(QT) - Thôn Tân Xuân 1, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ những năm qua đã nỗ lực, phấn đấu để đạt chuẩn một số tiêu chí của Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Có được kết quả trên, người có công đầu trong công tác vận động quần chúng chính là chị Trần Thị Phúc, Trưởng thôn Tân Xuân 1.
![]() |
Chị Trần Thị Phúc nhận bằng công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu |
Thôn Tân Xuân 1 là địa bàn còn nhiều khó khăn, kinh tế thuần nông, trong lúc đó, để đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2020, thôn cần phải huy động nguồn kinh phí không nhỏ để xây dựng các công trình văn hóa, giao thông, chỉnh trang nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế…Đây là những nội dung đã được người dân bàn bạc, thống nhất, chi bộ cũng đã ra nghị quyết. Tuy nhiên, để biến quyết tâm chính trị thành hiện thực quả là điều không dễ.
Là một trưởng thôn, tuổi không còn trẻ, chị Phúc vẫn không ngần ngại trong công tác vận động nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Việc đầu tiên là chị cùng với ban cán sự thôn tổ chức các buổi họp dân; thông qua sinh hoạt đoàn thể để lồng ghép phổ biến chính sách, nội dung chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Để thêm tính thuyết phục, chị đến các thôn lân cận để tìm hiểu, ghi chép cách làm rồi đến với từng hộ gia đình, những người có uy tín trong thôn…kiên trì vận động, giải thích để nhân dân hiểu và cùng chung tay cùng tập thể xây dựng nông thôn mới. Để nêu gương, chị vận động gia đình và người thân làm trước, dần dần các hộ gia đình trong thôn tích cực, tự giác làm theo. Đến nay, thôn Tân Xuân 1 đã xây dựng một số công trình văn hóa, góp phần đạt chuẩn nông thôn mới như: Cổng chào, đường bê tông, mái che, sân nhà văn hóa với tổng diện tích 170 m2 ; sân bóng chuyền thôn với diện tích 300 m2 … tổng giá trị gần 800 triệu đồng. Vui mừng với diện mạo khởi sắc của quê hương, nhân dân thôn Tân Xuân 1 tiếp tục hưởng ứng sự vận động của chị Phúc đóng góp mua sắm một số thiết bị trong nhà văn hóa, xây bồn hoa công cộng, xây dựng đường mẫu, vườn mẫu, khu dân cư kiểu mẫu với nguồn kinh phí hơn 182 triệu đồng.
Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, chị đã đề xuất cấp ủy thôn phát động nhân dân đồng loạt tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm một tháng một lần; mỗi gia đình có 2 sọt thu gom rác bằng cao su hợp vệ sinh. Nhờ vậy, tất cả các trục đường trong thôn đều khang trang, góp phần đem lại cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, thông qua việc làm này, ý thức của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cao. Hiện trên địa bàn thôn có 153 gia đình đăng ký và hoàn thành việc chỉnh trang nhà cửa, 100% hộ xây dựng công trình vệ sinh. Tỉ lệ hộ nghèo của thôn còn 6,3%, tỉ lệ hộ gia đình văn hóa đạt trên 85%, nhiều năm liền thôn đạt tiêu chuẩn thôn văn hóa.
Khi phong trào “Thắp sáng đường quê” phát triển mạnh trong toàn tỉnh, chị Phúc cùng tập thể lãnh đạo thôn tuyên truyền vận động người dân đưa điện ra ngõ với quy cách thống nhất: Cột bằng ống kẽm, đồng hồ đóng ngắt tự động. Thấy được tiện ích, 100% hộ trong thôn tự giác thực hiện với tổng trị giá 60 triệu đồng. Thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”, chị Phúc vận động nhân dân không rải vàng mã trong đám tang; trong đám cưới không tổ chức ăn uống linh đình và chỉ dùng nhạc đĩa, không vui chơi quá 22 giờ, không tổ chức lãng phí...
Với tác phong nhanh nhẹn, nhiệt tình, luôn gần dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, chị Phúc luôn trăn trở suy nghĩ để đời sống của nhân dân trong thôn ngày càng được cải thiện, no ấm, hạnh phúc. Từ đó, chị cùng với các tổ chức, đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền để người dân tham gia các lớp tập huấn về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do thôn, xã tổ chức. Người dân trong thôn đã biết đổi mới cách nghĩ, cách làm, đưa cây con, giống mới có năng suất cao vào sản xuất, dần hình thành các vùng sản xuất chuyên canh như: Vùng sản xuất cây tiêu, vùng trồng cây cao su… Nhân dân tích cực chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang chăn nuôi gà thả vườn, chăn nuôi lợn bản… cho thu nhập cao hơn. Chăn nuôi đại gia súc phát triển mạnh, tổng đàn gia súc bình quân hằng năm tăng 4-5 %. Đặc biệt, nhân dân hưởng ứng tích cực đề án cải tạo đàn bò của huyện, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh kịp thời. Người dân hăng hái thi đua sản xuất, ngày càng xuất hiện nhiều điển hình trong sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Chia sẻ về kinh nghiệm vận động nhân dân, chị Phúc cho biết: “Trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã, thôn đã tổ chức nhiều cuộc họp từ các đoàn thể, chi bộ thôn đến họp toàn thôn nhằm tuyên truyền vai trò, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới. Những cá nhân còn có thắc mắc, chúng tôi sẽ đến tận nhà để tuyên truyền, giải thích. Một lần không hiểu thì tới hai lần, ba lần. Việc gì cũng vậy, có kiên trì mới thành công. Ngoài ra, tất cả các hoạt động, đóng góp tôi đều công khai để người dân trong thôn biết, bàn và kiểm tra nên nhân dân rất tin tưởng, từ đó tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi trong toàn thôn”.
Với những đóng góp của mình, chị Trần Thị Phúc đã được cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân trong thôn ghi nhận. Đó là niềm vui, niềm động viên rất lớn để chị tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Châu Minh - Như Tâm