QĐND - Những tuyên bố vừa qua của Mỹ và Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) về việc chính thức loại bỏ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria là một tín hiệu đáng mừng, đánh dấu “cột mốc lịch sử” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tuy nhiên, nguy cơ từ IS thực sự vẫn còn khi những “chân rết” cực đoan len lỏi ở khắp nơi trên thế giới.
Lực lượng SDF tuần tra tại khu vực làng Baghouz . Ảnh: Reuters
Ngày 23-3, SDF cho biết lực lượng này đã chiếm được thành trì cuối cùng của IS tại khu vực Baghouz, phía đông Syria, xóa sổ hoàn toàn cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo”. Trước đó, ngày 22-3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố IS bị đánh bại 100% tại Syria. Ông Donald Trump đưa ra phát biểu này khi cho báo giới xem hai bản đồ. Trong đó bản đồ cũ cho thấy các khu vực rộng lớn IS từng kiểm soát và bản đồ mới không còn sự hiện diện của IS. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cùng ngày cũng xác nhận IS đã bị quét sạch khỏi Syria và "đế chế Hồi giáo" này hoàn toàn bị diệt trừ.
Từ năm 2014, lợi dụng tình hình bất ổn nghiêm trọng tại Syria với khoảng trống quyền lực, IS đã nhanh chóng nổi lên. Vào giai đoạn đỉnh điểm, chúng kiểm soát tới 88.000km2 lãnh thổ trải dài từ Syria đến Iraq. Trong cuộc chiến chống khủng bố, liên quân do Mỹ đứng đầu với khoảng 70 nước tham dự đã thực hiện hơn 34.000 cuộc không kích vào các mục tiêu IS tại Syria và Iraq. Trong khi đó, Nga cũng góp phần không nhỏ khiến các phần tử khủng bố biến mất khỏi bản đồ hai quốc gia Trung Đông này.
Sự thất bại của IS tại Baghouz không những là cột mốc to lớn trong cuộc chiến chống tổ chức này mà còn đánh dấu một thời điểm quan trọng khi cuộc chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 9. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng IS vẫn có nguy cơ trỗi dậy bất cứ lúc nào bởi tổ chức cực đoan này đã "vươn vòi bạch tuộc" tới nhiều nước trên thế giới. Liên hợp quốc cảnh báo, IS tiếp tục tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa an ninh và sự ổn định tại nhiều khu vực. Ước tính, IS hiện có từ 14.000 đến 18.000 tay súng thành viên, trong đó, có tới 3.000 phần tử khủng bố nước ngoài.
Tại châu Á, IS mở rộng phạm vi hoạt động và đẩy mạnh các hành vi phá hoại. Indonesia-quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới đã phải đối diện với mối đe dọa khủng bố thường trực. Một trong những tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất tại Indonesia hiện nay là Jamaah Ansharut Daulah (JAD). Nhóm này đang nuôi tham vọng thành lập một “quốc gia Hồi giáo” tại Đông Nam Á bằng việc hợp nhất các tổ chức khác ở Indonesia, Malaysia, miền Nam Philippines, Singapore và Brunei.
Trong khi đó, các nước châu Âu đang "đau đầu" bởi nguy cơ các công dân của mình tham chiến trong hàng ngũ IS ở Syria hồi hương. Các cơ quan tình báo Anh ước tính, khoảng 900 tay súng Anh đã đến Syria, 20% trong số này đã chết và 40% sẽ trở về. Theo các số liệu thống kê của Ðức, kể từ năm 2013 đến nay, hơn 1.000 người Ðức đã tới các khu vực chiến sự ở Syria và Iraq, tuy nhiên, chỉ khoảng một phần ba trong số này quay trở về Ðức. Cả Anh và Ðức đều lên tiếng cho rằng việc các nước châu Âu phải "tiếp nhận lại" các tay súng IS là không khả thi. Châu Âu vốn đã phải chật vật đối phó với nguy cơ khủng bố do các "sói đơn độc" lấy cảm hứng từ IS tiến hành, nay lại cận kề nỗi lo các tay súng IS trở về.
Dù về cơ bản IS đã bị mất các thành trì và nơi ẩn náu tại Syria và Iraq nhưng chúng được cho là vẫn duy trì tầm ảnh hưởng và nuôi mưu đồ tiến hành các cuộc tiến công khủng bố quy mô lớn, duy trì mạng lưới trên phạm vi toàn cầu. Hãng tin CNBC dẫn nhận định của các chuyên gia phân tích cho rằng, dù cái gọi là “vương quốc Hồi giáo” có thể bị thiêu rụi, song không có nghĩa là IS sẽ biến mất vĩnh viễn. Trái lại, thất bại tại hai địa bàn chiến lược là Iraq và Syria sẽ chỉ thôi thúc IS quyết tâm và điên cuồng thực hiện các vụ tấn công ở nước ngoài trong thời gian tới.
HÂN NGỌC