Tiếp tục xây dựng và phát triển huyện điển hình văn hóa lên một tầm cao mới
* LÊ VĂN HIỀN - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)
 |
Quán triệt quan điểm, phương hướng và nhiệm vụ của Nghị quyết TƯ 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, BCH Đảng bộ huyện Vĩnh Linh (khóa XV) đã có Nghị quyết 08-NQ/HU ngày 15/10/2002 “Về việc xây dựng huyện Vĩnh Linh theo mô hình đơn vị điển hình văn hóa”. Ngày 24/4/2003, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định 713/2003/QĐ-UB phê duyệt đề án nói trên. Ngày 30/4/2003, huyện Vĩnh Linh phát động xây dựng huyện điển hình văn hóa, tạo nên một khí thế mới trong đời sống tinh thần của nhân dân. Những giá trị văn hóa truyền thống của các vùng, miền trong huyện được bảo tồn và phát huy. Các địa phương đã lấy văn hóa làm động lực thúc đẩy KT-XH phát triển. Mặt trận Tổ quốc huyện, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan, đơn vị từ huyện đến cơ sở hưởng ứng mạnh mẽ, tạo khí thế sôi nổi trong toàn thể cán bộ và nhân dân. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa theo các tiêu chí huyện điển hình văn hóa trở thành phong trào sâu rộng và có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến mỗi gia đình, mỗi người dân, mỗi dòng tộc. Qua 7 năm xây dựng đề án huyện điển hình văn hóa, đời sống tinh thần cũng như vật chất của nhân dân không ngừng được nâng lên, trật tự an toàn xã hội giữ vững, dân chủ cơ sở được phát huy, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt. Từ thị trấn đến nông thôn, từ miền núi đến đồng bằng, người dân tự nguyện đóng góp tiền của xây dựng thiết chế văn hóa, tham gia xây dựng phong trào VHVN-TDTT ở địa phương. Đến nay, toàn huyện xây dựng được 165 sân bãi hoạt động thể thao, 187 sân bóng đá, bóng chuyền, 95 cổng chào, 5 câu lạc bộ thơ nhạc, 35 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, nhiều mô hình liên kết bảo vệ tài sản, đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống các tệ nạn xã hội ra đời, 180 làng có đội văn nghệ, 50% làng, khóm phố có tủ sách, 187 trong tổng số 195 làng bản, khóm phố, 100% cơ quan, trường học phát động xây dựng đơn vị văn hóa và 100% đơn vị phát động xây dựng đều đạt đơn vị văn hóa. Toàn huyện có 95% số hộ có phương tiện nghe nhìn, trên 99% số hộ dùng điện sinh hoạt và sản xuất, 90% số hộ dùng nước sạch, trên 50% số người dân sử dụng điện thoại. Phong trào toàn dân treo ảnh Bác Hồ được phát động ở thị trấn Hồ Xá, lập tức trở thành phong trào tự giác chung của nhân dân toàn huyện. Nhiều địa phương vừa giàu về kinh tế, vừa đẹp về văn hóa, làm cho gương mặt nông thôn ngày càng tươi trẻ. Nhiều làng văn hóa mẫu mực hình thành. Những di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát triển như: “Hò chèo cạn” ở làng Tùng Luật (xã Vĩnh Giang), “nói chuyện trạng” ở xã Vĩnh Tú, “lễ hội cồng chiêng” ở xã Vĩnh Hà, “múa trống-múa côn” ở xã Vĩnh Nam, “lễ hội cầu ngư” ở Vĩnh Giang, Vĩnh Thạch, “hội đua thuyền truyền thống” ở thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Sơn, “chơi bài chòi” ở thị trấn Hồ Xá, Vĩnh Hòa, “chơi đu” ở Vĩnh Kim, “hội rằm tháng Giêng” ở Vĩnh Long...
