Sức hút từ nghệ thuật ghép dán Découpage
(QT) - Chỉ với một miếng dán nhiều màu sắc, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã “lột xác”, trở nên độc đáo và mới lạ. Điều đặc biệt ấy được tạo ra từ nghệ thuật ghép dán Découpage. Đây cũng chính là hướng đi mới trên con đường thoát nghèo của người dân huyện Đakrông (Quảng Trị). Học làm... nghệ sĩ Ông Hồ Văn Cư, trú tại thôn Làng cát, xã Đakrông, huyện Đakrông ngắm nghía chiếc bình hoa làm từ ống tre, phía ngoài được dán cẩn thận bằng loại giấy mịn, in những hoa văn đẹp mắt. Một hồi, ông gật gù bảo: “Không ngờ chỉ dán một tấm giấy thích hợp mà chiếc bình trở nên độc đáo đến vậy. Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Cứ ở nhà, chắc mình chẳng bao giờ biết đến nghệ thuật ghép dán Découpage cũng như cách làm cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ thêm phần giá trị”.
 |
Ông Chang Fu Seng giới thiệu với người dân địa phương chiếc chổi đót được cải tiến để phù hợp hơn với cuộc sống |
Thực ra, ông Hồ Văn Cư là nghệ nhân khá nổi tiếng trong vùng. Dưới bàn tay khéo léo của ông, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống đã ra đời như: A chói, A điên, nhạc cụ, đồ gia dụng… Thế nhưng, hầu hết sản phẩm ông Hồ Văn Cư làm chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình. Ở chợ huyện, giá bán của các sản phẩm chỉ bằng phân nửa công sức ông đổ ra. Trước thực tế ấy, nhiều năm qua, ông Cư luôn đứng ở thế dùng dằng giữa sự mưu sinh và quyết tâm giữ nghề truyền thống. Đó cũng chính là lí do thúc giục ông tham gia lớp học thiết kế và sản xuất các sản phẩm sáng tạo văn hóa cao cấp. Ngay buổi đầu, thầy giáo Chang Fu Seng đã nắm chặt tay, hứa sẽ giúp ông Cư tìm ra hướng đi mới cho nghề thủ công truyền thống. Trong lớp thiết kế và sản xuất các sản phẩm sáng tạo văn hóa cao cấp, chị Hồ Thị Táo là một trong những học viên xuất sắc nhất. Chỉ trong thời gian ngắn, chị đã làm nên nhiều sản phẩm đẹp như: Móc khóa, hộp đựng đồ trang điểm, bình hoa, giá để ipad và điện thoại… Vừa lựa chọn giấy dán, chị Táo vừa chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ biết đến cái cuốc, cái rựa thôi. Ngày nào cũng lăn lộn rẫy nương mà nỗi lo thiếu đói cứ canh cánh mãi. Thú thật, chưa bao giờ tôi có thể nghĩ mình làm ra được những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đẹp, có tính ứng dụng cao thế này. Tôi tin, nếu gắn bó với công việc, chắc chắn mình sẽ có thu nhập ổn định để lo cho gia đình”. Ngay từ khi đăng ký tham gia khóa học, những người như ông Cư, chị Táo không ngờ mình có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật ghép dán Découpage. Đây là bộ môn nghệ thuật thịnh hành ở nhiều quốc gia trên thế giới. Découpage có nguồn gốc từ thế kỷ 15 do anh em nhà Martin, người Pháp nghiên cứu. Buổi đầu, họ sáng tạo các loại giấy bền, được in ấn cẩn thận. Sau đó, anh em nhà Martin dùng chất kết dính thích hợp để dán miếng giấy có hình ảnh độc đáo lên sản phẩm mình ưa thích. Từ bước đi sơ khởi ấy, nghệ thuật ghép dán Découpage nhanh chóng phát triển. Dưới sự trợ giúp của công nghệ hiện đại, các sản phẩm in ấn ngày càng đẹp mắt, có nhiều hiệu ứng và nhanh khô khi tiếp xúc với keo dán. Ông Chang Fu Seng chia sẻ: “Nói một cách đơn giản, nghệ thuật Découpage là cắt bất kỳ hình ảnh nào bạn yêu thích để dán lên mọi thứ mình muốn. Chỉ cần nắm được các kỹ thuật của nghề thì mọi người đều có thể làm mới, tái sử dụng những vật dụng đã cũ hoặc bị vứt đi. Vật liệu để dán có khắp nơi, chỉ cần nghệ nhân có sự khéo léo và trí tưởng tượng”. Dưới sự hướng dẫn tận tình của 3 chuyên gia, sau gần 4 tháng, các học viên ở huyện Đakrông đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất để thiết kế và sản xuất sản phẩm sáng tạo văn hóa cao cấp. Chị Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: “Mình rất vui khi làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng nhiều loại vật liệu khác nhau. Đặc biệt, mình và các học viên trong lớp được cung cấp loại giấy