Hạn chế thiệt hại nhờ chủ động phòng chống lũ lụt
(QT) - Là một vựa lúa của tỉnh Quảng Trị, sau 2 vụ lúa, nghề chủ yếu của những người dân ở Hải Lăng là chăn thả vịt đàn trên đồng ruộng. Hầu như xã nào cũng có đàn vịt quy mô từ hàng ngàn đến chục ngàn con. Chính nghề phụ này đã đem lại thu nhập đáng kể, góp phần giải quyết việc làm buổi nông nhàn cho một bộ phận lớn lao động địa phương.  Trong các đợt lũ những năm trước, do khâu chuẩn bị kém chu đáo, lại chủ quan nên không ít hộ nuôi vịt đã trắng tay sau lũ. Mưa lũ đã cuốn trôi hàng ngàn con ...

Hạn chế thiệt hại nhờ chủ động phòng chống lũ lụt

(QT) - Là một vựa lúa của tỉnh Quảng Trị, sau 2 vụ lúa, nghề chủ yếu của những người dân ở Hải Lăng là chăn thả vịt đàn trên đồng ruộng. Hầu như xã nào cũng có đàn vịt quy mô từ hàng ngàn đến chục ngàn con. Chính nghề phụ này đã đem lại thu nhập đáng kể, góp phần giải quyết việc làm buổi nông nhàn cho một bộ phận lớn lao động địa phương. Trong các đợt lũ những năm trước, do khâu chuẩn bị kém chu đáo, lại chủ quan nên không ít hộ nuôi vịt đã trắng tay sau lũ. Mưa lũ đã cuốn trôi hàng ngàn con gia cầm, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho người dân. Nhớ đợt lũ năm ngoái, chúng tôi về hai xã Hải Hòa, Hải Tân, những người chăn nuôi nơi đây vẫn chưa hết bàng hoàng về sự mất mát quá lớn, có nhiều hộ từ triệu phú nuôi vịt chạy đồng, thóc lúa đầy bồ bỗng trở thành trắng tay sau một đêm lũ đi qua. Mùa lũ năm nay, nhờ tinh thần chủ động đối phó lũ của mỗi người dân nên đã hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. “Bữa ni có kinh nghiệm rồi, hễ nghe có dự báo mưa to là chúng tôi chuẩn bị mọi thứ, di dời tài sản, gia súc gia cầm đến nơi cao hơn, sẵn sàng sống chung với lũ”, một bác nông dân ở xã Hải Tân vui vẻ cho biết.

Tập kỹ năng bơi cho phụ nữ, trẻ em ở Hải Lăng. Ảnh: HỒ CẦU

Sống ở vùng thấp trũng, gia đình ông Nguyễn Trí Nam, thôn 4, Hợp tác xã Thọ Nam, xã Hải Thọ là một trong số những hộ chăn nuôi vịt đàn quy mô lớn của xã, bình quân 1.000 con/lứa. Những năm trước, do lũ dâng đột ngột, không đưa vịt tránh lũ kịp thời nên tình trạng vịt bị lũ cuốn trôi vẫn xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Năm nay, từ khi có thông báo mưa lớn, ông Nam đã chủ động sơ tán đàn vịt lên vùng cao hơn (dọc theo đường liên xã từ thôn 1 đến thôn 4), đóng trại tạm để vịt trốn lũ. Nhờ vậy, lũ đi qua, đàn vịt ông Nam vẫn được bảo toàn về số lượng. Không chỉ ông Nam, nhiều hộ khác chăn nuôi gia cầm quy mô lớn cũng chủ động đưa đàn gia cầm chạy lũ, tránh được thiệt hại do lũ gây ra. Cũng như gia súc gia cầm, việc chủ động đưa lương thực lên các nơi cao tránh lũ cũng là cách hiệu quả để đảm bảo an toàn cho lương thực và giống cây trồng. Cư trú ở vùng thấp trũng, làm lúa chất lượng cao với quy mô lớn, bình quân 3 mẫu/hộ, các hộ ông Phạm Bá Hoàng, Nguyễn Dư Ba, Trần Thanh Minh (Hải Thọ) vẫn bảo đảm “không ướt một hạt thóc” sau khi lũ đi qua. Chị Hoa, một người dân của xã Hải Thành bơi ghe lên chợ Diên Sanh mua thực phẩm cho biết: “Sau khi nghe hệ thống truyền thanh của xã có thông báo mưa lớn, gia đình tôi đã chủ động chuyển đàn vịt gần 500 con, cùng gà và đàn lợn lên vùng cao, dự trữ thức ăn chu đáo. Thóc, lúa, lương thực gia đình tui cũng đã kịp chuyển lên bồ cao nên khi lũ lên không bị thiệt hại về tài sản”. Cũng như gia đình chị Hoa, rút kinh nghiệm từ các đợt lũ năm trước, người dân Hải Thành đã chủ động lập kế hoạch sống chung với lũ nên không có thiệt hại lớn về tài sản do lũ gây ra. Công tác phòng chống, giảm nhẹ thiên tai do lũ lụt gây ra là một trong những vấn đề cấp bách đặt ra đối với Hải Lăng, nhất là các xã vùng trũng. Đẩy mạnh công tác, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về thiên tai, lũ lụt và cách phòng tránh đến tận mỗi người dân là việc làm thường xuyên của cấp ủy đảng, chính quyền nơi đây. Với phương châm “Chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời”, trước tình hình mưa to liên tục trên diện rộng, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và các xã tổ chức trực thường xuyên để nắm chắc tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ. Từ đó có sự chuẩn bị mọi phương án đối phó với tình hình mưa, lũ lụt; chỉ đạo các xã vùng gò đồi túc trực thường xuyên bảo vệ tại các hồ đập xung yếu như Thác Heo, Khe Rò, Khe Chanh… Đối với các xã vùng thấp, trũng, huyện đã chỉ đạo kịp thời di dời dân từ vùng trũng đến nơi an toàn, tránh thiệt hại về người. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thường xuyên cập nhật về tình hình mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời. Từ sự chỉ đạo chặt chẽ của huyện, các xã đã có phương án cụ thể, tuyên truyền đến tận mỗi người dân về tình hình mưa lũ và cách phòng tránh. Qua các cuộc họp dân trực tiếp hoặc trên hệ thống truyền thanh địa phương, ý thức phòng chống lụt bão của mỗi người dân đã được nâng cao. Từ đó, mỗi người dân vùng lũ có sự chủ động đối phó với lũ, bảo toàn tài sản và tính mạng của thành viên trong gia đình. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Dư Thụy, Chủ tịch UBND xã Hải Thọ cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những đợt lũ trước, từ khi có thông báo lũ chúng tôi đã có thông báo trên hệ thống loa truyền thanh xã về tình hình lũ, khẩn trương đốc thúc người dân di chuyển tài sản, gia súc gia cầm đến nơi an toàn. Đặc biệt lưu ý những hộ ở vùng thấp trũng hoặc các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, sớm di dời người và tài sản kịp thời. Nhờ vậy, đợt lũ vừa qua, toàn xã Hải Thọ không có thiệt hại về người và tà i sản cũng được đảm bảo an toàn”. THANH LÊ