Người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu
(QT) - “Tâm huyết với nghề, nghiêm khắc nhưng độ lượng với học trò, người thầy tốt phải là người có đạo đức tốt”- đó là kinh nghiệm, chìa khóa thành công mà Nhà giáo ưu tú Trần Viết Lưu rút ra qua hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học dưới mái trường THPT Vĩnh Linh (Vĩnh Linh, Quảng Trị).  Bắt đầu sự nghiệp dạy học từ khi mới tròn 18 tuổi, bằng tất cả niềm đam mê học hỏi và khao khát truyền thụ kiến thức cho học sinh, hết lòng tận tụy vì học sinh thân yêu, thầy Lưu đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp ...

Người thầy hết lòng vì học sinh thân yêu

(QT) - “Tâm huyết với nghề, nghiêm khắc nhưng độ lượng với học trò, người thầy tốt phải là người có đạo đức tốt”- đó là kinh nghiệm, chìa khóa thành công mà Nhà giáo ưu tú Trần Viết Lưu rút ra qua hơn 40 năm gắn bó với nghề dạy học dưới mái trường THPT Vĩnh Linh (Vĩnh Linh, Quảng Trị). Bắt đầu sự nghiệp dạy học từ khi mới tròn 18 tuổi, bằng tất cả niềm đam mê học hỏi và khao khát truyền thụ kiến thức cho học sinh, hết lòng tận tụy vì học sinh thân yêu, thầy Lưu đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các em học sinh miền Nam tập kết ra Bắc sinh sống và học tập dưới mái trường cấp 3 Vĩnh Linh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ nói riêng và trong lòng các thế hệ học sinh ở Vĩnh Linh nói chung. Có thể nói rằng, cuộc đời thầy giáo Trần Viết Lưu luôn gắn bó với những bước phát triển và trưởng thành của Trường THPT Vĩnh Linh. Cũng vì thế mà các thế hệ học trò khi nhớ về trường thường nhắc đến thầy, đặc biệt là khoảng thời gian 6 năm (1967-1973) thầy trò sơ tán sinh sống và học tập trên đất bạn ở Tân Kỳ, Nghệ An cũng như sau khi trở về quê hương tiếp tục xây dựng lại trường. Trong những năm tháng chiến tranh, Mỹ- ngụy cho rằng Trường cấp 3 Vĩnh Linh là “cái nôi đào tạo cộng sản” nên chúng tập trung đánh phá rất ác liệt. Trường cấp 3 Vĩnh Linh bị đánh sập hoàn toàn vào năm 1965 buộc phải chia ra 3 phân hiệu để dạy học, tổ chức dạy học trong lòng đất, dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù. Đến năm 1967, Mỹ- ngụy điên cuồng đánh phá Vĩnh Linh, Trung ương Đảng, Chính phủ lệnh cho các trường học ở Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh phía Bắc để tổ chức dạy học. Ngày mới thành lập trường, cấp trên điều 1 Đảng ủy viên khu vực Vĩnh Linh về dạy học bộ môn chính trị, đến khi trường đi sơ tán, thầy Lưu được phân công giảng dạy môn học này. Nhớ nhất là khoảng thời gian trường phải sơ tán ra dạy học, tổ chức nội trú cho học sinh ở Tân Kỳ, Nghệ An, được nhân dân xứ Nghệ cưu mang, chở che. Dù gặp bộn bề khó khăn gian khổ, nhưng thầy và trò Trường cấp 3 Vĩnh Linh vẫn đồng cam cộng khổ, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, vươn lên giành những kết quả đáng phấn khởi qua từng năm học, trở thành lá cờ đầu của giáo dục toàn miền Bắc XHCN. Trong những năm tháng đó, các thế hệ học sinh nhà trường đã phấn đấu, tôi luyện và trưởng thành, có người theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ và nhiều người đã anh dũng hy sinh; có người tiếp tục học tập, cống hiến, sau này giữ những chức vụ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, cán bộ nghiên cứu khoa học, các giáo sư, tiến sĩ có uy tín… Thật khó có thể có một ngôi trường mà tình cảm đối với nhà trường, tình cảm thầy trò lại sâu sắc, bền chặt như thế. Năm 1973, Quảng Trị giải phóng, thầy và trò trường cấp 3 Vĩnh Linh trở về quê hương xây dựng lại trường trên hoang tàn đổ nát của hố bom, trận địa. Cũng trong năm đó, thầy Lưu được tín nhiệm phân công làm Hiệu phó nhà trường, đến năm 1980 làm Hiệu trưởng cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2000. Gần 30 năm làm công tác quản lý, thầy Trần Viết Lưu đã cùng tập thể sư phạm nhà trường xây dựng khối đoàn kết, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, đồng thuận phấn đấu, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đưa Trường THPT Vĩnh Linh trở thành trường trọng điểm chất lượng cao của tỉnh Quảng Trị, là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Với những thành tích xuất sắc đó, Trường THPT Vĩnh Linh vinh dự được tặng Huân chương Lao động hạng nhất (năm 1998), danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000) và được công nhận đạt chuẩn quốc gia bậc THPT giai đoạn 2001-2010. Thầy Trần Viết Lưu vinh dự được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhì (1986), phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1998. Với thầy, phần thưởng lớn nhất trong cuộc đời nhà giáo là được nhìn thấy những thế hệ học trò của mình trưởng thành, có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển lớn mạnh không ngừng của quê hương, đất nước. Và hạnh phúc thay, khi nghỉ hưu về với đời thường, thầy luôn nhận được những tình cảm yêu mến, kính trọng của các thế hệ học sinh cũ cũng như tình cảm trân trọng các bậc phụ huynh học sinh dành cho thầy. P.V