dán rất đặc biệt, bền, đẹp để thỏa sức làm mới vật dụng. Với công việc này, thầy giáo thường nói, anh em mình đang học làm… nghệ sĩ”. Sau quá trình đào tạo, các học viên đã cho ra đời nhiều sản phẩm đẹp, độc đáo. Đặc biệt, họ say mê nghề lúc nào không hay. Nói như em Võ Hoàn, một học viên trẻ nhất lớp: “Em làm ngày, làm đêm, cưa cưa, đục đục, sấy sấy, dán dán mà không biết chán”. Một mũi tên, trúng nhiều đích Mới đây, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ được “thổi hồn” bởi nghệ thuật ghép dán Découpage đã được trưng bày tại Khu du lịch cộng đồng Ka Lu. Từ nhiều xã lân cận, người dân đến để mục sở thị, học hỏi kinh nghiệm rất đông. Ai cũng trầm trồ khi thấy những sản phẩm đẹp mắt được làm từ bàn tay của những nông dân ở miền sơn cước. Trong khi đó, một số người chép miệng tiếc rẻ khi không tham gia khóa học. Chị Hồ Thị Lan, một người dân xã Đakrông chia sẻ: “Vì ngại đi học xa, ít có thời gian chăm sóc chồng con nên mình từ chối tham gia lớp học. Giờ nghĩ lại mới thấy tiếc”. Được biết, lớp học thiết kế và sản xuất các sản phẩm sáng tạo văn hóa cao cấp là một hợp phần trong dự án nhân đạo “Tạo thu nhập và giảm nghèo tại Việt Nam” do Hiệp hội Xúc tiến nghề thủ công Mẫn Ái (Đài Loan) tài trợ. Dự án được triển khai tại huyện Đakrông, kéo dài đến hết tháng 8/2016 với tổng trị giá hơn 330.000 USD. Với mong muốn hỗ trợ địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, Hiệp hội Mẫn Ái đã lên phương án đào tạo nhân lực làm các ngành nghề truyền thống như: Mây tre đan, dệt thổ cẩm, làm chổi đót, rượu cần... Sau khi được đào tạo, người dân sẽ trở thành những người thợ có trình độ cao, thậm chí là giảng viên hạt giống. Điều đáng ghi nhận là dự án “Tạo thu nhập và giảm nghèo tại Việt Nam” tập trung vào đối tượng thất nghiệp hoặc thu nhập thấp. Không dừng lại ở dạy nghề, Hiệp hội Xúc tiến nghề thủ công Mẫn Ái còn cung cấp các loại máy móc, trang thiết bị, giấy dán... để học viên sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, Hiệp hội sẽ thu mua sản phẩm nếu học viên có nhu cầu để xuất khẩu sang Nhật Bản và các nước trong khu vực. Em Võ Hoàn chia sẻ: “Vừa qua, em không thi đỗ đại học nên phải ở nhà để phụ giúp bố mẹ. Tham gia khóa đào tạo, em cảm giác có một cánh cửa mới mở ra với mình. Giờ thì em có thể làm việc mình yêu thích. Hơn nữa, căn cứ vào giá của sản phẩm và mức chiết khấu, thu nhập hàng tháng của em có thể lên đến 5 triệu đồng”. Với các hoạt động trong khuôn khổ dự án, Hiệp hội Xúc tiến nghề thủ công Mẫn Ái còn mang lại vận hội mới cho ngành nghề thủ công mỹ nghệ ở huyện Đakrông. Lâu nay, vì không có thị trường tiêu thụ cộng với việc chưa nắm bắt được thị hiếu khách hàng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ do người dân địa phương làm ra thường chỉ phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bà con. Vì không mang lại thu nhập nên số nghệ nhân gắn bó với nghề cũng rơi rụng dần. Giờ đây, nếu chịu khó học tập, sáng tạo, người dân địa phương có thể làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu thông qua Hiệp hội Xúc tiến nghề thủ công Mẫn Ái. Bà Hồ Thị Kim Cúc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Hầu hết người dân huyện Đakrông đều hay lam, hay làm. Tuy nhiên, do trình độ dân trí còn hạn chế, thiếu vốn làm ăn… nên bà con còn gặp nhiều khó khăn. Nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội Mẫn Ái trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm, cuộc sống người dân chắc chắn sẽ ổn định hơn”. Tại buổi trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang nét truyền thống và hiện đại, các học viên như ông Cư, chị Táo, chị Phượng, em Hoàn… đã nhiệt tình giới thiệu, hướng dẫn mọi người về nghệ thuật ghép dán và cách làm đồ thủ công mỹ nghệ. Đáng mừng là ai cũng thấy công việc này không quá khó so với tưởng tượng. Khi ra về, nhiều người nói, sau này, khi Hiệp hội Xúc tiến nghề thủ công Mẫn Ái mở lớp học thứ hai, họ sẽ tham gia. Bài, ảnh: TRƯƠNG QUANG HIỆP