Một đời son sắt
(QT) - Cũng như bao bà mẹ Việt thời chiến khác, Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khuyên ở thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong sẵn sàng để chồng và những đứa con đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, dẫu biết rằng cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát. Và bà mẹ với tấm lòng trung trinh ấy đã vĩnh viễn mất đi người chồng và 2 người con trai trong thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị.

Một đời son sắt

(QT) - Cũng như bao bà mẹ Việt thời chiến khác, Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Khuyên ở thôn Nhan Biều 3, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong sẵn sàng để chồng và những đứa con đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, dẫu biết rằng cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát. Và bà mẹ với tấm lòng trung trinh ấy đã vĩnh viễn mất đi người chồng và 2 người con trai trong thời điểm chiến tranh diễn ra ác liệt nhất trên chiến trường Quảng Trị.

Chị Tâm chăm sóc mẹ Phan Thị Khuyên

Mẹ Khuyên năm nay đã xấp xỉ tuổi 92, trí nhớ không còn minh mẫn, đôi mắt cũng mờ dần theo thời gian. Buổi sáng nhưng trời khá nắng gắt, lúc chúng tôi ghé thăm mẹ Khuyên nằm trên giường với dáng vẻ mệt mỏi. Lúc này chị Nguyễn Thị Tâm, con dâu mẹ đang bưng chậu nước lên để vệ sinh cho mẹ như mọi ngày. Chị Tâm nói: “Mấy năm nay sức khỏe của mẹ yếu hơn, chỉ nằm một chỗ. Nhưng thường khi có khách đến thăm chơi mẹ đều nhận ra. Riêng cháu là người lạ nên mẹ thì thào cố hỏi xem ai. Mà mẹ yếu thế chứ mọi chuyện đều biết hết, chỉ là giọng nói đã yếu ớt đi thôi”.

Vừa nâng nhẹ đôi cánh tay gầy guộc của mẹ Khuyên, chị Tâm cẩn thận lau một lượt khắp người mẹ vừa thì thầm trả lời những câu hỏi của mẹ. Chị Tâm là con dâu út của mẹ Khuyên- vợ của anh Phan Hiến. Mẹ Khuyên có chồng là ông Phan Trinh, hai vợ chồng mẹ có với nhau 10 mặt con nhưng đến nay chỉ còn lại 6 người. Trong những năm tháng chiến tranh đầy gian khổ, mẹ Khuyên và chồng đã hết lòng theo cách mạng. Nơi mẹ ở cũng thường xuyên đón tiếp, nuôi giấu bộ đội khi các anh chuẩn bị vượt sông Thạch Hãn hành quân vào chiến trường phía Nam. Dù gian khổ, cơ cực trăm bề nhưng gia đình mẹ vẫn dành những củ sắn, củ khoai, nắm gạo nuôi bộ đội để các anh đủ sức đánh giặc.

Ông Phan Trinh là du kích địa phương, tham gia cách mạng từ thời kháng chiến chống Pháp đến kháng chiến chống Mỹ sau này. Ông bị địch bắt và biệt giam tại lao xá Quảng Trị. Ròng rã nhiều năm trời bị biệt giam và chịu những màn tra tấn đau đớn nhất, ông Trinh mất tại nhà lao này vào năm 1968. Hai con trai của mẹ Khuyên là Phan Đức (con thứ 3) và Phan Đông (con thứ 4) cũng đã sớm thoát ly theo cách mạng. Cả hai người đều tham gia du kích địa phương, cùng với bộ đội chủ lực tham gia nhiều trận đánh ác liệt ngay tại phía bắc sông Thạch Hãn.

Trong một lần ẩn nấp hoạt động ở thôn Nhan Biều, anh Phan Đông và nhiều đồng đội đã bị pháo kích trúng hầm. Nhiều đồng đội hy sinh và bị thương, riêng anh Phan Đông bị trọng thương được đưa vào rừng để chữa trị, nhưng vết thương quá nặng nên cũng đã hy sinh. Đó cũng là vào năm 1968. Chỉ mấy năm sau, anh Phan Đức cũng hi sinh ngay tại ngôi làng Xuân An, cạnh ngay làng Nhan Biều nơi anh gắn bó khi đang tham gia chiến đấu yểm trợ bộ đội vượt sông vào chiến trường Thành Cổ. Đó là thời điểm diễn ra cuộc chiến đấu oanh liệt vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Lần lượt chồng và 2 con hi sinh chỉ trong vòng 4 năm khiến mẹ Khuyên như đứt từng khúc ruột. Nhưng rồi nhìn đàn con nheo nhóc, mẹ lại gạt nước mắt đứng lên.

Trong chiến tranh loạn ly, mẹ Khuyên một mình lam lũ đi cấy thuê, nhặt nhạnh từng mớ rau, con tép… để nuôi đàn con qua ngày. Đến ngày đất nước thống nhất, sống trong hòa bình nhưng cuộc sống thiếu vắng trụ cột gia đình, mẹ lại một mình gồng gánh làm lụng đủ việc để nuôi con khôn lớn. “Có thể nói rằng, mẹ tôi là một người rất mạnh mẽ. Thời chiến tranh, nhiều lần bị bọn chỉ điểm đe nẹt, dọa dẫm nhưng mẹ vẫn kiên định không hé nửa lời. Và dù trong hoàn cảnh cùng cực đến mấy mẹ cũng không gục ngã. Có lẽ nỗi đau quá lớn khi ba tôi và 2 anh hi sinh đã tiếp thêm sức mạnh cho mẹ”, anh Phan Hiến, con trai út mẹ Khuyên thổ lộ. Anh Hiến cho biết, về phía người anh liệt sĩ Phan Đông, mãi đến năm 1977, gia đình mới tìm được hài cốt tận trên rừng giáp với chiến khu Ba Lòng để đưa về quê an táng.

Bây giờ thì mẹ Khuyên đã như chuối chín cây nhưng theo vợ chồng anh Hiến cho biết thì mẹ vẫn thường bảo rằng, bà cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc khi được sống trong hòa bình và no ấm, gia đình cũng đã có con cháu nội ngoại đuề huề. Và Tổ quốc có được ngày hôm nay cũng có sự đóng góp một phần xương máu của chồng và 2 con trai của mẹ. Từ Triệu Thượng nhìn qua bên kia sông Thạch Hãn là Thành Cổ Quảng Trị một thời máu lửa. Bầu trời những ngày tháng Tư này trong vời vợi, gió lại về miên man. Chợt hình dung về những ngày khói lửa, thấp thoáng bóng những đoàn chiến sĩ gan dạ trẻ vượt sông trong mưa bom bão đạn để vào chiến trường. Bên này sông, bóng những người mẹ đau đáu dõi theo mà lòng quặn thắt, nước mắt lặn vào trong…

Đức Việt