Gắn các hoạt động lễ hội với phát triển du lịch
(QT) - Năm nay, cùng với kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức lễ hội “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ 3. Ngoài ý nghĩa khơi dậy niềm tự hào về truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời kỳ mới, việc tổ chức các lễ hội văn hóa, du lịch cũng là dịp để phát triển ngành thương mại, du lịch, dịch vụ. Nằm ở vị trí trung độ của cả nước, có tuyến Quốc lộ 1A giao nhau với Quốc lộ 9, là tỉnh đầu cầu của tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây về phía Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị có điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước đi qua trên mảnh đất này để lại một hệ thống di tích chiến tranh đồ sộ và độc đáo.
Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi nằm trên “Con đường di sản miền Trung” và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nếu được khai thác đúng hướng, gắn việc tổ chức các lễ hội với phát triển du lịch, dịch vụ, trong tương lai du lịch Quảng Trị sẽ có bước phát triển mới, trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động. |
Trong số gần 500 di tích đã được kiểm kê đánh giá, có đến 431 di tích lịch sử, trong đó có các di tích đặc biệt quan trọng như: Đường mòn Hồ Chí Minh, Đường 9 - Khe Sanh, Khu di tích đôi bờ Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, Nhà tù Lao Bảo, Đảo Cồn Cỏ, Thành Cổ Quảng Trị, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Khu di tích Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Khu di tích Dốc Miếu- hàng rào điện tử McNamara... Nhiều di tích lịch sử được phục chế, tôn tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác đã thu hút đông đảo du khách. Những dấu ấn của quá khứ oanh liệt ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các du khách khi đến Quảng Trị, mảnh đất chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh nay đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, Quảng Trị còn có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái với 75 km bờ biển có nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Mỹ Thủy, có đảo Cồn Cỏ gần với đất liền; có rừng nguyên sinh với nhiều động, thực vật quý hiếm như Rú Lịnh, trằm Trà Lộc, Khe Gió, suối nước nóng Đakrông... Trong những năm qua, tỉnh tổ chức nhiều lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước như lễ hội “Thống nhất non sông” gắn với khu di tích lịch sử Đôi bờ Hiền Lương, nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt đất nước hai mươi năm, nơi biểu hiện cao nhất khát vọng thống nhất và đoàn tụ của dân tộc Việt Nam được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hay lễ tưởng niệm được tổ chức tại Đài tưởng niệm Thành Cổ Quảng Trị và sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Thành Cổ, tôn vinh chiến công hiển hách của quân và dân cả nước trong cuộc chiến 81 ngày đêm chống phản kích và tái chiếm của địch; lễ hội Tri ân tháng 7 được tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia đường 9. Lễ hội này gắn với hoạt động kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, thể hiện trách nhiệm và tình cảm của người còn sống đối với các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Du lịch Quảng Trị đã và đang phát triển theo hướng tích cực. Công tác định hướng, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết được quan tâm xây dựng làm cơ sở cho việc đầu tư phát triển du lịch đúng hướng và lâu dài. Đã hình thành nhiều loại hình du lịch như: Du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội; du lịch đường bộ qua hành lang kinh tế Đông-Tây; du lịch sinh thái biển… Đặc biệt loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử chiến tranh cách mạng thu hút được nhiều du khách vào các dịp lễ hội. Tỉnh cũng đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được trùng tu và tôn tạo, tạo nên một số điểm du lịch hấp dẫn thu hút khách du lịch. Nhờ vậy, ngành du lịch Quảng Trị phát triển với tốc độ khá cao, doanh thu du lịch giai đoạn 2001-2005 tăng 24%/năm, giai đoạn 2006-2010 tăng 28%, đã góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV xác định du lịch là một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Từ nay đến năm 2015 cần khắc phục những hạn chế, yếu kém, khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của địa phương, kết hợp việc hoàn thiện các sản phẩm du lịch với phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, nâng cao hiệu quả kinh doanh, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng trước năm 2015, tạo sự đột phá sau năm 2015. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Du lịch phải hoàn chỉnh quy hoạch phát triển, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành, thẩm định dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường. Đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch đúng quy hoạch theo hướng tập trung có trọng tâm, trọng điểm. Nghiên cứu ban hành một số cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư phát triển du lịch; nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao; duy trì và nâng cao chất lượng các lễ hội văn hóa, du lịch. Chú trọng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch, đào tạo đội ngũ làm công tác du lịch đáp ứng đòi hỏi phát triển du lịch trong thời kỳ mới... Với điều kiện vị trí địa lý thuận lợi nằm trên “Con đường di sản miền Trung” và tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, nếu được khai thác đúng hướng, gắn việc tổ chức các lễ hội với phát triển du lịch, dịch vụ, trong tương lai du lịch Quảng Trị sẽ có bước phát triển mới, trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, tăng nguồn thu nhập cho người lao động. PHƯƠNG MINH