(QT) - Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTƯ Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thể hiện quan điểm GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Mục tiêu của đổi mới GD-ĐT là tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và nhu cầu học tập của nhân dân; đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng GD-ĐT; chuẩn hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Nhìn lại năm học vừa qua, ngành GD-ĐT đã đạt được một số kết quả nổi bật trong đổi mới hoạt động dạy học, thi cử, kiểm tra, đánh giá; rõ nét nhất là đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng tạo thuận lợi cho học sinh. Công tác quản lý có đổi mới bước đầu, các điều kiện đảm bảo dạy và học được tăng cường; chất lượng có chuyển biến tích cực. Trên thực tế có thể nhận thấy sự đổi mới GD-ĐT theo chiều hướng tích cực, vấn đề quan trọng là trong những năm học tới ngành GD-ĐT phải làm gì để vận hành nền giáo dục phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc sách hàng đầu trong thời kỳ hội nhập sâu với thế giới hiện nay. Bên cạnh đó ngành GD-ĐT phải có giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém, đó là việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa hiệu quả; công tác phân luồng học sinh sau THCS và THPT chưa tốt, chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; giáo dục bậc đại học chưa thực sự tạo thành động lực để phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước…Nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này thì có nhiều, trong đó vấn đề thiếu tư duy đổi mới và quyết tâm hành động là nguyên nhân quan trọng nhất. Bài học sâu sắc đối với ngành GD-ĐT thời gian qua là phải biết lắng nghe các phản biện xã hội và cũng chính vì biết lắng nghe mà công tác dạy, học và tổ chức thi, đánh giá chất lượng có tiến bộ hơn. Để thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, ngành GD-ĐT đề ra các nhiệm vụ ưu tiên tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; đẩy mạnh phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD-ĐT; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Một vấn đề rất quan trọng trong GD-ĐT, đó là nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phát huy người học là chủ thể trung tâm của quá trình giáo dục; gia đình có trách nhiệm phối hợp với nhà trường và xã hội trong việc giáo dục nhân cách, lối sống cho con em mình; huy động sự tham gia giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với giáo dục. Đổi mới nội dung giáo dục theo hướng tinh giản, hiện đại, thiết thực, phù hợp với lứa tuổi, trình độ và ngành nghề; tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Dạy ngoại ngữ và tin học theo hướng chuẩn hóa, thiết thực, bảo đảm năng lực sử dụng của người học. Nội dung giáo dục nghề nghiệp phải được xây dựng theo hướng tích hợp kiến thức, kỹ năng, tác phong làm việc để hình thành năng lực nghề nghiệp cho người học. Tiếp tục đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, nội dung, phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của nhà giáo theo yêu cầu nâng cao chất lượng, trách nhiệm, đạo đức và năng lực nghề nghiệp. Tiếp tục thực hiện kiên cố hóa trường lớp; từng bước hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT, quan tâm đầu tư cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, đối tượng chính sách… Trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, GD-ĐT là lĩnh vực mà Nhà nước và nhân dân tập trung đầu tư nguồn lực nhiều nhất, bởi đây là quốc sách hàng đầu. Đến lượt mình, toàn xã hội cũng có quyền đòi hỏi sự đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng GD-ĐT với yêu cầu cao nhất. Trước thềm năm học mới 2016-2017, trách nhiệm vinh quang và nặng nề của ngành GD-ĐT là phải huy động tối đa mọi nguồn lực trong điều kiện hiện có, tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế để đưa nền giáo dục Việt Nam phát triển đúng hướng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. PHƯƠNG MINH