Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc tại Quảng Trị
(QT) - Ngày 11/4/2013, đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội do đồng chí Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dẫn đầu đã tiến hành khảo sát thực địa tình hình hoạt động của các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và một số nội dung thẩm tra Luật Xây dựng (sửa đổi). Cùng tham dự các buổi làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Quân Chính, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện một số sở, ban ngành liên quan.
 |
Đoàn công tác Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội kiểm tra thực địa Công trình Thủy điện Quảng Trị |
Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa công trình Thủy điện Quảng Trị. Công trình Thủy điện Quảng Trị có công suất 64 MW được vận hành và cấp nước nông nghiệp, phòng lũ, sản xuất điện vào lưới điện Quốc gia vào quý IV/2007. Tính đến 31/12/2012, công trình đã có 5 năm vận hành thương mại, điện lượng phát bình quân mỗi năm đạt 285 triệu kWh, tăng hơn 30% so với năng lực thiết kế. Giờ phát điện cực đại nhiều năm hơn 5000h/ năm, vượt thiết kế đến 47% thời lượng giờ phát điện, thể hiện tính hiệu quả của công trình, là một trong những nhà máy thủy điện có số giờ vận hành cao của hệ thống điện Quốc gia. Tổng lũy kế điện lượng phát lên hệ thống điện Quốc gia 1,5 tỷ kWh điện. Hồ chứa thủy điện Quảng Trị đã điều tiết nguồn nước hợp lý vì vậy gặp những năm hạn hán nặng nhưng hồ chứa vẫn có nước để phát điện và phục vụ sản xuất. Hàng năm theo tính toán nguồn nước qua tổ máy bình quân từ 400 triệu m 3 /năm, sau khi chảy qua tổ máy phát điện có gần 200 triệu m 3 /năm là nước hữu ích cho nông nghiệp tích vào hồ thủy lợi Nam Thạch Hãn và cấp nước liên tục cho các vụ đông xuân và hè thu gần 20.000 ha/năm. Đây là giá trị hữu ích vô cùng lớn đối với nông nghiệp mà công trình đã mang lại. Bên cạnh đó, công tác phòng chống lụt bão, việc quản lý vận hành an toàn hồ đập luôn được chú trọng. Công tác kiểm tra, sửa chữa, tu bổ các thiết bị công trình, cơ sở vật chất, nhà xưởng, đường vận hành trước mùa mưa lũ, công tác quan trắc, đánh giá ổn định hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ đã được thực hiện định kỳ. Việc xả lũ định kỳ hàng năm được tổ chức hợp lý, tránh được hiện trạng tăng lũ ở vùng hạ du. Nhờ quản lý, vận tốt công trình nên hiệu quả kinh tế mang lại khá cao. Liên tục trong nhiều năm qua, Công ty là một trong 2 đơn vị có mức nộp ngân sách cao nhất, bình quân 25 tỷ đồng/năm; nộp phí dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 92/NĐ-CP bình quân 5 tỷ đồng/năm, là đơn vị đầu tiên ở miền Trung nộp phí dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Công ty đã thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa và từ thiện xã hội do ngành và địa phương phát động mỗi năm gần 100 triệu đồng. Theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 18 dự án thủy điện vừa và nhỏ với tổng công suất 103,9 MW đã được phê duyệt. Sau khi rà soát, UBND tỉnh đã đưa ra khỏi quy hoạch 3 dự án do ảnh hưởng đến rừng phòng hộ và chiếm nhiều diện tích đất sản xuất. Đến nay, có 9 dự án đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, trong đó có 3 dự án đã đi vào vận hành. Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đều phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp của địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy công nghiệp phát triển. Đặc biệt nhiều công trình ở miền núi đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng dự án và góp phần tăng thu ngân sách cho địa phương. Bên cạnh đó các hồ chứa thủy điện có công suất lớn đã cải thiện được điều kiện khí hậu, môi trường sinh thái. Tuy nhiên hiện nay có một số dự án đã tạm ngưng hoặc chậm tiến độ do biến động về kinh tế và thắt chặt tín dụng nên chủ đầu tư không huy động được vốn đầu tư; một số dự án chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng vướng mắc về thủ tục hành chính, đặc biệt là điều kiện tích nước hồ chứa phát điện, vì vậy đề nghị Bộ Công Thương quy định cụ thể hơn về điều kiện tích nước hồ chứa thủy điện. Về những nội dung thẩm tra Luật Xây dựng (sửa đổi), UBND tỉnh đã giao cho các sở, ban, ngành tham gia góp ý trên từng nội dung, điều luật. Đây là bộ luật quan trọng, cần được xây dựng một cách khoa học, chặt chẽ và gắn liền với thực tiễn cuộc sống, tránh tập trung hóa, thị trường hóa cách quản lý các nguồn vốn khác nhau, tăng cường vai trò quản lý giám sát của các cơ quan chức năng trong suốt quá trình đầu tư dự án, đồng thời nhấn mạnh đến vấn đề tiền kiểm các dự án sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh, thay mặt đoàn công tác, đồng chí Lê Quang Huy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội đánh giá cao công tác quản lý, giám sát các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Trong điều kiện là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển nhưng Quảng Trị vẫn giữ quan điểm không chạy theo việc phát triển thủy điện mà kiên quyết loại bỏ những công trình không đảm bảo các điều kiện về đất đai, môi trường. Hiệu quả hoạt động của Công trình Thủy điện Quảng Trị kể từ khi vận hành cho đến nay đã cho thấy sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc phát điện thương mại và phục vụ nhiệm vụ cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đảm bảo 2 mục tiêu, nhiệm vụ trên, Công ty Thủy điện Quảng Trị còn chú trọng đến công tác trồng rừng và bảo vệ môi trường trên địa bàn. Đây là một trong những dự án thủy điện phát huy được hiệu quả đầu tư so với các công trình thủy điện hiện nay trên cả nước. Qua chuyến khảo sát thực địa, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội có thêm những cơ sở quan trọng trong việc thẩm định, giám sát hiệu quả các công trình thủy điện, công tác đảm bảo an toàn (thẩm thấu nước) trong vận hành công trình, việc điều tiết nguồn nước cho các công trình thủy điện kề cận, vấn đề bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc ổn định cuộc sống của người dân tái định cư... Từ đó kiến nghị, đề xuất với Quốc hội một số chủ trương đối với công tác quy hoạch, phát triển các công trình thủy điện trên cả nước . Tin, ảnh: H.N.K