(QT) - Hướng Hoá (Quảng Trị) có 22 xã, thị trấn, trong đó có 13 xã vùng bản thuộc diện đặc biệt khó khăn với 3 dân tộc anh em Kinh, Vân Kiều, Pa Cô cùng sinh sống, trong đó Vân Kiều, Pa Cô chiếm 50% dân số toàn huyện. Nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội của huyện còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa. Nhưng với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, đoàn kết nhất trí cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hướng Hoá đã khắc phục khó khăn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới” vào dịp kỷ niệm 40 năm ngày chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá 9/7 (1968- 2008). Trong những năm qua, công tác Tuyên giáo từ huyện đến cơ sở đã nêu cao ý chí phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ chính trị, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong huyện thu được những kết quả rất quan trọng. Công tác tuyên truyền luôn bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương nên đã đạt được kết quả rõ nét. Công tác triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước được thực hiện nghiêm túc. Việc triển khai, quán triệt tổ chức thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực công tác khoa giáo từ huyện đến cơ sở đã được tăng cường. Nhận thức và hành động của các cấp, các ngành đối với công tác khoa giáo đã có những chuyển biến tích cực. Công tác nghiên cứu sưu tầm tài liệu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ huyện tập II (giai đoạn 1975 - 2005) đạt kết quả tốt. Đã hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, đơn vị ngành tiếp tục sưu tầm tài liệu để biên soạn lịch sử Đảng và lịch sử truyền thống của huyện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra kịp thời, chỉ đạo các nhiệm vụ tuyên truyền ở cơ sở. Thực hiện CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Việc nghiên cứu, học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đảm bảo yêu cầu tiến độ theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo CVĐ tỉnh. Qua hơn 3 năm thực hiện CVĐ đã tổ chức 320 lớp học tập gồm 7 chuyên đề với 24.871 lượt người tham gia. Đã xuất hiện nhiều gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, đóng góp công sức xây dựng quê hương, hiến đất để làm công trình giao thông, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng khác. Việc làm đó đã trở thành phong trào góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Từ kết quả đạt được của công tác Tuyên giáo ở Hướng Hóa trong thời gian qua, chúng tôi đã rút một số kinh nghiệm, đó là: Thứ nhất , kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận dụng sáng tạo vào tình hình thực tiễn ở địa phương để xác định nội dung, giải pháp công tác Tuyên giáo cho phù hợp. Thứ hai , gắn việc tuyên truyền giáo dục nhiệm vụ chính trị với giáo dục tư tưởng chính trị. Tuyên truyền giáo dục nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị giúp cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nắm vững nhiệm vụ chính trị của địa phương, tổ chức và của đoàn thể chính trị mà họ tham gia, nghĩa vụ, trách nhiệm mà họ phải thực hiện, để từ đó có ý thức tự nguyện, tự giác phấn đấu. Mặt khác, sự vững vàng, thông suốt về lập trường tư tưởng của cán bộ, đảng viên và quần chúng là cơ sở cho hành động của Đảng bộ và nhân dân. Công tác Tuyên giáo phải trở thành một động lực thúc đẩy việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, các phong trào thi đua lao động sản xuất, các hoạt động văn hoá - xã hội của nhân dân ở cơ sở. Thứ ba , phải hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, bám sát địa bàn, sát dân, nghe dân nói, nói cho dân nghe. Phải nắm chắc tình hình diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nảy sinh từ cơ sở. Thường xuyên kiểm tra tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đã xây dựng và phải có biện pháp để chỉ đạo mọi mặt công tác theo hướng tích cực, kịp thời khắc phục những yếu kém, kiềm chế và đẩy lùi những nhân tố gây mất ổn định, chủ động tạo ra sự vững mạnh thật sự cho cơ sở, chống tư tưởng ỷ lại trông chờ cấp trên. Thứ tư , đội ngũ cán bộ Tuyên giáo từ huyện đến cơ sở phải giỏi về lý luận, sâu sát thực tiễn, am hiểu về nghiệp vụ, mẫu mực về đạo đức, lối sống và gương mẫu trong hành động. Thứ năm , phải thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tiến hành công tác Tuyên giáo cho phù hợp với từng thời kỳ, từng loại đối tượng. Chú trọng sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ công tác Tuyên giáo của Đảng bộ, trên cơ sở đó rút kinh nghiệm bổ sung, cải tiến, hoàn thiện về nội dung, hình thức, phương pháp công tác Tuyên giáo. Thứ sáu , tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, phương tiện và kinh phí hoạt động cho công tác Tuyên giáo. Kinh nghiệm cho thấy nơi nào làm tốt vấn đề này cũng góp phần thúc đẩy hoạt động công tác Tuyên giáo phát triển. Chúng tôi thấy rằng, ở huyện, từ kinh nghiệm thực tiễn và những đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ người dân tộc Vân Kiều, Pa Cô được đào tạo ở miền Bắc trong thời kỳ chiến tranh và trường đào tạo học sinh miền Nam trước đây, đề nghị Trung ương nghiên cứu thành lập trường đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nhằm đào tạo cơ bản có hệ thống phù hợp với trình độ, tâm lý, đặc điểm của cán bộ dân tộc nói chung và cán bộ Tuyên giáo nói riêng. DƯƠNG THỊ ÁNH HỒNG (Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Hướng Hoá)