu có tour du lịch một ngày đêm trên Cồn Cỏ, chắc chắn sẽ đem lại nhiều thú vị cho du khách, bởi họ đến đây sẽ có nhiều điều để tìm hiểu, khám phá, không chỉ là thăm hòn đảo nhỏ hai lần được phong tặng danh hiệu anh hùng mà còn để thưởng thức nét hoang sơ của đảo, để thấy trong đảo có rừng, trong rừng có nhiều loài chim, thú; chưa kể nếu thiết kế được dịch vụ lặn biển, sẽ chiêm ngưỡng được nhiều loài cá, san hô đẹp mà không phải nơi nào trên các hòn đảo của đất nước cũng có được, trong khi quãng đường từ đất liền ra đảo có bao xa gì, với 18 hải lý chỉ một tiếng đồng hồ tàu cao tốc là đến và cũng chừng ấy thời gian để trở về. Tour du lịch cho Cồn Cỏ trong tam giác du lịch sinh thái biển đảo Cửa Tùng- Cửa Việt- đảo Cồn Cỏ đang phôi thai trên đường phát triển, để biến đảo anh hùng thành đảo văn hóa, du lịch mang sắc thái riêng của một vùng đất. Cồn Cỏ đã xanh lại màu xanh sau bao nhiêu nỗ lực của con người trong những năm tháng hòa bình, chỉ còn chờ bàn tay quy hoạch có tài năng, chờ nhà đầu tư có đầu óc kinh doanh... để có ngày được đón bước chân của du khách thập phương đến đây ngưỡng vọng về đảo anh hùng, để được vui chơi thỏa thích trên “hòn ngọc” mà trời đất đã ban tặng cho đất này. PHƯƠNG MINH