Mùa hè nhọc nhằn
(BNS) - Những ngày hè nơi miền đất lửa Quảng Trị, trong cái nắng như thiêu cùng cơn gió Lào hanh heo, những đôi chân trần bé xíu vẫn mải miết đi về trên cát. Ba tháng hè với các em là những ngày mưu sinh nhọc nhằn, tiếng cười giòn tan mà thấm đẫm mồ hôi. Để có được con chữ nơi vùng biển nghèo Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị, các em phải leo qua những con dốc, bãi cát bạt ngàn nắng gió. GIỌT MỒ HÔI TRÊN CÁT...  11 giờ trưa, nắng gió cửa biển như táp vào mặt khiến làn da ran rát. Dọc hàng phi lao ...

Mùa hè nhọc nhằn

(BNS) - Những ngày hè nơi miền đất lửa Quảng Trị, trong cái nắng như thiêu cùng cơn gió Lào hanh heo, những đôi chân trần bé xíu vẫn mải miết đi về trên cát. Ba tháng hè với các em là những ngày mưu sinh nhọc nhằn, tiếng cười giòn tan mà thấm đẫm mồ hôi. Để có được con chữ nơi vùng biển nghèo Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị, các em phải leo qua những con dốc, bãi cát bạt ngàn nắng gió. GIỌT MỒ HÔI TRÊN CÁT... 11 giờ trưa, nắng gió cửa biển như táp vào mặt khiến làn da ran rát. Dọc hàng phi lao chạy dài sát biển, những đứa trẻ đầu trần, chân đất miệt mài trong bước mưu sinh. Chưa kịp ngồi xuống ghế, chúng tôi đã bị “vây” bởi những tiếng mời chào: “Mua cho cháu dĩa bột lọc cô nhá? Ngon lắm! Còn nóng cô ạ!”, “Mua giúp cháu vài chiếc bánh đa chú ơi! Từ sáng tới giờ chưa bán được chiếc nào”... Nhìn gương mặt nhễ nhại mồ hôi của sắp nhỏ, ít du khách nào lại nỡ lòng không mua cho chúng một vài món.

Bán được một dĩa bột lọc hay chiếc bánh đa là các em góp được mấy trăm đồng để mua sách vở, quần áo.

Gio Việt là xã nghèo của huyện Gio Linh, quanh năm cát trắng, đồi trọc, chăn nuôi, ruộng vườn thất bát, nghề biển được chăng hay chớ. Vì vậy chuyện học hành với các em nơi đây là thứ “xa xỉ”. Gia đình khá giả thì nuôi được vài ba đứa, còn nhà nào khó khăn đa số các em phải bỏ học hoặc tự tìm cách bươn chải với cuộc sống khi còn bé tí tẹo để được đến trường. Nhìn thân hình nhỏ choắt, đen nhẻm của Trần Thị Vui không ai nghĩ cô bé 16 tuổi này đã có thâm niên bán dạo bốn năm. “Nhà cháu nghèo lắm! Ba mẹ không đủ tiền cho cháu và các em đi học nên mùa hè chúng cháu phải làm thêm để mua sách vở, áo quần cho năm học mới” - Vui tâm sự. Tuổi đời các em bán dạo trên bãi biển Cửa Việt còn rất non nớt. Có em mới 13 tuổi nhưng đã hai mùa hè lăn lóc với cát và nắng. Những thứ các em bán đều là của nhà làm ra, rất mộc mạc, dân dã, như dĩa bột lọc, gói đậu phộng, cái bánh đa hay chai nước lá vằng... được ông bà, ba mạ chuẩn bị từ mờ sáng. Khi mới thấy bóng người lờ mờ ở biển, đội quân bán dạo của các em đã lên đường, đến tối mịt không còn bóng người mới trở về. “Cực nhưng giúp được ba mạ là chúng cháu vui lắm! Năm học mới này mạ hứa sẽ may cho hai chị em cháu quần áo mới, cháu mừng lắm!” - bé Nguyễn Thị Ngát hồn nhiên kể.

“Nghệ thuật” mời chào cũng được các em học hỏi và rút kinh nghiệm sau những lần bán hàng.

Những ngày đẹp trời, biển Cửa Việt có hàng ngàn người xuống tắm. Khi ấy các em lại có cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng rồi quán xá mọc ra tua tủa, giành giật “miếng cơm” của các em. Vậy là ngày một phải đi xa hơn, có khi suốt dọc bờ biển gần 5 cây số, chỗ nào có khách tắm các em lại lần tới. “Những hôm trời mát còn đỡ, chứ nắng như ri rộp hết cả chân! Nhưng không đi thì mần răng có tiền đi học” - bé Nguyễn Thị Hoa, “chị cả” của đội quân bán dạo tâm sự. ... VÀ BAO HIỂM NGUY Màn đêm dần ập xuống, những bước chân và tiếng mời chào vẫn râm ran trên bãi biển. Cứ chạng vạng tối, người dân và du khách từ thành phố Đông Hà, Cam Lộ, Triệu Phong tập trung về bãi biển đông đúc. Đây là thời điểm các em dễ bán hàng nhất, tuy nhiên cũng là lúc hiểm nguy chực chờ. Đội quân đa số là gái, dễ bị nguy cơ xâm hại. Bé T. T. H kể trong nước mắt: “Đôi khi uất lắm cô ạ! Gặp mấy người say rượu đi tắm sợ lắm, không mua hàng thì chớ, lại còn dọa nạt, sàm sỡ nữa chứ”. Mua không trả tiền, giật hàng, giằng co trêu ghẹo của đám thanh niên choai choai với các em là chuyện xảy ra như cơm bữa. Vì vậy khi trời còn sáng, mỗi em có thể đi bán một mình nhưng từ chập choạng tối các em phải kết thành nhóm cho đỡ nguy hiểm.
Nụ cười hồn nhiên của cậu bé bán kẹo kéo.
Kiếm được đồng tiền là mồ hôi trộn nước mắt .
Không chỉ có thế, những đứa trẻ ở đây còn chịu sự đối xử tệ mạt của hệ thống quán hàng xung quanh. Nhiều lúc họ xua đuổi các em như những kẻ ăn xin, vì các em làm vướng chân khách của họ. Biết thế nhưng nhiều em vẫn nhẫn nhục, chịu khổ để bán được hàng. Ba tháng hè trôi qua với các em đầy ắp tiếng sóng biển ồn ào, cát nóng rộp bàn chân, mái tóc xanh cháy sém. Chẳng được vui chơi, không một chuyến dã ngoại cùng gia đình như bao đứa trẻ ở phố thị nhưng tiếng cười của các em luôn giòn tan trong nắng gió đất trời Cửa Việt. Tuổi thơ đúng nghĩa bị “đánh cắp” bởi những mùa hè mưu sinh khó nhọc, nhưng bù lại, các em được đến trường, mong một sự đổi thay ngày mai. Rời Cửa Việt - vùng quê của cát mặn và nghèo khó, lòng chúng tôi dậy lên niềm tin vào tương lai của những đứa trẻ với gương mặt đen nhẻm mà nụ cười thánh thiện, ánh mắt đầy nghị lực. TRIỀU DƯƠNG