* PHAN VĂN LINH, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong
Thành tựu nổi bật và quan trọng nhất của huyện Triệu Phong trong nhiệm kỳ 2015- 2020 đó là nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hằng năm đạt 11,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng. Dự tính thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 52,5 triệu đồng.
Để đạt được kết quả đó, trên cơ sở thế mạnh của từng vùng, huyện Triệu Phong tích cực chuyển đổi hình thức sản xuất, xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiêu biểu như mô hình lúa theo hướng canh tác tự nhiên, sản xuất lúa hữu cơ và bán hữu cơ, mô hình canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Vùng gò đồi, diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả huyện chuyển đổi sang một số loại cây trồng mới như dứa nguyên liệu, cây dược liệu, na Thái Lan, sâm Bố Chính. Vùng ven biển, cùng với mở rộng diện tích nuôi tôm và từng bước ứng dụng khoa học công nghệ để nuôi tôm cao triều vùng bãi ngang, nuôi tôm an toàn sinh học, nuôi tôm theo hình thức ương nuôi 2 giai đoạn; địa phương còn chuyển đổi cây trồng phù hợp trên vùng cát như trồng ném, kiệu, mướp đắng, đậu đen xanh lòng. Một số sản phẩm nông nghiệp của huyện đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, tiêu biểu như gạo sạch Triệu Phong đã xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận; dưa hấu Long Quang, gà sạch Triệu Thượng, đậu đen xanh lòng Triệu Vân đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể.
Từ các nghị quyết chuyên đề về nông nghiệp đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Trong 5 năm qua, tổng kinh phí huy động xây dựng NTM đạt 928,044 tỉ đồng nên kết cấu hạ tầng kinh tếxã hội nông thôn từng bước được đầu tư hoàn thiện. Phấn đấu đến cuối năm 2020, huyện Triệu Phong có 12/17 xã đạt chuẩn NTM, đạt 70,59%, các xã còn lại đạt 16 tiêu chí trở lên.
Một nhiệm vụ trọng tâm được Đảng bộ huyện Triệu Phong hết sức quan tâm trong nhiệm kỳ qua đó là tăng cường thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp (CN). Đến nay, huyện đã thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đưa vào khai thác các cụm, điểm CN. Riêng Cụm CN Ái Tử có 13 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho hơn 600 lao động; Cụm CN đông Ái Tử đã có 16 dự án được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký 726,69 tỉ đồng, 9 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, trong đó có 3 nhà máy may dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2020, đầu năm 2021. Bên cạnh đó, công tác khuyến công được tăng cường, các ngành nghề, làng nghề truyền thống tiếp tục được duy trì và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn có 112 doanh nghiệp, 1.003 hộ kinh doanh cá thể, thu hút 4.540 lao động.
Đặc biệt, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị trong chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Triệu Phong tích cực phối hợp với các ngành chức năng thực hiện quản lý theo Đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị và quy hoạch chi tiết giai đoạn 2 được phê duyệt. Chủ động phối hợp thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến thăm dò, khảo sát đầu tư. Có 3 dự án đã khởi công gồm bến cảng CFG Nam Cửa Việt, kho xăng dầu Việt- Lào, hệ thống cấp nước Khu kinh tế Đông Nam.
![]() |
Cửa hàng giới thiệu nông sản sạch Triệu Phong ở thành phố Đông Hà. Ảnh: PV |
Lĩnh vực văn hóa- xã hội có nhiều tiến bộ, giáo dục và đào tạo, y tế có bước phát triển toàn diện. Chương trình giảm nghèo bền vững được thực hiện tích cực, đồng bộ, tỉ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 1,8%, dự tính đến cuối năm 2020 còn 3,61%. Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng- an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Trên cơ sở những thành quả đạt được, trong nhiệm kỳ tới, huyện Triệu Phong tiếp tục tập trung khai thác tốt thế mạnh về nông nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế theo vùng; tập trung sản xuất các sản phẩm chủ lực; đẩy mạnh liên kết hóa, doanh nghiệp hóa trong tất cả các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục phát huy nội lực, sức đóng góp của Nhân dân, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đảm bảo đồng bộ, hoàn thành các tiêu chí về kết cấu hạ tầng trong xây dựng NTM. Đối với những xã đã đạt chuẩn NTM, tiếp tục duy trì vững chắc kết quả đạt được. Tập trung chỉ đạo những xã có điều kiện đạt chuẩn NTM, NTM kiểu mẫu theo lộ trình kế hoạch.
Phát triển CN- tiểu thủ công nghiệp và thương mạidịch vụ được huyện xác định là nhiệm vụ quan trọng tạo đột phá trong tăng trưởng kinh tế. Theo đó, tiếp tục tăng cường công tác quản lý và tập trung khai thác hiệu quả Cụm CN Ái Tử, Cụm CN đông Ái Tử, Điểm CN - làng nghề sản xuất bún Thượng Trạch, Linh Chiểu. Chú trọng đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng Điểm CN- làng nghề chế biến mắm, ruốc xã Triệu Lăng, Điểm CN- làng nghề thị trấn Ái Tử, các cơ sở sản xuất CN- TTCN. Tích cực phối hợp, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, triển khai các dự án tại Khu kinh tế Đông Nam.
Bên cạnh đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng thương mại- dịch vụ đã quy hoạch. Phát triển thương mại- dịch vụ dọc Quốc lộ 1, Quốc lộ 49C, khu vực phía đông thị trấn Ái Tử. Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng chợ nông thôn. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Triệu Phong là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nơi có địa hình đa dạng với gò đồi, sông ngòi, bãi biển đẹp, nhiều di tích lịch sử, văn hoá, tâm linh. Để khai thác tốt tiềm năng của ngành này, địa phương sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế, doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng, kinh doanh du lịch tại hồ Ái Tử, hồ Sắc Tứ, bãi tắm Nhật Tân, khu vực Bắc Phước... gắn với khai thác giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, làng nghề truyền thống. Phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ven biển gắn với khai thác lợi thế Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Phấn đấu duy trì tốp đầu của tỉnh về chỉ số cải cách hành chính để cải thiện môi trường đầu tư. Đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện. Phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trước năm 2025...