Xây dựng nông thôn mới ở Gio Phong
(QT) - Chúng tôi về Gio Phong (Gio Linh, Quảng Trị) trong thời điểm địa phương đang gấp rút hoàn thành những khâu cuối cùng trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM). Đồng chí Trần Thoàn, Chủ tịch UBND xã Gio Phong cho biết: “Quy hoạch ở Gio Phong được xây dựng dựa trên cơ sở phù hợp với các tiêu chí xây dựng NTM và điều kiện phát triển thực tiễn của địa phương. Do vậy, khi thực hiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Gio Phong trên tiến trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, từng bước nâng cao đời sống người dân. Đến nay, Gio Phong đã cơ bản hoàn thành khâu quy hoạch về đất đai, cơ sở hạ tầng thiết yếu và dân cư. Phong trào xây dựng NTM đang trở thành động lực lớn để mỗi người dân Gio Phong phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu cho mình và quê hương”. Ngay từ khi triển khai xây dựng NTM, Gio Phong đã xác định muốn thực hiện thành công chương trình NTM, trước hết phải nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân trên cơ sở phát huy nội lực. Với việc phát động phong trào “Làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương, xây dựng NTM” đã thu hút đông đảo các đoàn thể và người dân trên địa bàn tham gia.
 |
Đường nông thôn được bê tông hóa, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi. |
Qua phong trào này, thêm một lần nữa Gio Phong khẳng định tập trung phát huy nền tảng nông nghiệp vốn có của địa phương trên cơ sở mở rộng, định hướng người dân canh tác theo các mô hình nông nghiệp hiệu quả, đẩy mạnh chuyển giao KHKT vào sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân ngày càng tốt hơn. Trong lĩnh vực trồng trọt, Gio Phong đã chủ động ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung để chuyên môn hóa như: dồn điền đổi thửa, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, xây dựng cánh đồng 50 triệu/ ha. Cùng với đó, việc lựa chọn giống cây trồng phù hợp, giải quyết tốt vấn đề thủy lợi cũng là một yếu tố đưa hiệu quả sản xuất nông nghiệp ngày một nâng lên. Trong sản xuất lúa, ưu tiên chọn giống ngắn ngày cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon, hiện nay năng suất bình quân đạt 53 tạ/ha, cao hơn so với mức 47,5 tạ/ha năm 2005, bình quân lương thực đầu người đạt gần 800 kg thóc/người/năm. Bên cạnh cây lúa, cây màu cũng được chú trọng thâm canh tăng vụ. Hiện tại, người dân Gio Phong đang quan tâm đầu tư các loại hoa màu vì đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Mô hình trồng xen vụ với mướp đắng, su su, dưa hấu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tính đến cuối năm 2010 diện tích trồng hoa màu ở Gio Phong tăng lên 70 ha, cho năng suất 95 tạ/ha. Một số cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu và một số loại cây ăn quả khác như chôm chôm, thanh long, bơ, chanh… được phát triển về diện tích, đem lại thu nhập khá cho người dân. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở Gio Phong được đầu tư phát triển đúng hướng nên phát triển tương đối ổn định về số lượng và chất lượng, đóng góp không nhỏ vào giá trị sản xuất nông nghiệp (chiếm tỷ trọng 21,1%). Từ chủ trương khuyến khích, đẩy mạnh sản xuất đã góp phần rất lớn vào việc cải thiện đời sống của người dân. Tính đến năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 11%. Có 30 % trong tổng số 850 hộ của toàn xã có thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm trở lên. Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Vũ ở thôn Lan Đình, với mô hình trồng cao su xen canh mướp đắng, su su, đu đủ và chăn nuôi, cho thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm. Hộ ông Trần Nghị ở thôn Lễ Môn, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, trồng cao su, lúa và dịch vụ nông nghiệp, cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm… Bên cạnh việc chú trọng đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã Gio Phong cũng đã tổ chức đánh giá nghiêm túc về lực lượng lao động và cơ cấu lao động địa phương để sử dụng phù hợp. Đến nay, nguồn lao động trong độ tuổi quy định ở Gio Phong rất dồi dào, chiếm trên 60% trong cơ cấu dân số. Nguồn lao động này được đánh giá là chịu khó, giàu kinh nghiệm, có khả năng thâm canh cao, có ý thức hướng tới sản xuất hàng hóa. Địa phương cũng đang tiếp tục thực hiện đào tạo nguồn lực tại chỗ, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề phù hợp, hướng tới phát triển nền nông nghiệp hàng hóa. Ngoài ra, xã Gio Phong cũng đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ và phát huy hiệu quả những nghề truyền thống của quê hương, tạo điều kiện để gần 200 hộ dân ở thôn Lan Đình duy trì nghề đan lát với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và thị trường. Xác định mạng lưới giao thông là động lực quan trọng, tạo đòn bẩy trong phát triển kinh tế-xã hội địa phương, nên trong quá trình lập quy hoạch xây dựng NTM, Gio Phong đã tiến hành nâng cấp mở rộng các tuyến đường liên thôn, liên xã, nội đồng. Đến nay, xã đã có 70% đường ngõ xóm đạt tiêu chí sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 40% đường nội đồng được cứng hóa, đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện; 40% kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa…Trong thời gian tới, Gio Phong sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông đạt theo tiêu chí NTM. Gio Phong cũng chú trọng từng bước nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân. 100% trẻ em dưới 5 tuổi được đến trường, 100% trẻ trong độ tuổi được tham gia tiêm phòng đầy đủ. Các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao được triển khai đồng đều trên các mặt. Đến cuối năm 2010, 100% thôn trong xã đạt danh hiệu văn hóa với trên 86% số hộ gia đình văn hóa... “Với những phong trào thiết thực, hiệu quả, Gio Phong đang phấn đấu trở thành xã xây dựng thành công chương trình NTM vào năm 2015. Quá trình xây dựng NTM ở Gio Phong tiến hành thuận lợi một phần lớn là nhờ vào sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng tích cực của nhân dân. Tuy nhiên, để nâng một xã có thế mạnh về nông nghiệp trở thành một xã NTM theo 19 tiêu chí là một vấn đề không đơn giản. Gio Phong đang gặp khó khăn ở một số khâu như quy hoạch, xây dựng cơ bản...Địa phương cũng rất mong sự quan tâm hơn nữa từ các cấp trong việc định hướng quy hoạch, tổ chức nhiều hơn các lớp tập huấn đến cấp xã, thôn về chương trình xây dựng NTM, đồng chí Trần Thoàn cho biết thêm. Bài, ảnh: LỆ NHƯ