Giữ vững tiêu chí nông thôn mới, mối quan tâm lớn ở xã Triệu Phước
(QT) - Sau hơn 1 năm cán đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được triển khai, nhân rộng góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để chương trình thực sự có hiệu quả bền vững thì việc giữ vững và phát triển các tiêu chí là điều quan trọng, nhất là những tiêu chí dễ biến động như: thu nhập, môi trường..., đây là mối quan tâm lớn nhất của xã ...

Giữ vững tiêu chí nông thôn mới, mối quan tâm lớn ở xã Triệu Phước

(QT) - Sau hơn 1 năm cán đích chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn xã Triệu Phước (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) có nhiều khởi sắc. Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả đã được triển khai, nhân rộng góp phần tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để chương trình thực sự có hiệu quả bền vững thì việc giữ vững và phát triển các tiêu chí là điều quan trọng, nhất là những tiêu chí dễ biến động như: thu nhập, môi trường..., đây là mối quan tâm lớn nhất của xã Triệu Phước. Ông Nguyễn Vũ Sỹ, Chủ tịch UBND xã Triệu Phước cho biết, chương trình NTM đã mang lại nhiều đổi thay cho địa phương, mọi mặt đời sống của người dân nơi đây cũng được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, để duy trì được đà tăng trưởng, giữ vững và phát triển những tiêu chí đã đạt được là một vấn đề không hề dễ. Chỉ ra những ví dụ cụ thể, ông Sỹ cho biết thêm, chẳng hạn như tiêu chí môi trường, vào thời điểm đạt chuẩn cuối năm 2015, toàn xã Triệu Phước có 100% hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh. Đường làng, ngõ xóm, cảnh quan từng hộ xanh- sạch- đẹp, không có các hoạt động làm suy giảm môi trường. Nghĩa trang liệt sĩ có quy hoạch và quản lý theo quy định. Toàn xã có 13/13 làng xây dựng thành công mô hình “Làng vệ sinh môi trường”, có đội thu gom và xử lý rác thải tập trung theo quy định với tổng nguồn vốn đầu tư cho vệ sinh môi trường đạt trên 1,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau thời điểm đạt chuẩn NTM, vấn đề vệ sinh môi trường ở địa phương lại gặp một số khó khăn, nhất là việc xử lý rác thải. Địa phương đã quy hoạch điểm thu gom, tập kết rác thải đúng theo quy định là phải xa khu dân cư để bảo vệ môi trường. Nhưng do xa khu dân cư, lối vào nhỏ nên xe ô tô vận chuyển rác không vào được tận bãi rác. Rác chủ yếu được các thôn tập kết bằng xe kéo, các loại xe thô sơ. Không có đường vận chuyển rác thải đến xử lý tại điểm tập trung của huyện nên toàn bộ nguồn rác của địa phương chủ yếu được xử lý tại chỗ bằng các phương pháp thủ công như đốt, chôn lấp... gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Phát động xây dựng nông thôn mới ở xã Triệu Phước (Triệu Phong)

Không chỉ gặp vướng mắc ở tiêu chí môi trường, tiêu chí về trường học cũng đang gây khó cho xã Triệu Phước. Để hoàn thành chương trình xây dựng NTM, địa phương đã tranh thủ các nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học với nguồn vốn trên 6,9 tỷ đồng. Đến nay, các trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, mức độ 2. Khi Sở GD và ĐT đến kiểm tra để công nhận tiêu chí đạt chuẩn, những trường đạt chuẩn từ năm 2005 vẫn được công nhận và có hồ sơ thẩm định đạt. Tuy nhiên, do thời gian đạt chuẩn đã trên 10 năm nên một số trường đến thời điểm hiện tại cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp. Trong lúc đó, do xã đã đạt chuẩn NTM nên các nguồn hỗ trợ gần như không còn, đa phần địa phương phải dựa vào nguồn vốn huy động tại chỗ để thực hiện. Đối với tiêu chí giao thông, đến thời điểm cuối năm 2015, toàn xã có 100% đường trục xã, liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; các tuyến đường liên thôn, đường ngõ xóm, giao thông nội đồng đều đạt chuẩn theo chương trình xây dựng NTM. Tuy nhiên, đối với một số tuyến đường giao thông được làm trước thời điểm triển khai chương trình xây dựng NTM có chiều rộng mặt đường hẹp, không đạt chuẩn, nhiều đoạn đã xuống cấp, gây khó khăn cho việc đi lại và lưu thông hàng hóa tại địa phương. Là xã bãi ngang ven biển, Triệu Phước luôn quan tâm đến việc duy trì và phát triển các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM, trong đó có tiêu chí thu nhập. Theo đó, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia lao động, sản xuất; chuyển đổi ngành nghề phù hợp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây con, giống mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi...để nâng cao thu nhập. Tính đến cuối năm 2015, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 25,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,26%. Nhưng thời gian qua do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển đã làm cho trên 500 lao động tại địa phương có liên quan đến nghề khai thác thủy sản bị ảnh hưởng, thu nhập gặp nhiều khó khăn. Việc chuyển đổi sinh kế cho người dân phải cần một thời gian nhất định để thực hiện nên chưa giải quyết được những khó khăn trước mắt. Bên cạnh đó, hơn 400 lao động khác đang tham gia lao động sản xuất tại nước bạn Lào cũng đang gặp nhiều khó khăn từ sau khi Lào đưa vào áp dụng nhiều chính sách mới. Thu nhập của lao động địa phương giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến bình quân thu nhập chung của toàn xã, số hộ nghèo có khả năng sẽ tăng lên so với thời điểm xã đạt chuẩn NTM. Được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, điều dễ nhận thấy ở xã Triệu Phước là bức tranh nông thôn ngày càng khởi sắc, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh hơn. Nhưng làm gì để duy trì, nâng cao chất lượng cho các tiêu chí dễ biến động luôn là bài toán khó mà các xã đạt chuẩn NTM cần phải tìm ra lời giải phù hợp. Thực tế cho thấy, việc xây dựng NTM tại các địa phương sau giai đoạn đạt chuẩn sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều, nhất là về nguồn vốn. Cùng với đó là yêu cầu của tiêu chí NTM cũng sẽ cao hơn trước. Do vậy, thiết nghĩ để giữ vững và từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí, ngoài quyết tâm cao, sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, rất cần sự góp sức của toàn xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt từ chính những người dân, những chủ thể của chương trình xây dựng NTM. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể, chính trị-xã hội cũng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hướng đến cuộc sống lành mạnh, văn minh ở vùng nông thôn...Đây sẽ là động lực quan trọng để các xã NTM có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục giữ vững thành tích trong các năm tiếp theo. Bài, ảnh: THANH LÊ