“Dấu ấn” người kỹ sư điện
(QT) - “Trái tim người thợ điện còn đập thì dòng điện không bao giờ tắt. Để làm được điều đó người thợ điện không quản ngại khó khăn, vất vả, cống hiến hết mình để giữ nguồn điện luôn thắp sáng trên mọi miền quê…”. Anh Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1978), Phó Quản đốc Phân xưởng Sửa chữa cơ điện- Quản lý công trình Công ty Thủy điện Quảng Trị bắt đầu câu chuyện như thế khi dẫn chúng tôi đi tham quan Công ty. Hơn 6 năm gắn bó với công việc, anh đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật áp dụng đạt hiệu quả cũng như hết lòng giúp đỡ đồng nghiệp, góp phần đưa Công ty ngày càng phát triển. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Vĩnh Tân (Vĩnh Linh), từ nhỏ anh mong muốn được mang ánh điện đến cho học sinh nghèo và phục vụ sản xuất, sinh hoạt người dân được tốt hơn. Trong những năm ngồi trên giảng đường Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh đã không ngừng học tập để tích lũy kiến thức. Năm 2006, anh được nhận vào làm việc ở Công ty Thủy điện Quảng Trị, vậy là ước mơ được cống hiến hết mình cho ngành điện bấy lâu nay đã trở thành hiện thực. Phân xưởng Sửa chữa cơ điện-Quản lý công trình là đơn vị trực tiếp sản xuất trong dây chuyền của Nhà máy Thủy điện Quảng Trị. Công việc cụ thể là theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa, thí nghiệm, hiệu chỉnh, xử lý sự cố hệ điều khiển, bảo vệ và tự động hóa trong dây chuyền công nghệ của nhà máy, quản lý các thiết bị theo phân cấp, phục vụ công tác vận hành, khai thác hợp lý và hiệu quả các thiết bị trong dây chuyền sản xuất, đảm bảo các thiết bị làm việc ổn định hoặc dự phòng ở chế độ sẵn sàng vận hành cao nhất.
 |
Ngoài những ca trực ở nhà máy, kỹ sư Thắng luôn tìm kiếm thông tin để có thêm nhiều sáng kiến có giá trị |
Những ngày đầu đảm nhận công việc, Thắng gặp rất nhiều khó khăn. Đây là lần đầu tiên tiếp xúc với các thiết bị, công nghệ tiên tiến, phức tạp, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện, nhiều khiếm khuyết trong quá trình lắp đặt, các thiết bị hoạt động chưa ổn định nên thường xuyên xảy ra sự cố. Thiếu kinh nghiệm và trẻ về tuổi đời, trong khi đó công tác xử lý sự cố yêu cầu phải đảm bảo nhanh chóng, chính xác để kịp thời đưa thiết bị, máy móc trở lại hoạt động bình thường, nhưng với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Thắng đã nỗ lực hết mình, tích cực học hỏi đồng nghiệp, trau dồi kiến thức với các đơn vị trực tiếp lắp đặt và hiệu chỉnh nhà máy cũng như các chuyên gia trong, ngoài nước. Từ đó, anh đã nâng cao trình độ chuyên môn, có thêm nhiều kinh nghiệm quý báu trong xử lý các sự cố, đặc biệt là từng bước làm chủ được thiết bị công nghệ, máy móc của nhà máy. Năm 2008, Nguyễn Văn Thắng ghi được dấu ấn của mình bằng sáng kiến “Xử lý tiếp xúc cảm biến nhiệt độ máy”. Đây là sáng kiến đầu tay được Công ty đánh giá cao khi áp dụng đạt hiệu quả vào thực tiễn, làm lợi cho Công ty một số tiền không nhỏ. Anh cho biết: “Trước đây, các máy móc thiết bị xảy ra sự cố khiến nhà máy phải ngừng hoạt động, gây thiệt hại đến quá trình sản xuất của Công ty. Điều đáng nói là tình trạng đó xảy ra thường xuyên nhưng chưa có cách khắc phục hiệu quả nhất. Sau một thời gian nghiên cứu, tìm tòi, tôi đã đưa ra sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn đạt được hiệu quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố xảy ra”. Kể từ khi áp dụng thành công sáng kiến này, Thắng và các đồng nghiệp đã có nhiều thời gian hơn cho các công việc khác của công ty bởi không còn cảnh phải đi sớm về khuya, trong mưa gió lạnh buốt để xử lý sự cố đột xuất. Từ sáng kiến ban đầu thành công đã tạo thêm động lực để anh tiếp tục có nhiều sáng kiến làm lợi cho Công ty. Trong 2 năm 2009-2010, Thắng đã nỗ lực đưa ra 2 sáng kiến được Công ty công nhận, đó là sáng kiến “Thay đổi mạch logic điều khiển bơm dầu áp lực van đĩa tối ưu” và “Cấp nguồn sửa chữa tại nhà máy”. Năm 2011, Thắng tiếp tục đưa sáng kiến “Làm mát cục bộ CPU 374 tủ LCU tổ máy”, năm 2012 là sáng kiến “Chế tạo cáp Download/Upload màn hình tủ điều tốc, lắp mới và viết logic điều khiển hệ thống cảnh báo trạm 110kV”.. . Mỗi năm một sáng kiến, đều đặn hàng năm anh đều có sáng kiến áp dụng hiệu quả. Thắng chia sẻ: “Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất nhằm mục đích hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, giúp đồng nghiệp và bản thân mình đỡ tốn nhiều thời gian, công sức và quan trọng là giúp nhà máy vận hành liên tục, đảm đảm dòng điện không bao giờ tắt”. Với những cống hiến của mình, kỹ sư Nguyễn Văn Thắng đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Công ty Thủy điện Quảng Trị, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và 5 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Bài, ảnh: NGUYỄN MINH ĐỨC