Sáng nay 11/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Phát triển Du lịch tỉnh nhằm đánh giá công tác phát triển du lịch năm 2022 và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2023.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị các sở, ngành, địa phương tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cơ chế, chính sách cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn - Ảnh: H.T
Lượng khách và doanh thu du lịch tăng cao
Năm 2022 và quý 1/2023, Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh thường xuyên sâu sát, chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, kế hoạch quan trọng của trung ương và của tỉnh về phục hồi, phát triển du lịch trong tình hình mới. Theo đó, năm 2022, khi tình hình COVID-19 cơ bản được kiểm soát, hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh đã khôi phục và có nhiều khởi sắc.
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Trị trong năm 2022 ước đạt 1.550.000 lượt (tăng 301,5% so với cùng kỳ năm 2021; tăng 198,7% so với kế hoạch đầu năm). Khách lưu trú chuyên ngành ước đạt 565.000 lượt. Tổng doanh thu du lịch xã hội ước đạt 1.475 tỉ đồng (tăng 391,2% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 252,1% so với kế hoạch đầu năm), trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 590 tỉ đồng.
Bước sang năm 2023, nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tổng lượng khách du lịch trong quý I ước đạt 457.630 lượt, trong đó khách quốc tế ước 9.300 lượt, khách nội địa ước 448.330 lượt. Khách lưu trú chuyên ngành ước đạt 144.470 lượt; khách tham quan ước đạt 313.160 lượt. Doanh thu xã hội ước đạt 372,4 tỉ đồng, trong đó doanh thu chuyên ngành ước đạt 125,7 tỉ đồng.
Mặt khác, thông qua hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, thời gian qua đã thu hút nhiều doanh nghiệp đến khảo sát và xây dựng kế hoạch đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 53 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch và dịch vụ du lịch còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 21.705,56 tỉ đồng, trong đó có 20 dự án thực hiện ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế và có 32 dự án thực hiện trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Việc xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch mới tiếp tục được các sở, ngành, địa phương quan tâm triển khai.
Tiêu biểu trong thời gian qua đã tổ chức chương trình thí điểm thăm viếng di tích Thành Cổ Quảng Trị, Bến thả hoa trên sông Thạch Hãn, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn vào ban đêm; tour du lịch Caravan “Khám phá du lịch miền Tây Quảng Trị”, tour du lịch Caravan “Biển gọi” để kích cầu du lịch biển; chương trình Famtrip khám phá sản phẩm du lịch đêm và hội thảo với chủ đề “Bí ẩn miền đất thiêng”…
Đặc biệt, đã tổ chức Tuyến phố đêm vào thứ Bảy hằng tuần với các chương trình nghệ thuật như ca nhạc, ảo thuật, khiêu vũ… cùng các khu ẩm thực, giải khát, vui chơi thu hút hàng nghìn người dân và du khách đến trải nghiệm.
Quyết liệt hơn nữa để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Tại hội nghị, các thành viên ban chỉ đạo trao đổi, thảo luận, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong công tác phát triển du lịch hiện nay, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: hạn chế về nguồn lực đầu tư cho hoạt động xúc tiến du lịch; việc xây dựng hình ảnh Quảng Trị đã được thực hiện nhưng chưa rõ nét, chuyên nghiệp; quy hoạch các khu di tích trọng điểm triển khai chậm làm ảnh hưởng đến thu hút nguồn lực xã hội; chưa thực sự thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp về kinh doanh dịch vụ du lịch; việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn còn nhiều bất cập…
Năm 2023, nhiệm vụ công tác trọng tâm được Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh xác định là tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, đề án, kế hoạch của trung ương, địa phương về phát triển du lịch; chỉ đạo tổ chức thành công lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch Quảng Trị năm 2023; chỉ đạo thực hiện khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch lịch sử cách mạng gắn với việc định hình thương hiệu lễ hội Vì hòa bình; tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch…
Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, tổng hợp các ý kiến, đề xuất của các ngành, địa phương để phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh bố trí nguồn lực phù hợp phục vụ cho hoạt động du lịch, hoàn thành trong quý II/2023.
Tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các điều kiện liên quan trước ngày 25/4 nhằm đảm bảo tổ chức thành công lễ hội Thống nhất non sông và khai trương mùa du lịch Quảng Trị năm 2023, trong đó có lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam được tổ chức tại Quảng Trị.
Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030 nhằm phát triển kinh tế của tỉnh, trong đó có lĩnh vực du lịch.
Xây dựng tuyến phố đêm tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh thành không gian văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh của Nhân dân và khách du lịch, đồng thời thiết kế điểm trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, đặc biệt là sản phẩm OCOP.
Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng đề án thí điểm mô hình du lịch cộng đồng và du lịch canh nông để trình UBND tỉnh xem xét trước khi trình HĐND tỉnh vào kỳ họp cuối năm 2023.
Tiếp tục tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cơ chế, chính sách cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; đề xuất nguồn lực triển khai xây dựng cột mốc A11 để khẳng định chủ quyền biên giới và tạo ra sản phẩm du lịch cho huyện đảo Cồn Cỏ.
Hà Trang