(CAND) - Anh hùng LLVT Đào Xuân Hướng nói, dường như bom đạn chiến tranh đã "tránh" ông Hồ Xừng - một cán bộ Công an đã trực tiếp chiến đấu, giữ thông tuyến đường Trường Sơn từ Bắc vào Nam ở "cửa tử" Cù Bai, xã Hướng Lập (Hướng Hoá, Quảng Trị). Gần 20 năm sau kể từ ngày đất nước hoà bình, thống nhất, người cựu cán bộ Công an từng sống qua bao mưa bom bão đạn ấy đã trở thành "vua rừng" nơi chính "cửa tử" ngày xưa dày đặc bom đạn. Một quá khứ oanh liệt
Ông Hồ Xừng năm nay 88 tuổi đời với 46 năm tuổi Đảng. Ông tham gia cách mạng từ chống Pháp và làm Trưởng Công an xã Hướng Lập từ năm 1964-1976, rồi giữ nhiều chức vụ khác ở địa phương. Với người dân Cù Bai sống qua chiến tranh, ông luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim họ: Ông chỉ huy bà con đào hầm trú bom và không biết bao lần bằng sự mưu trí và lòng dũng cảm, ông đã đánh lạc hướng được giặc lái máy bay B52, cứu sống được người già và trẻ nhỏ trong những căn hầm, giao thông hào dưới chân núi Ca Tam...
Rồi dường như bom đạn đã "tránh" ông trong tất cả những lần ông tiên phong trên trận tuyến, quyết giữ thông huyết mạch Trường Sơn từ Bắc vào Nam ở "cửa tử" Cù Bai. "Ban đêm máy bay C100 của Mỹ - ngụy bắn đạn pháo sáng, ban ngày máy bay VO10 của chúng bắn đạn hỏa mù - phong tỏa cả khoảng trời, núi rừng Cù Bai, nhằm phát hiện, tiêu diệt lực lượng chiến đấu của ta; ngăn chặn mọi sự di chuyển của ta vào chi viện cho chiến trường miền Nam.
Đặc biệt, bọn chúng đã tập trung đánh phá tại hai hẻm núi Barai và Ta Leng - những nơi mà từ Bắc vào Nam phải đi qua - biến nơi này trở thành hai "cửa tử". Thế nhưng mọi lực lượng, phương tiện và vũ khí huỷ diệt hàng loạt của địch đã không ngăn nổi hào khí kháng chiến của những đoàn quân rầm rập từ Bắc vào Nam, tất cả vì miền Nam ruột thịt!", ông Hồ Xừng tự hào nhớ lại.
Phủ xanh vùng "đất chết"
Sau chiến tranh, đất đai quê hương cằn cỗi, bom mìn chưa nổ sót lại trong lòng đất dày đặc, phương thức làm ăn của đồng bào lạc hậu, đời sống vì thế gặp nhiều khó khăn.
Năm 1996, người cựu cán bộ Công an từng sống sót qua "cửa tử" Cù Bai đã lặng lẽ rời bản vào rừng tìm phương thức làm ăn mới. Ông đến chính nơi "cửa tử" ngày xưa ấy, một mặt vì đất đai ở đó rộng, mặt khác ông muốn "băng bó" lại những cánh rừng đang còn phảng phất mùi khói đạn và trồng mới thêm cây rừng để vừa bảo vệ môi trường, vừa khai thác kinh tế.
Bấy giờ, không ít người dân Cù Bai rỉ tai nhau - ký ức chiến tranh đã làm cho ông Xừng trở nên đãng trí - ông suốt ngày chỉ lãng đãng quanh những con suối, vách núi nơi đong đầy những kỷ niệm chiến tranh! Nhưng rồi hai năm sau người ta đã biết việc làm đích thực của ông Hồ Xừng!
Ông suốt ngày đào bới đất đai, thu dọn bom mìn, trồng lên đó các loại cây gió, cây bời lời, cây trẩu... vừa có giá trị kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế thiệt hại do thiên tai bão lũ gây ra... Đến nay, người cựu chiến binh ấy đã có trong tay trang trại lớn, bao gồm 15 hécta rừng; 40 con trâu, bò; 3 hồ cá; 5 hécta ruộng lúa nước, với tổng thu nhập bình quân hàng năm 150 triệu đồng.
Giúp dân phát triển kinh tế, cưu mang người hoạn nạn
Không chỉ làm kinh tế giỏi, cựu chiến binh Hồ Xừng đã giúp đỡ nhiều gia đình vốn liếng và hướng dẫn họ cách làm ăn. Ông Lê Hữu Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Lập phấn khởi cho biết: xã Hướng Lập có 8 bản với 243 hộ dân, 1.310 nhân khẩu với 100% người Vân Kiều.
Những năm trở lại đây, bên cạnh sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước về chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhờ vào phương thức phát triển kinh tế theo mô hình trang trại trồng cây lâm nghiệp kết hợp chăn nuôi của cựu chiến binh Hồ Xừng và nhờ sự giúp đỡ của ông đối với người dân mà đời sống của bà con hiện nay đã được nâng cao rất đáng kể. Đặc biệt, có 16 hộ dân trồng rừng với bình quân mỗi hộ 10 hécta và đã thu hoạch vụ đầu với lãi ròng trên 100 triệu đồng/hộ...
Một lần lên thăm lại Cù Bai, ông Đào Xuân Hướng, quê Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh, Quảng Trị) được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng LLVTND vì những thành tích hoạt động ngoại tuyến ở đây đã kể lại rằng: "Ngày ấy dường như bom đạn chiến tranh đã "tránh" ông Hồ Xừng - người đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến đấu với kẻ thù ở "cửa tử" Cù Bai...
Bây giờ ông ấy lại trở thành "vua rừng" nơi chính "cửa tử" này làm cho tôi cảm thấy thật khâm phục!". Già làng Ta Mau, thôn Cù Bai bộc bạch: Xừng nó tốt bụng lắm, nó không chỉ cho bà con giống cây trồng, đất đai mà gia đình nó khai hoang nhiều năm và bán rẻ trâu, bò cho bà con cày bừa làm lúa nước mà còn cho những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gạo và tiền. Ở bản của già, những đứa như Hồ Khó, Hồ Than, Hồ Đu... biết ơn nó nhiều lắm!".
Đến Cù Bai hôm nay, ít ai còn nhận ra đó là "cửa tử" của ngày xưa. Thay vì một vùng "đất chết" bởi bom đạn chiến tranh, nay là những cánh rừng xanh tốt bạt ngàn; những vườn cây, ao cá; những mái nhà san sát nhau. Và ở nơi này, quanh năm cơi bếp lửa hồng với bát cơm, con cá thơm mùi đồng ruộng, với tiếng cười nói ấm áp của đồng bào...
Phan Thanh Bình