Từ giữa tháng 6 đến nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã ghi nhận có sự gia tăng các ổ dịch cũng như số bệnh nhân mắc sốt rét. Trong tổng số 12 ca mắc trên địa bàn toàn tỉnh, Hướng Hóa chiếm 11 ca. Với mục tiêu không để tử vong xảy ra, không để sốt rét lan rộng trong cộng đồng, đồng thời làm cơ sở để triển khai giải quyết các ổ bệnh trong thời gian tới, việc khống chế kịp thời các ổ bệnh trong thời điểm hiện nay được xác định rất quan trọng và cấp thiết.
![]() |
Cán bộ y tế lấy máu soi lam tìm ký sinh trùng sốt rét -Ảnh: P.T |
Các xã trên địa bàn huyện Hướng Hóa lần lượt ghi nhận ca bệnh gồm: A Dơi 5 ca, Xy 2 ca, Thuận 1 ca và Hướng Linh 3 ca. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, các ca mắc sốt rét có yếu tố đi rừng, ngủ rẫy, đi lại giao lưu giữa các địa phương khác trong huyện và nước bạn Lào. Qua xét nghiệm, xác định các ca bệnh đều mắc chủng Vivax, đây là một chủng được đánh giá lành tính nên các triệu chứng ở bệnh nhân thường nhẹ và diễn tiến chậm.
Sự gia tăng số ổ bệnh sốt rét trở lại không chỉ ở các địa phương được xem là “cái nôi sốt rét” như các xã Xy, A Dơi, Ba Tầng, Thanh…. mà còn xuất hiện tại các xã phía Bắc như Hướng Sơn, Hướng Linh được nhận định sẽ làm cho mục tiêu hướng tới loại trừ sốt rét của tỉnh chậm hơn trong thời gian tới. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này được xác định do đây là vùng sốt rét lưu hành nặng của tỉnh, thời điểm này lại rơi đúng vào mùa cao điểm bệnh lưu hành (từ tháng 9 đến tháng 11) của mùa truyền bệnh trong năm.
Bên cạnh đó, những nguyên nhân không kém phần quan trọng kèm theo là sau một thời gian giãn cách do COVID-19, người dân quay trở lại các hoạt động thường ngày như giao lưu qua biên giới, vào rừng, ngủ rẫy để lao động mưu sinh như hái lan rừng, trồng chuối, trồng sắn…. tăng lên.
Trong khi đó, các biện pháp bảo vệ như phun tồn lưu hóa chất giảm dần do nguồn lực hạn chế; đa phần người dân sống trong các vùng sốt rét là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc thực hiện các biện pháp chủ động phòng chống nguy cơ mắc sốt rét như mua màn bổ sung, võng màn để tự bảo vệ cho bản thân và gia đình khi ở nhà cũng như khi giao lưu qua lại biên giới, vào rừng, ngủ rẫy… còn thấp.
Ngoài ra, tại địa bàn nhiều xã, khoảng cách đi lại giữa các cơ sở điều trị còn xa, người bệnh nhiễm chủng Vivax có các biểu hiện nhẹ, dễ nhầm với các bệnh thông thường khác làm cho nguy cơ lây nhiễm từ nơi khác về thành ca nội địa; các yếu tố thuận lợi cho muỗi Anopheles phát triển như nhà gần suối, bìa rừng… dẫn đến sự gia tăng các ca mắc sốt rét trên địa bàn thời điểm gần đây.
Để kịp thời khống chế các ổ bệnh, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong hành động giữa các ban, ngành, các cấp chính quyền trong triển khai chương trình ứng phó. Theo đó, dựa trên tình hình diễn biến các ổ dịch, việc cập nhật, báo cáo và điều tra các ca bệnh theo quy định là rất quan trọng.
Trong đó, cần lưu ý phân tích theo thời gian, địa điểm, con người (chú ý trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai…) và so sánh với diễn biến cùng kỳ về tuần, tháng và năm trước để đưa ra phương án ứng phó phù hợp. Chú trọng các yếu tố dịch tễ nhằm xác định ca bệnh nhiễm tại chỗ hay từ nơi khác về để nhanh chóng khoanh vùng tìm ra đối tượng đích, từ đó triển khai biện pháp xử lý kịp thời, triệt để.
Sử dụng hiệu quả các công cụ hiện có như test chẩn đoán nhanh và kính hiển vi nhằm xác định chủng loại ký sinh trùng để điều trị thích hợp, tránh bệnh trở nặng và tái phát trong thời gian đến. Bên cạnh đó, cần giám sát các chỉ số liên quan đến muỗi bao gồm thành phần, mật độ muỗi để can thiệp bằng hóa chất kịp thời. Thống kê đầy đủ các đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh sốt rét như dân di biến động, chú ý dân di cư tự do, dân giao lưu qua biên giới, dân đi rừng, ngủ rẫy…
Phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền sở tại chuyển tải các thông điệp cho người dân để họ tự giác thực hiện như: bệnh sốt rét là do muỗi truyền; phòng bệnh sốt rét bằng cách thường xuyên ngủ màn tẩm hóa chất và phun tồn lưu hóa chất lên tường trong nhà; khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám chữa bệnh; uống thuốc sốt rét đủ liều và đủ ngày theo hướng dẫn của thầy thuốc. Các ngành y tế, giáo dục và đào tạo cần phối hợp tổ chức các buổi phổ biến kiến thức phòng chống sốt rét trong các trường học, tại các buổi họp dân nhằm huy động sự tham gia tích cực của các ban, ngành đoàn thể và người dân.
Đến thời điểm hiện nay, thông qua các hoạt động được triển khai hiệu quả và đồng bộ, các ổ dịch sốt rét tại huyện Hướng Hóa cơ bản được kiểm soát. Tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đều ổn định và bình phục. Việc khống chế ổ bệnh kịp thời không chỉ giúp phòng tránh các ca tử vong do sốt rét mà còn làm giảm sự lây lan, giảm số ca mắc, từng bước hướng tới mục tiêu loại trừ sốt rét, góp phần vào công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân.
Ths.Bs Lê Thạnh