Hoàn thiện phong cách văn hoá công sở
(QT) - Từ ngày 5/9/2007, quy chế văn hoá Công sở của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành. Văn hoá Công sở (VHCS) được hình thành từ văn hoá chủ thể - ở đây chính là đội ngũ cán bộ, công chức.  Văn hoá chủ thể là sự phát huy các năng lực bản chất của con người, là sự thể hiện đầy đủ nhất chất người, nên văn hoá có mặt trong bất cứ hoạt động nào của con người, dù đó là hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, trong giao tiếp, ứng xử... Trong công cuộc cải cách hành chính, củng cố ...

Hoàn thiện phong cách văn hoá công sở

(QT) - Từ ngày 5/9/2007, quy chế văn hoá Công sở của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thi hành. Văn hoá Công sở (VHCS) được hình thành từ văn hoá chủ thể - ở đây chính là đội ngũ cán bộ, công chức. Văn hoá chủ thể là sự phát huy các năng lực bản chất của con người, là sự thể hiện đầy đủ nhất chất người, nên văn hoá có mặt trong bất cứ hoạt động nào của con người, dù đó là hoạt động trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, trong giao tiếp, ứng xử... Trong công cuộc cải cách hành chính, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước chú trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ và hoàn thiện cơ sở vật chất của bộ máy. Về cơ sở vật chất, nhìn chung, trụ sở cơ quan công quyền từ tỉnh, huyện, xã được quan tâm sửa sang, nâng cấp. Các cơ quan, đơn vị cải thiện phòng làm việc, mua sắm trang thiết bị phục vụ tốt hơn cho công tác của cán bộ, công chức; đầu tư nâng cấp phòng tiếp dân, nơi giải quyết thủ tục hành chính tạo thuận lợi hơn cho người dân khi đến giao dịch công việc. Về đội ngũ cán bộ, số lượng cán bộ, công chức, chuyên viên phục vụ trong các tổ chức Đảng, đoàn thể, chính quyền ngày càng được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và năng lực, phẩm chất. Những cơ chế, chính sách chỉ đạo, điều hành cũng như cách thức thực hiện công vụ dần được cải tiến, đổi mới theo hướng hợp lý, khoa học, góp phần phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, nói về VHCS còn rất nhiều điều phải bàn. Ở đây chỉ đề cập đến một số vấn đề rất đáng quan tâm. Đó là lề lối làm việc cung như tác phong, ứng xử của đội ngũ cán bộ, viên chức ở cơ quan công quyền hiện nay. Trước hết, về giờ giấc làm việc, theo quy định hiện nay, mỗi cán bộ công chức làm việc 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần. Tuy vậy, tình trạng công chức đi muộn về sớm, vi phạm giờ giấc diễn ra phổ biến. Thêm vào đó, phần lớn các cơ quan, đơn vị hiện nay vẫn áp dụng cách chấm công theo thời gian, do vậy, công chức đến muộn hay sớm, giải quyết công việc được nhiều hay ít, cũng chẳng ảnh hưởng đáng kể tới tiền lương. Chúng ta cũng không khó để bắt gặp tại quán cà phê, quán nước những công chức vô tư vi phạm chế độ “8 giờ vàng ngọc”, cho dù tại công sở, nhiều nội dung công việc đang cần được giải quyết. Khi được hỏi, họ biện hộ rằng: công việc không căn cứ vào ngồi ở cơ quan nhiều hay ít mà phải dựa vào hiệu quả của nó. Bên cạnh những cán bộ Nhà nước có thái độ đúng mực, hoà nhã với nhân dân, vẫn còn có những cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân. Trong điều kiện hiện nay, không phải người dân nào cũng hiểu biết hết pháp luật, do đó cán bộ cần phải thể hiện vai trò công bộc của mình, đối với người dân cần phải vận dụng linh hoạt các thủ tục trong khuôn khổ pháp luật cho phép, giải thích thấu đáo cho người dân hiểu về quyền và nghĩa vụ của họ. Về tác phong sinh hoạt, có không ít cán bộ, công chưc Nhà nước tác phong sinh hoạt, công tác rất tuỳ tiện, tính kỷ luật rất kém. Chúng ta đã chứng kiến ở không ít cơ quan, một số cán bộ làm việc theo kiểu “sáng cắp cặp đi, trưa cắp cặp về”; đến cơ quan suốt ngày uống trà, tán chuyện vặt, gọi điện thoại “chùa”, dùng điện, nước vô tội vạ. Đây là một dạng công chức có thói quen ỷ lại, tính toán, vụ lợi vặt dẫn đến hiệu quả công tác rất thấp. Một vấn đề cần quan tâm nữa, là cả thế giới bùng nổ thông tin, điện thoại mỗi người một chiếc. Khi trò chuyện bằng điện thoại di động, nhiều người không còn biết giữ ý tứ, làm phiền mọi người xung quanh, bất kể đó là khi đang làm việc hay họp hành. Thậm chí cả khi đang ngồi bàn chủ toạ, người ta vẫn mở máy nói chuyện trong khi tất cả mọi người chờ đợi. Xin nhớ, văn minh điện thoại di động là một khía cạnh của văn hoá môi trường Công sở. Ông Vũ Quốc Việt - Tổng giám đốc Tâm Việt Group, cơ sở đầu tiên ở Việt Nam chuyên đào tạo và phát triển các kỹ năng cá nhân đã phát biểu trên báo Tuổi trẻ ra ngày 23/3/2007 rằng: “Lâu nay, chúng ta chưa có một cái “chuẩn” trong giao tiếp của cán bộ, công chức. Chính điều này dẫn đến những “phong cách” giao tiếp rất khác nhau trong giới công chức để rồi có lời ăn tiếng nói thể hiện cửa quyền, gây khó khăn cho người dân, cho khách hàng. Bài học do thiếu nụ cười nên ngành dịch vụ không khói - du lịch của chúng ta khó thu hút du khách quay trở lại Việt Nam. “Lời nói gói vàng” - đã đến lúc chúng ta phải coi trọng nụ cười hay lời cảm ơn, câu xin lỗi đúng lúc của đội ngũ cán bộ, công chức bởi đó là văn hoá dịch vu đóng góp một phần không nhỏ vào lợi ích của quốc gia. Điều này càng quan trọng khi chúng ta đang hội nhập sâu rộng với các nước trong khu vực và thế giới". Văn hoá nói chung, VHCS đối với cán bộ, công chức là điều kiện hiển nhiên cần phải có. Tiếc thay, những “bài học vỡ lòng” về văn hoá ấy lại chưa được nhiều công chức, viên chức nhà nước... học thuộc. Trong khi xã hội ngày càng tiến bộ, con người ngày càng văn minh thì VHCS đòi hỏi ngày càng phải được tôn trọng thực thi làm cho năng suất, hiệu quả công tác được nâng cao. Cải cách hành chính sẽ có rất nhiều việc phải làm, nhưng trước hêt phải xoá bỏ tư tưởng, thói quen, phong cách làm việc, ứng xử theo lối cũ thì hiệu quả của cải cách hành chính sẽ được nâng cao. Nguyễn Quốc Thanh