Sống trong nỗi lo trôi nhà
(QT) - Nhiều năm nay, mỗi khi mùa mưa lũ về là người dân xóm Mới, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) luôn nơm nớp sống trong nỗi lo bị trôi nhà. Tiền bạc, của cải, đồ dùng gia đình tích cóp mua sắm được trong năm lần lượt "đội nón ra đi" theo chân nước lũ.  Khu “phố giữa làng” của gần 50/83 hộ dân xóm Mới được xây dựng khang trang nằm bên trục đê ngăn cát kiêm đường giao thông chính chạy về xã Triệu Giang luôn được xếp vào tình trạng “báo động đỏ” cần di dời, thế ...

Sống trong nỗi lo trôi nhà

(QT) - Nhiều năm nay, mỗi khi mùa mưa lũ về là người dân xóm Mới, thôn Trà Liên Tây, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) luôn nơm nớp sống trong nỗi lo bị trôi nhà. Tiền bạc, của cải, đồ dùng gia đình tích cóp mua sắm được trong năm lần lượt "đội nón ra đi" theo chân nước lũ. Khu “phố giữa làng” của gần 50/83 hộ dân xóm Mới được xây dựng khang trang nằm bên trục đê ngăn cát kiêm đường giao thông chính chạy về xã Triệu Giang luôn được xếp vào tình trạng “báo động đỏ” cần di dời, thế nhưng, năm nào cũng thế, mùa mưa lũ về vẫn thấy những ngôi nhà sập, nhà xiêu vẹo, hư hỏng đứng đó như thách thức với thủy thần... Nỗi lo “cát chạy” Từ cuối những năm 1990, để giải quyết nhu cầu về nhà ở của nhân dân trong vùng, xã Triệu Giang cấp đất ở khu vực xóm Mới cho các hộ gia đình trẻ có nhu cầu tách hộ làm nhà. Việc ổn định nhà cửa sống chung với lũ là “chuyện thường ngày ở huyện” của người dân Triệu Giang nói riêng và nhân dân sống bên dòng Thạch Hãn nói chung, nên có được lô đất đẹp dựng nhà đã tốt lắm rồi, không ai nghĩ đến chuyện đến ngày phải nơm nớp sống trong nỗi lo “cát chạy”.

Lũ tàn phá nhà dân ở Triệu Giang

Trận lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn trôi 240 ngôi mộ và đẩy toàn bộ cát ở khu vực nghĩa địa xã xuống lấp hơn 40 ha ruộng, buộc chính quyền và cơ quan chức năng phải tính chuyện xây dựng đê ngăn cát kiêm đường giao thông để bảo vệ mùa màng. Từ khi có đê ngăn cát kiêm đường giao thông chạy về trung tâm xã rất đẹp nên người dân cũng đua nhau vay tiền xây dựng nhà lên đó. Do cao trình mặt đê chênh với phần đất bên dưới đê có nơi cao hơn 1m, cộng thêm phần đất khu vực này chủ yếu là cát, nên mùa mưa lũ về, nước từ sông Thạch Hãn tràn qua đê dội xuống dẫn đến tình trạng xói lở chân đê và móng những ngôi nhà phía dưới đê. Những năm lũ nhỏ thì các nhà dân ở bên dưới đê chỉ bị xói lở phần sân nhà; còn năm lũ lớn thì gần 50 hộ dân phía dưới đê đều bị hư hỏng phần móng nhà, buộc phải gia cố lại mới ở được. Trận lũ năm 2006, nước trên mặt đê dội xuống mạnh làm vở 2 đoạn đê, cát “chạy” hỏng móng nhà cuốn trôi nhà anh Trịnh Đình Nẫm. Các nhà khác ở trong xóm cũng bị tình trạng “ cát chạy” làm hỏng móng nhà, nhiều nhà bị xiêu vẹo. Trận lũ năm 2009 vừa qua, nước lũ đổ về làm cho 25 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó có 14 ngôi nhà bị thiệt hại nặng, phần móng nhà bị hư hỏng dẫn đến nhiều nhà bị sập một phần góc nhà, hoặc phần nền nhà bị đẩy xuống sâu khiến cho đồ đạc, của cải vùi xuống dưới đất cát... Cát chạy luôn là nỗi lo thường trực của các hộ dân ở xóm Mới. Hạ cao trình mặt đê xuống để tránh xói lở những ngôi nhà dưới đê khi lũ tràn qua thì có nghĩa ruộng vườn bị cát lấp; mà để cao trình mặt đê như bây giờ thì các hộ gia đình này đứng trước nỗi lo bị trôi nhà. Đi cũng dở, ở cũng không xong Gần 2 tháng sau khi cơn bão số 9 đi qua, chúng tôi về lại xóm Mới, xã Triệu Giang vẫn thấy cảnh hoang tàn sau bão. Những nhà bị thiệt hại nhẹ chủ nhà đã sửa chữa xong nhà, có thể đi làm kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Còn những nhà bị thiệt hại nặng thì chưa ai làm được việc gì, nhà cửa, đồ đạc, vật liệu xây dựng ngổn ngang. Anh Trình Đình Nẫm có nhà bị trôi năm 2006 kể: Khi lũ tràn về, cả xóm sơ tán ra trường THCS Triệu Giang tránh lũ, không ai dám ở lại nhà vì nước lũ quá mạnh. Lũ chỉ tràn qua trong vòng 2 giờ đồng hồ làm cho nhà anh Trịnh Vĩnh Phương trôi nhà dưới, nhà trên bị hỏng móng sập nền nhà, nhấn chìm đồ đạc xuống dưới.

