Cao su xuất hiện “bệnh lạ”, người dân lo lắng
(QT) - Những ngày qua gia đình anh Nguyễn Văn Thử cùng các hộ dân ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) rất lo lắng vì thấy "bệnh lạ" xuất hiện trên cây cao su. Ông Nguyễn Văn Thon, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Nghĩa cho biết: “Đây là một bệnh rất lạ mà người trồng cao su chưa gặp bao giờ. Từ dấu hiệu đến quá trình diễn biến của bệnh đều rất khó nhận ra nên thuốc chữa trị chưa có. Tuy chỉ mới phát hiện 100 cây cao su trong vườn của anh Nguyễn Văn Thử ở thôn Quật Xá bị nhiễm bệnh nhưng người dân địa phương rất lo lắng vì sợ bệnh xảy ra với vườn nhà mình”. Chúng tôi về thôn Quật Xá tìm gặp anh Nguyễn Văn Thử, chủ vườn cao su có hơn 100 cây nhiễm bệnh. Anh Thử cho biết: “Vợ chồng tôi tích cóp, vay mượn đủ nơi mới gầy dựng được gần 2 ha cao su. Vườn mới đi vào khai thác chưa được bao lâu thì cây cao su mắc "bệnh lạ" nên phải dừng cạo mủ. Bệnh này chưa gặp bao giờ và hiện tại chưa có thuốc chữa trị nên vợ chồng tôi cũng như nhiều người trồng cao su ở vùng này rất hoang mang”.
 |
Kiểm tra cây cao su bị bệnh |
Theo anh Thử, cây cao su trong vườn nhà anh có dấu hiệu bị bệnh từ hơn 10 ngày nay. Ngày đầu đi cạo mủ nhìn tổng thể vẫn thấy cây xanh tốt nên anh không mấy bận tâm đến tình hình phát triển của vườn cao su nhưng sáng hôm sau khi đổ mủ thì thấy bất ngờ vì lượng mủ rất ít, lá trên ngọn bắt đầu héo úa trong khi lá cây ở các tầng khác vẫn còn xanh. Lúc đầu anh nghĩ là cây bị thiếu nước hay phân bón nhưng tiếp tục theo dõi thì thấy cây khô dần từ trên ngọn xuống, vạc thân thấy da cây thâm đen, khô và có mùi thối. Chỉ vài hôm sau đã có đến 6 cây bị chết khô và diện tích nhiễm bệnh tăng lên gần 100 cây. Lo lắng về hiện tượng này anh Thử đã trình báo chính quyền xã và Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cam Lộ để tìm cách giải quyết. Để hạn chế không để dịch bệnh lan nhanh trên diện rộng, anh Thử buộc phải dùng biện pháp cưa ngọn, tỉa cành khô với những cây mới bị bệnh, còn đối với cây đã bị nặng anh tiến hành chặt bỏ và cưa tận gốc, thậm chí trục gốc cây đó lên đem đốt để tiêu hủy nhưng vẫn chưa thể khống chế được bệnh. Hàng ngày anh thường xuyên theo dõi kỹ lưỡng những cây cận kề và các cây khác có dấu hiệu nhiễm bệnh ở vườn nhà mình để kịp thời xử lý. “Đến bây giờ tôi vẫn chưa phát hiện thêm cây nào bị nhiễm bệnh nhưng do bệnh này có dấu hiệu và diễn biến phức tạp nên quan sát bằng mắt thường rất khó để nhận ra”, anh Thử cho biết. Ông Phạm Đa, Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Cam Lộ cho biết: “Qua thực tế kiểm nghiệm ban đầu, chúng tôi thấy đây là một bệnh rất lạ vì cây chết trong khi bộ lá vẫn còn xanh. Cây bị bệnh có vỏ thối dần từ phần thượng tầng ra và làm các mạch dẫn từ trên xuống bị khô héo, thối rữa trong khi bộ rễ vẫn phát triển bình thường. Ở lá có các vết tích do hậu quả của bệnh phấn trắng gây hại”. Để khống chế dịch bệnh có thể lây lan, Trạm BVTV huyện Cam Lộ đã tiến hành thực hiện, tư vấn phương án xử lý cho bà con như: Ngưng khai thác mủ hoàn toàn ở vườn bị bệnh. Đối với các cây đã bị chết thì chặt bỏ và phải đem ra khỏi vườn đốt hủy. Đối với các cây mới bị phần ngọn, hoặc đã xuống thân nhưng chưa nhiều thì chặt bỏ phần đã bị khô, điểm chặt cách phần bị khô khoảng 20 cm, chặt vát một góc khoảng 450. Sau đó bôi mỡ vaderlin (nhằm tránh sự xâm nhập của nước cũng như các loại nấm bệnh), tiến hành phun thuốc bằng hỗn hợp thuốc Ridomil gold, vixazol, phân bón lá siêu kali. Đồng thời vệ sinh vườn sạch sẽ, thông thoáng để tránh sự phát triển và gây hại của các loại nấm bệnh khác, tiến đến khống chế dịch bệnh nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân. Trước tình hình dịch bệnh trên cây cao sự diễn biến phức tạp, huyện Cam Lộ đã phối hợp với các ban ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra, khảo sát thực tế để tìm nguyên nhân gây bệnh, đồng thời lấy mẫu cây bị bệnh gửi Viện Bảo vệ thực vật trung ương xét nghiệm nhằm tìm ra nguyên nhân chính xác nhất để có cách chữa trị và phòng bệnh hiệu quả. Hiện tại phương pháp khử độc được tiến hành rộng khắp ở những vườn cao su trong vùng có nhiễm bệnh nhằm khống chế dịch bệnh và hạn chế tối đa thiệt hại do "bệnh lạ" gây ra. Bài, ảnh: NHƠN BỐN