(QT) - Vĩnh Linh (Quảng Trị) là huyện có diện tích đất đỏ bazan khá lớn, thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp ngắn và dài ngày. Thực hiện đề án về việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng công nghiệp, toàn huyện có gần 1.500 ha cao su, hồ tiêu. Bên cạnh việc phát triển các cây công nghiệp có giá trị, mô hình nuôi trồng thuỷ sản cũng được chú trọng đầu tư với hơn 672 ha mặt nước, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân. Với những giá trị có được từ khai thác các sản phẩm công nghiệp, vấn đề bức xúc và cấp thiết đặt ra đối với công tác bảo vệ diện tích cao su, hồ tiêu, cây công nghiệp ngắn ngày và các hồ tôm công nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng chặt phá cây cao su, hồ tiêu, huỷ hoại vật nuôi... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do một số người dân thiếu ý thức trong chăn thả vật nuôi, hiềm khích cá nhân và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Tình trạng trên đã tác động tiêu cực đến quá trình đầu tư và phát triển cây trồng, vật nuôi, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh- trật tự trên địa bàn huyện. Trong các vụ việc phá hoại tài sản nêu trên thì khó khăn lớn nhất đối với cơ quan chức năng trong công tác điều tra là tài sản thường ở ngoài trời, xa khu dân cư, không có người trông giữ, thời gian phát hiện vụ việc chậm, có vụ đến hơn 10 ngày sau chủ tài sản mới phát hiện và trình báo, gây không ít khó khăn cho công tác khám nghiệm, điều tra của cơ quan chức năng. Để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá hoại cây công nghiệp, vật nuôi trên địa bàn, Công an huyện Vĩnh Linh đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ chủ động tìm các giải pháp để phòng ngừa một cách có hiệu quả, trong đó phương án có tính khả thi nhất là xây dựng các mô hình liên kết bảo vệ tài sản trong nhân dân. Ý tưởng xây dựng mô hình bảo vệ tài sản dựa trên cách thức truyền thống như chăn giữ trâu luân phiên, chấm công, ghi điểm của thời kỳ hợp tác xã nông nghiệp tập trung trước đây. Năm 2004, Công an huyện Vĩnh Linh chỉ đạo xây dựng mô hình điểm Liên kết bảo vệ tài sản ở thôn 4 thị trấn Bến Quan. Ông Trần Hữu Điện- Trưởng Công an thị trấn Bến Quan cho biết: “Bến Quan là địa bàn hết sức phức tạp. Một số người dân chỉ cần tức nhau câu nói đêm đến vác rựa ra sau vườn chặt góc tiêu, phá cao su, thậm chí đốt nhà để trả thù. Mặt khác, đây là cửa rừng nên lâm tặc thường cho trâu kéo gỗ qua đây, hậu quả là nhiều lúc cây công nghiệp của bà con bị đổ gãy…”. Sau khi tiến hành các bước điều tra, khảo sát, Công an huyện tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các đoàn thể và khóm phố vận động các hộ dân có trồng cây cao su, hồ tiêu trên địa bàn cùng nhau đoàn kết, tự bảo vệ tài sản, giữ gìn an ninh trật tự, thành lập mô hình Liên kết bảo vệ tài sản. Thông qua các buổi họp, nhân dân hăng hái, sôi nổi tham gia thảo luận, soạn thảo, xây dựng quy ước, quy chế hoạt động của mô hình. Sau khi phát động triển khai mô hình, ý thức của các hộ dân được nâng lên rõ rệt, xem công tác bảo vệ tài sản của các hộ trong mô hình như tài sản của chính mình. Thông qua sổ theo dõi, lịch trực, Ban điều hành mô hình đã cắt cử người theo từng tổ luân phiên tuần tra, kiểm tra toàn bộ diện tích cây trồng trong khu vực, phát hiện những dấu hiệu xâm hại, những mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân, kịp thời phản ánh để Ban điều hành xem xét, giải quyết dứt điểm, tránh để phức tạp nảy sinh, kéo dài. Nhờ đó tình làng nghĩa xóm được củng cố, tạo thế trận phòng ngừa xã hội sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Kể từ khi mô hình Liên kết bảo vệ tài sản đầu tiên được xây dựng ở thôn 4, thị trấn Bến Quan, hiệu quả và tác dụng to lớn của mô hình đã góp phần tích cực làm chuyển biến từ nhận thức đến hành động của đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn trong công tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở. Sau hơn 5 năm, đã có 38 xã xây dựng mô hình và phát huy tác dụng một cách hiệu quả. Điều ghi nhận là mô hình Liên kết bảo vệ tài sản đã mở rộng sự liên kết, không chỉ liên kết giữa các thôn với nhau mà còn liên kết giữa các xã, các huyện, giữa các xã với doanh nghiệp và giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp… Việc xây dựng mô hình Liên kết bảo vệ tài sản có tác động tích cực trong việc phát huy và củng cố tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của người dân. Từ mô hình này, hiện nay nhiều địa phương ở Cam Lộ, Gio Linh đã học tập và nhân ra trên diện rộng, nhất là đối với những xã có diện tích cây cao su, hồ tiêu lớn. HỮU HÀ-QUỐC VƯƠNG