Ông Bùi Duy Lượng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho biết: Qua làm việc với các cơ quan chức năng, UBND xã đề xuất 5 phương án có thể hạn chế thiệt hại do bão lũ, giúp người dân ổn định cuộc sống tại xóm Mới. Đó là: Xây dựng hệ thống tiêu năng đảm bảo tránh xói lở ở phía dưới đê; thay tấm lát hai bên thân đê bằng bê tông kiên cố; mở rộng khẩu độ cầu Bến Lội, nâng cao cầu để phân lũ, chống xói lở; mở nhiều hệ thống cống thoát hợp lý khi lũ tràn về không ảnh hưởng đến nhà và ruộng; gia cố mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông để chống xói lở và vỡ đê.

Nhà anh Nẫm vừa xây dựng lại cuối năm 2006, nước lũ đánh bay mất hết đất phần sân, móng nhà bị rạn nứt, nhà sau hỏng móng, nền nhà sập xuống. Lô đất bên hông nhà anh Nẫm đã cấp cho người khác, nhưng chưa xây được nhà thì giờ thành con hói nhỏ, không biết lấy đất đâu đổ vào. Cả xóm hầu như nhà nào cũng bị nước xói làm rạn phần móng nhà, đất trước nhà bay hết tạo thành những hố sâu. Anh Phan Ngọc Tính, có nhà bị thiệt hại nặng sau bão lũ không giấu được nỗi lo lũ trôi mất nhà: "Cứ đà này sẽ không ai ở đây nổi. Khi lũ tràn về, nước trên đê cao hơn dưới mặt đê đến hơn 1m, đất dưới nhà thì toàn là cát, nước lũ về xói đẩy phần đất dưới móng nhà đi, nhà không trôi thì cũng xiêu vẹo. Những trận lũ vừa qua làm chúng tôi sợ lắm rồi. Khổ nỗi, ai cũng sợ nhà sập, nhà trôi, rồi tính mạng người dân trong lũ rất bấp bênh, nhưng tiền bạc, của cải chúng tôi đã đổ vào làm nhà hết, chừ đi cũng dở, ở cũng không xong. Người ta nói có an cư mới lạc nghiệp, chúng tôi ở cũng không yên nữa nói chi làm ăn?..." Phương án nào cho người dân xóm Mới? Trước nguy cơ thiệt hại về người và tài sản của người dân xóm Mới mỗi khi lũ về, huyện Triệu Phong đã tính đến phương án cho di dời những hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm đến khu tái định cư vùng lũ ở đồi Phước Mỹ, thuộc xã Triệu Giang. Nhưng nguyện vọng của bà con là các cấp, các ngành chức năng cần tính toán lại xem có thể hạ cao trình mặt đê, hoặc hạ tràn, làm nhiều cống thoát nước để phân lũ, giúp người dân có thể ổn định cuộc sống tại nơi ở cũ để thuận tiện cho việc làm ăn, buôn bán. Ông Bùi Duy Lượng, Chủ tịch UBND xã Triệu Giang cho biết: Qua làm việc với các cơ quan chức năng, UBND xã đề xuất 5 phương án có thể hạn chế thiệt hại do bão lũ, giúp người dân ổn định cuộc sống tại xóm Mới. Đó là: Xây dựng hệ thống tiêu năng đảm bảo tránh xói lở ở phía dưới đê; thay tấm lát hai bên thân đê bằng bê tông kiên cố; mở rộng khẩu độ cầu Bến Lội, nâng cao cầu để phân lũ, chống xói lở; mở nhiều hệ thống cống thoát hợp lý khi lũ tràn về không ảnh hưởng đến nhà và ruộng; gia cố mặt đường bằng nhựa hoặc bê tông để chống xói lở và vỡ đê. Vấn đề còn lại là các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần sớm tính toán kỷ lưỡng xem phương án nào tối ưu nhất: Di dời dân đến khu tái định cư, hay nghiên cứu giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân ở đó mà họ vẫn không phải sống trong nỗi lo bị trôi nhà như hiện nay. Không thể để tình trạng năm nào nhà nước cũng lo cứu trợ, khắc phục hậu quả bão lũ ở nơi đã biết chắc nguy cơ sẽ có thiệt hại nặng về tài sản và tính mạng của người dân khi xảy ra lụt bão. Bởi vì, hậu quả của thiên tai thì khó lường. Bài, ảnh: THANH HẢI