Những triệu phú cao su
(TPO) - Giáp với nghĩa trang Trường Sơn, lần đầu tiên cây cao su được những thanh niên của Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Tây Vĩnh Linh (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đưa đến và trồng thành rừng. Thu nhập cao từ cây cao su giúp những thanh niên bỏ phố lên rừng có cuộc sống khấm khá.

Những triệu phú cao su

(TPO) - Giáp với nghĩa trang Trường Sơn, lần đầu tiên cây cao su được những thanh niên của Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) Tây Vĩnh Linh (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đưa đến và trồng thành rừng. Thu nhập cao từ cây cao su giúp những thanh niên bỏ phố lên rừng có cuộc sống khấm khá.

Nhà máy chế biến cao su Trường Sơn, đầu ra cho các hộ dân trồng cao su Làng TNLN Tây Vĩnh Linh
Nhà máy chế biến cao su Trường Sơn, đầu ra cho các hộ dân trồng cao su Làng TNLN Tây Vĩnh Linh.

Chúng tôi đến làng vào một ngày hè. Cái nóng của mảnh đất được mệnh danh là tường đồng, lũy thép miền tây Vĩnh Linh những năm tháng chiến tranh như thiêu đốt da thịt.

Vốc nắm đất đồi rồi bóp vụn, chỉ thấy cát và sỏi viên nhỏ chảy dài qua kẽ tay, Tổng đội trưởng Thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Trị kiêm giám đốc dự án Làng TNLN Tây Vĩnh Linh Trương Quốc Thắng, nói: “Vậy mà đất này lại hợp với anh cao su. Nhờ nó mà 98 hộ dân của làng ngày nay có cuộc sống tạm ổn”.

Những ngày đầu đoàn công tác T.Ư Đoàn và tỉnh Quảng Trị về đây khảo sát, nghiên cứu trồng thử nghiệm cam, bưởi nhưng chỉ được một năm tuổi là cây cứ lụi dần, lá rỗ, không lớn được. Riêng cây cao su lại lên xanh tốt. Tháng 10 - 2004, những hộ dân đầu tiên là thanh niên tình nguyện từ khắp các vùng quê của Quảng Trị về đây lập nghiệp.

Ngôi nhà của vợ chồng chị Hồ Thị Lành, người Vân Kiều xây năm ngoái ngay cạnh rừng cao su, vườn tràm với tổng diện tích khoảng 2 ha. “Nhà mình trước ở Vĩnh Hà (Vĩnh Linh), lúc đó toàn đi làm thuê. Từ năm 2004 lên đây được hỗ trợ làm nhà, có đất trồng cây, nuôi lợn, thu nhập cũng được hơn trăm nghìn/ngày”, chị Lành khoe.

Trước khi lên làng lập nghiệp, đa phần những thanh niên đều có cuộc sống rất khó khăn: ở nhà lán, không đất đai, chủ yếu đi làm thuê. Nhưng sau 5-7 năm lên đây, toàn bộ các hộ này đã có cuộc sống ổn định, có nhà, có đất đai canh tác, nhiều gia đình có xe máy, tivi.

Chúng tôi đến nhà Trần Đức Hiếu khi hai vợ chồng anh đang lấy mủ trong rừng cao su rộng gần 2 ha, trồng ngay trước nhà. Anh Hiếu cho biết, thu nhập từ việc khai thác mủ cao su từ 500 - 600 nghìn/ngày. “Giờ mới là vụ thu hoạch đầu tiên nên mủ còn ít, khoảng 2-3 năm nữa giống cây này sẽ cho mủ nhiều hơn. Nếu giá mủ vẫn giữ nguyên có thể thu nhập từ 800-900 nghìn/ngày”, anh Hiếu nói.

Ngoài những hộ có cao su được khai thác sớm như gia đình anh Hiếu, 300 ha cao su của gần 100 hộ trong làng từ 2 - 3 năm nữa sẽ đồng loạt cho mủ. Nằm gần trung tâm Làng TNXP Tây Vĩnh Linh là cơ ngơi khang trang của nhà máy cao su Trường Sơn.

Ông Hoàng Minh Sơn, Phó Giám đốc nhà máy cho hay, công suất của nhà máy là 3.000 tấn/năm. Hiện chưa phát huy được 20%, chúng tôi phải mua thêm nguyên liệu từ nơi khác về để sản xuất. Hy vọng 2-3 năm nữa khi toàn bộ rừng cao su quanh vùng bước vào thu hoạch sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu.

Phú Gia