(QT) - Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, vừa qua, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ là đơn vị đầu tiên trong tỉnh triển khai trồng dứa nguyên liệu trên những diện tích đất trồng hoa màu và trồng rừng kém hiệu quả. Người dân địa phương rất háo hức và đặt nhiều kỳ vọng vào mô hình này.
![]() |
Xã Cam Thủy, Cam Lộ là địa phương đầu tiên triển khai mô hình trồng dứa nguyên liệu |
HTX Thủy Đông, xã Cam Thủy là đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện thí điểm mô hình trồng dứa trên địa bàn thôn Thiện Chánh trên diện tích hơn 10 ha với sự tham gia của 3 nhóm hộ gồm 31 thành viên. Trước đây, vùng đất này được thành viên HTX thuê để trồng rừng keo với chu kỳ khoảng 6-7 năm mới thu hoạch. Theo anh Nguyễn Ngọc Ánh, người từng sở hữu hơn 4 ha rừng thì bình quân mỗi héc ta rừng trồng bán được khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí thuê đất của HTX là 10 triệu đồng, còn lại chia bình quân thì mỗi năm được khoảng 10 triệu đồng.
Khi nghe về chủ trương trồng dứa nguyên liệu của tỉnh, bước đầu người dân cũng rất băn khoăn bởi tuy dứa là loại cây quen thuộc nhưng lâu nay người dân chỉ trồng xen canh với các loại cây khác và cũng không ứng dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất mang lại thấp. Để người dân đồng tình tham gia thực hiện mô hình, chính quyền địa phương cùng với HTX tích cực tổ chức họp dân, tuyên truyền vận động người dân khai thác 20 ha đất trồng cây lâm nghiệp để chuyển đổi sang trồng dứa nguyên liệu.
Ông Nguyễn Văn Lục, Giám đốc HTX Thủy Đông cho biết: “Sau khi các hộ dân đồng tình tham gia, chúng tôi tiến hành thuê máy móc cày ủi đất. Đối với diện tích đất đã trồng rừng trước đây thì khâu làm đất tốn kém, chi phí cao hơn với khoảng 12,5 triệu đồng/ ha. Tuy nhiên với triển vọng của mô hình trồng dứa nguyên liệu, người dân rất tin tưởng và phấn khởi bắt tay thực hiện, hi vọng sẽ có kết quả tốt”. Cây dứa có qui trình sinh trưởng và phát triển kéo dài từ 18 - 24 tháng thì thu hoạch tùy theo từng thời vụ, được trồng hai vụ hè thu và đông xuân.
Theo tính toán, đối với mỗi héc ta dứa, chi phí đầu tư cho giống, phân bón, công làm đất khoảng 100 triệu/ha. Dự thu năng suất từ 40 - 50 tấn/ha, mỗi cân dứa khoảng 4.000 đồng, ước tính mỗi năm 1 ha dứa, người dân thu thấp nhất là 160 triệu đồng/ năm, trừ chi phí còn khoảng 60 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng rừng và các loại cây hoa màu khác. Thuận lợi lớn nhất là Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao sẽ hỗ trợ cho người dân vay vốn bằng hình thức cung ứng phân bón, giống và được trả sau khi thu sản phẩm, đồng thời cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai trồng, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao cử cán bộ kỹ thuật về tổ chức các lợp tập huấn và hướng dẫn tận tình cho bà con. Theo ông Đinh Văn Thuận, cán bộ kỹ thuật nguyên liệu của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao, với giống dứa Queen trồng thâm canh trên các chất đất, bình quân cho năng suất ít nhất 35 tấn/ha, riêng trồng trên đất ruộng thâm canh đạt trên 50 tấn/ha. Đối với vùng đất Cam Thủy, Cam Lộ, chất đất ban đầu đảm bảo cho cây dứa sinh trưởng tốt.
Về lâu dài khi vùng nguyên liệu ổn định khoảng 1.000 ha, công ty sẽ xây dựng nhà máy chế biến quả dứa tại Quảng Trị nhằm giảm chi phí vận chuyển, gia tăng thu mua sản phẩm cho nông dân. Sau xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ sẽ tiếp tục triển khai trồng dứa tại xã Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Tuyền với tổng diện tích khoảng 100 ha. Ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ cho biết thêm: “Là đơn vị được lựa chọn triển khai đầu tiên trong toàn tỉnh, huyện Cam Lộ quyết tâm thực hiện hiệu quả dự án trồng dứa nguyên liệu theo chủ trương của UBND tỉnh.
Thời gian qua, UBND huyện đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn bạc giải pháp thực hiện cũng như tăng cường chỉ đạo sát sao Phòng Nông nghiệp và chính quyền các địa phương tham gia chuẩn bị tốt nhất các điều kiện như tuyên truyền vận động người dân, tổ chức khai thác rừng và thu hoạch các loại hoa màu kém hiệu quả để giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, huyện đã trích từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp năm 2017 để hỗ trợ cho người dân 1,5 triệu đồng/ha khi tham gia thực hiện dự án này”.
Bên cạnh sự quyết tâm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng của tỉnh cũng tích cực hỗ trợ người dân để dự án trồng dứa nguyên liệu đạt được năng suất, hiệu quả như mong đợi. “Cùng với phía Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát hướng dẫn bà con cách trồng và chăm sóc cây dứa.
Sắp tới chúng tôi sẽ tiến hành tổ chức hội nghị đầu bờ, hướng dẫn người dân cách xử lý các đối tượng sâu bệnh nếu có trong quá trình cây dứa sinh trưởng và phát triển để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất chất lượng cây trồng”, ông Trần Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chia sẻ. Với việc đưa giống dứa Queen vào trồng với quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật để cung ứng nguyên liệu sản xuất cho Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Dao, người nông dân Cam Lộ nói riêng và nông dân một số huyện trong tỉnh được chọn tham gia dự án nói chung đang chuyển dần hình thức canh tác hướng tới nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích, tạo việc làm và nâng cao thu nhập.
Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ trồng hơn 1.000 ha dứa nguyên liệu, trước mắt trong năm 2017 sẽ trồng 140 ha. Với tiềm năng về đất đai, khí hậu cũng như định hướng của tỉnh là xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật gắn với liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dứa, thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, mô hình trồng dứa nguyên liệu hứa hẹn sẽ mở ra tương lai tốt đẹp cho ngành nông nghiệp cũng như người dân địa phương.
Thanh Trúc