Người tổ trưởng tận tụy
(QT) - Ở Công ty Điện lực Quảng Trị nhiều người phong cho anh biệt danh “kỷ lục” bằng khen, còn tôi mến phục gọi anh là người “mê” trực điện đêm giao thừa. Anh chính là Nguyễn Đình Cường, Tổ trưởng Tổ trực quản lý vận hành và thao tác đóng cắt ở Điện lực Đông Hà (thuộc Công ty Điện lực Quảng Trị).

Người tổ trưởng tận tụy

(QT) - Ở Công ty Điện lực Quảng Trị nhiều người phong cho anh biệt danh “kỷ lục” bằng khen, còn tôi mến phục gọi anh là người “mê” trực điện đêm giao thừa. Anh chính là Nguyễn Đình Cường, Tổ trưởng Tổ trực quản lý vận hành và thao tác đóng cắt ở Điện lực Đông Hà (thuộc Công ty Điện lực Quảng Trị).

Anh Nguyễn Đình Cường
Năm 1984 vào ngành điện, anh Cường là công nhân lắp ráp đường dây và trụ trên tuyến đường dây 500 kV. Bằng tâm huyết và khả năng phấn đấu của mình anh đã được cơ quan cho đi học Trường công nhân kỹ thuật điện Hội An để bổ túc thêm kiến thức trở về đảm trách các nhiệm vụ khó khăn hơn. Hiện nay tổ của anh gồm 10 người có nhiệm vụ trực vận hành, xử lý các sự cố xảy ra trên địa bàn quản lý và khảo sát biện pháp an toàn cho các đơn vị ngoài ngành thi công các công trình lưới điện trên địa bàn. Vì vậy, để hoàn thành nhiệm vụ cần phải có những giải pháp tổ chức, triển khai một cách khoa học, đòi hỏi có sự hợp sức, hợp lực của đội ngũ cán bộ trong tổ mà vai trò của người đứng đầu rất quan trọng. Từ suy nghĩ đó, anh Cường đã không ngừng học hỏi kiến thức, kinh nghiệm từ đồng nghiệp. Qua tìm tòi, đúc rút từ thực tiễn công tác anh đã lần lượt cho ra đời 2 sáng kiến kinh nghiệm đã được Hội đồng sáng kiến kinh nghiệm Công ty Điện lực Quảng Trị đánh giá cao và đưa vào áp dụng. Đó là sáng kiến “Hợp lý hóa công tác sản xuất ở tổ vận hành và xử lý sự cố” và sáng kiến “Tạo ra những điểm hở trong lưới trung thế dây bọc để thuận tiện cho công tác lắp đặt tiếp đất di động”. Hai sáng kiến này đã đóng góp hữu ích cho công tác điều hành và xử lý sự cố kỹ thuật vào thời điểm mà Công ty Điện lực Quảng Trị đang triển khai dự án nâng cấp và cải tạo lưới điện ở thị xã Quảng Trị và thành phố Đông Hà do ADB tài trợ. Anh Cường chia sẻ: “Sáng kiến hợp lý hóa công tác sản xuất được nảy sinh trong thời gian triển khai dự án ADB. Trước những thúc bách về tiến độ thi công, đảm bảo thuận lợi cho các nhà thầu và giữ ổn định sản lượng điện năng, trong một thời điểm có đến 6 đơn vị tổ chức thi công nên đòi hỏi công tác khảo sát biện pháp an toàn, cắt, đóng điện cho 6 đơn vị thi công đồng thời phải đảm bảo đủ sản lượng điện là điều không phải dễ. Vì vậy sáng kiến đã đưa ra giải pháp đóng cắt điện vào giờ thấp điểm, hạn chế mất phụ tải. Để làm được điều này cần phải tổ chức lại công việc một cách hợp lý. Tùy theo từng thời điểm mà huy động lực lượng cán bộ, công nhân nhiều hay ít để đảm bảo công việc diễn ra một cách nhanh chóng và an toàn. Đặc biệt khi đóng cắt điện trong giờ thấp điểm, buộc anh em phải làm vào ban đêm. Ưu điểm của giờ thấp điểm là người dân ít sử dụng điện nên vừa an toàn lại vừa đảm bảo được sản lượng điện khỏi phải hao hụt. Giải pháp này đã mang lại hiệu quả rõ nét. Đó là đảm bảo an toàn cho các đơn vị thi công trong thời gian suốt 3 năm không để xảy ra một sự cố nào và đảm bảo được sản lượng điện thương phẩm cho công ty. Bên cạnh những đóng góp tích cực và hiệu quả từ những sáng kiến kinh nghiệm của mình, anh Cường còn lập thêm một kỷ lục đó là hơn 15 năm nay trực xử lý sự cố tại cơ quan trong đêm giao thừa. Khi được hỏi về quyết định chịu thiệt thòi không đón giao thừa tại nhà cùng vợ con, gia đình, anh Cường cho biết: “Mấy năm đầu do đặc thù công việc tôi phải nhận nhiệm vụ trực giao thừa. Khi đó chưa quen nên tâm trạng cũng buồn thật khi cảm nhận không khí rộn ràng của đêm giao thừa ở các gia đình. Mình thiệt thòi đã đành nhưng vợ con mình cũng buồn lây. Nhưng mấy năm trở lại đây tôi thấy chuyện trực giao thừa bình thường. Năm nào sau ca trực mình lại trở về nhà làm “vị khách” đầu tiên “xông đất” nhà mình, đôi khi lại thấy cũng vui vui”. Vậy, có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong những lần trực điện đêm giao thừa, tôi hỏi, anh Cường kể tiếp: “Tết năm 2005, vào lúc 22 giờ đêm 30 Tết, một xe con tông thẳng vào cột điện ở đường Hàm Nghi làm sập toàn bộ lưới xuất tuyến 76 gây mất điện hơn một nửa thị xã Đông Hà lúc đó. Nhận được mệnh lệnh là phải xử lý nhanh sự cố để cấp điện trở lại trong lúc chỉ còn 2 giờ nữa là giao thừa, anh em chúng tôi phải xử lý bằng cách cắm “trụ giả” néo dây xuống đất, kéo dây trở lại để cấp điện tạm thời. Công việc thật gấp gáp và được tổ chức triển khai hợp lý, hiệu quả nên chúng tôi hoàn thành việc cấp điện trở lại vừa lúc giao thừa trong niềm hân hoan của người dân”. Qua những công việc như thế, tôi nhận ra rằng đằng sau sự hy sinh thầm lặng của anh Cường và đồng nghiệp là đem đến niềm vui, hạnh phúc cho nhiều người. Điều đó đã tiếp thêm nghị lực và sức mạnh giúp anh Cường luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, liên tục gặt hái được nhiều thành tích, nhiều năm liền đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, vinh dự được nhận kỷ niệm chương của ngành và rất nhiều bằng khen, giấy khen của Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương và trong năm 2014 anh Cường vinh dự là 1 trong 54 người, đại diện cho gần 6 vạn CB-CNV-LĐ trên toàn tỉnh được tuyên dương CB-CNV-LĐ tiêu biểu của tỉnh Quảng Trị trong 5 năm (2009-2014). Khi được hỏi về những dự định trong tương lai, anh Cường chỉ cười nói rằng: “Tôi luôn phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một người tổ trưởng, tổ chức hoạt động sản xuất tốt, đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản, hạn chế thấp nhất và xử lý nhanh các sự cố lưới điện xảy ra…” Bài, ảnh: NGUYÊN KHA