 |
Một góc thị trấn Hồ Xá - Ảnh: HOÀNG GIANG |
Phải vượt qua nhiều khó khăn, vất vả, thiếu thốn, Vĩnh Linh mới vươn lên khẳng định mình trong các phong trào thi đua yêu nước, để hôm nay nhìn lại thành quả đạt được đáng tự hào. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Linh đến năm 2010 đạt 15%, thu nhập đầu người đạt trên 15 triệu đồng (tăng 11 triệu đồng so với năm 2003). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại - dịch vụ- công nghiệp- xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông- lâm- thủy sản. Giao thông nông thôn được bê tông hóa và nhựa hóa trên 322 km, tạo tiền đề quan trọng cho KT- XH có điều kiện phát triển nhanh và bền vững, tạo cảnh quan, môi trường văn hóa từ đô thị đến nông thôn. Giáo dục- đào tạo ở Vĩnh Linh được chăm lo cả về cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học. Hiện tại Vĩnh Linh có 474 phòng học được cao tầng hóa, 36/74 trường đạt chuẩn quốc gia; các xã, thị trấn đều thành lập trung tâm học tập cộng đồng và đi vào hoạt động có chất lượng. Các trường học đều đảm bảo môi trường xanh- sạch- đẹp. Mạng lưới y tế từ huyện xuống cơ sở được củng cố theo mô hình mới với cơ sở vật chất, trang thiết bị ngày càng tăng cường. Chương trình mục tiêu DS- KHHGĐ thực hiện có hiệu quả, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên giảm từ 1,15% năm 2003 xuống 0,8% năm 2010. Công tác chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền và các lực lượng xã hội quan tâm thường xuyên. Hàng năm, Vĩnh Linh giảm hộ nghèo gần 4%. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn gần 16% hộ nghèo theo tiêu chí mới. Công tác xây dựng đảng, chính quyền và hoạt động của các đoàn thể chính trị- xã hội đã có những đổi mới cả hình thức tổ chức cũng như chất lượng hoạt động. Đặc biệt từ năm 2007 đến nay, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong đời sống xã hội, có tác động trực tiếp và hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Qua phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa, phát triển KT-XH, nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã xuất hiện trên mọi lĩnh vực, được các cấp khen thưởng. Từ năm 2005- 2010, nhiều tập thể và cá nhân được khen thưởng các danh hiệu: Huân chương Độc lập hạng Nhì cho cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh; Cờ thi đua của Chính phủ cho cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh, cán bộ và nhân dân thị trấn Hồ Xá, Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Bến Hải, Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Linh, cán bộ và nhân dân xã Vĩnh Thủy; Huân chương Lao động các hạng cho Hội Nông dân, Hội LHPN, Bệnh viện đa khoa huyện, Đoàn TNCSHCM, Liên đoàn Lao động, Ban quản lý chợ, thị trấn Cửa Tùng, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Kim, ngành Giáo dục- Đào tạo. Lực lượng vũ trang huyện được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng III. Xây dựng và phát triển đời sống văn hóa là sự nghiệp lâu dài của toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của nhà nước. Nhân dân vừa là chủ thể thực hiện, vừa là đối tượng hưởng lợi từ kết quả của phong trào. Từ huyện điển hình văn hóa, Vĩnh Linh sẽ xây dựng xã, thị trấn điển hình văn hóa, nâng cao chất lượng làng văn hóa, đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở, trong đó đảm bảo 3 yếu tố: Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động văn hóa, thể thao; bộ máy nhân sự quản lý điều hành; lực lượng công chúng tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao và phương thức tổ chức các hoạt động đó. Vĩnh Linh, một địa phương được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Vĩnh Linh cũng là vùng quê có bề dày truyền thống văn hóa với bản sắc riêng đã được bảo tồn, phát triển từ lâu đời. Phát huy truyền thống anh hùng, kế thừa và nhân lên thành công của chặng đường đổi mới, chung sức chung lòng phát triển huyện điển hình văn hóa lên một tầm cao mới, nhất định Đảng bộ, quân và dân Vĩnh Linh sẽ xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp, trở thành đơn vị Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới.