Tác động của biến đổi khí hậu gây hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn nghiêm trọng trong thời gian qua trên phạm vi cả nước, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước sản xuất vào mùa khô liên tục tái diễn trong nhiều năm trở lại đây đã và đang đặt ra một vấn đề cấp thiết cho các ngành chức năng là cần phải có phương án quản lý và sử dụng nguồn nước hợp lý, đảm bảo an toàn hồ đập phục vụ phát triển bền vững.
Tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ đập” vừa được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức vào trung tuần tháng 8/2020, một trong những thông tin đáng chú ý là Việt Nam đang đối mặt với tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên theo không gian và thời gian. Tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3 /người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900 m3 /người/năm. Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hằng năm vào khoảng 80,6 tỉ m3 (chiếm gần 10% tổng lượng dòng cả nước), trong đó có trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp (khoảng 65 tỉ m3 /năm), cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thủy sản và sinh hoạt.
Việt Nam đã xây dựng gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tuy vậy phần lớn hệ thống hồ, đập thủy lợi đã lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội cũng như an toàn cho hạ du và cuộc sống người dân.
Đây cũng là những vấn đề mà tỉnh Quảng Trị đang đối mặt. Nguồn tài nguyên nước mặt của tỉnh khá dồi dào song lại phân bố không đều theo các tháng trong năm, hạn hán vẫn là nguy cơ thường trực trên tất cả các lưu vực sông nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Trong khi đó tài nguyên nước ngầm khá hạn chế. Phần lớn diện tích là đới nước ngầm không liên tục, khó khăn trong việc tổ chức khai thác công nghiệp.
Toàn tỉnh có 16 công trình thủy điện lớn, nhỏ đã vận hành và đang xây dựng. Có 152 hồ chứa, 222 đập dâng, 236 trạm bơm và 202 công trình cấp nước sinh hoạt (trong đó có 49 công trình không hoạt động) do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình thủy lợi và các địa phương quản lý. Về cơ bản, các công trình thủy lợi đã đảm bảo cấp nước tưới cho 85% diện tích canh tác hai vụ trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo tưới, tiêu nước chủ động phục vụ phát triển vùng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản.
Đánh giá về thực trạng các công trình thủy lợi của địa phương cho thấy, hầu hết các công trình được xây dựng từ lâu và đã hư hỏng, xuống cấp. Một số ít công trình mới được nâng cấp nhờ nguồn vốn các dự án và ngân sách tỉnh. Đặc biệt các công trình thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý, vì nguồn vốn hạn hẹp nên không được sửa chữa, nâng cấp thường xuyên khiến việc quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn và không đạt được hiệu quả cao. Các công trình cấp nước sinh hoạt đa số tập trung ở 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông, được xây dựng đã lâu nhưng chưa có nguồn vốn nâng cấp, sửa chữa.
Giống như các tỉnh, thành khác, Quảng Trị cũng đang đứng trước thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường nước, đặc biệt là tại các khu công nghiệp và đô thị. Một bộ phận người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường như chăn thả gia súc, gia cầm, xả rác thải bừa bãi xuống khu vực nguồn nước đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt. Một số doanh nghiệp, cá nhân xả nước thải chưa xử lý hoặc xử lý chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Trong một báo cáo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị về việc xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị cho thấy, đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh còn tồn đọng 768 trường hợp vi phạm chưa được xử lý. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, lập biên bản, xử lý 8 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Ngoài ra, có khoảng 70 điểm xả thải chưa được cấp phép vào các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, phần lớn là xả thải chăn nuôi và hộ gia đình.
Để quản lý, sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập, một trong những giải pháp cần chú trọng là phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước. Tăng cường xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong đó quy định nghiêm cấm việc đổ chất thải, rác thải, đổ hoặc làm rò rỉ các chất độc hại vào nguồn nước và các hành vi khác gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Xây dựng mạng lưới các điểm, trạm quan trắc, giám sát tài nguyên nước; điều tra, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn nước; bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt của tổ chức, cá nhân khai thác nước. Cần nâng cao trách nhiệm của UBND các cấp trong thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn. Thực hiện nghiêm quy định cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình khai thác, sử dụng, đồng thời có quyền giám sát những hành vi, hiện tượng gây ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước của tổ chức, cá nhân khác. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến luật về tài nguyên nước để người dân nâng cao ý thức bảo vệ, giám sát nguồn nước cũng như sử dụng tài nguyên nước hợp lý.
Bảo Bình