Nguy cơ từ tình trạng kháng thuốc
(QT) -Hiện nay, đa số người dân có một thói quen rất nghiêm trọng là khi bị bệnh thường ghé vào các cơ sở bán lẻ thuốc Tây, kể vài triệu chứng rồi mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Người dân mỗi khi có triệu chứng đau ốm thường đến các quầy thuốc mua và sử dụng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ

Nguy cơ từ tình trạng kháng thuốc

(QT) - Hiện nay, đa số người dân có một thói quen rất nghiêm trọng là khi bị bệnh thường ghé vào các cơ sở bán lẻ thuốc Tây, kể vài triệu chứng rồi mua thuốc, trong đó có cả thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng kháng thuốc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Người dân mỗi khi có triệu chứng đau ốm thường đến các quầy thuốc mua và sử dụng mà không cần đơn thuốc của bác sĩ

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kháng thuốc ngày nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo đánh giá của Bộ Y tế, tình trạng kháng thuốc, kháng vi sinh vật đang diễn ra nghiêm trọng, đây là hậu quả của việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi không chỉ trong chăm sóc y tế mà còn xuất hiện trong cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Lan, thành phố Đông Hà cho biết: “Trước đây mỗi khi thời tiết thay đổi, các con tôi thường hay bị ho, sổ mũi. Nghĩ đây là bệnh thông thường của trẻ em nên tôi không đưa con đến khám bác sĩ mà chỉ đến hiệu thuốc gần nhà, kể rõ triệu chứng rồi mua thuốc tự điều trị cho cháu. Thời gian đầu mới bị bệnh, tôi chỉ cần điều trị cho các con từ 2-3 ngày là khỏi bệnh, tuy nhiên, mỗi lần bị mắc bệnh lại, thời gian điều trị càng kéo dài hơn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của các cháu”. Với trường hợp chị Lê Thị Bé, huyện Hải Lăng, do chủ quan và thiếu hiểu biết, chị đã trở thành nạn nhân của tình trạng kháng thuốc. Ban đầu, chị Bé chỉ bị viêm họng nhẹ với triệu chứng đau rát cổ họng khi thay đổi thời tiết, chị thường đến hiệu thuốc mua mấy vĩ thuốc kháng sinh Amoxicilin về sử dụng, chỉ sau vài ngày bệnh hoàn toàn khỏi. Cứ như vậy, trở thành thói quen, mỗi lần viêm họng chị Bé lại sử dụng Amoxicilin. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, bệnh viêm họng của chị Bé trở nên nặng thêm, phải dùng nhiều loại thuốc kháng sinh nặng hơn và tốn nhiều tiền hơn. Có thể nói, tình trạng bệnh nhân và người bán thuốc mua bán thoải mái thuốc kháng sinh mà không cần đơn của bác sĩ diễn ra rất phổ biến. Những lý do khiến người dân hay tìm đến kháng sinh chủ yếu vẫn là sốt, ho, đau họng, đau bụng... Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù đã có quy định nhưng nhiều nơi vẫn xuất hiện tình trạng bán thuốc không cần đơn. Thực trạng này là do nhận thức của người dân chưa được nâng cao, cùng với đó là quy chế quản lý bán thuốc kê đơn chưa thực sự chặt dẫn tới tình trạng các nhà thuốc thoải mái bán những loại thuốc kháng sinh để người dân tự dùng dẫn tới tình trạng nhờn thuốc và kháng thuốc ngày càng tăng lên. Không chỉ người bệnh, người bán thuốc mà đôi khi cả bác sĩ điều trị cũng lạm dụng kháng sinh đắt tiền, chỉ định kháng sinh không phù hợp để kê đơn cho bệnh nhân. Việc sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt thuốc để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Điều này làm cho thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao và chi phí điều trị cao, là gánh nặng đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Đáng báo động hơn khi hiện nay kháng sinh đã xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái do người dân lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Trước tình trạng kháng thuốc ngày càng xảy ra nghiêm trọng, Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy khẩu hiệu “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” để kêu gọi các nước cùng chung tay phòng chống kháng thuốc, trong đó có Việt Nam. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không đúng phác đồ, lạm dụng kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Tại lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc, ông Trần Văn Thành, Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh: “Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị cho người bệnh. Công nghệ sản xuất kháng sinh ngày càng phát triển đã cung cấp cho xã hội nhiều kháng sinh mới có hiệu quả và hiệu lực cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không mắc bệnh lý nhiễm khuẩn... sẽ làm gia tăng tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, tạo ra sự khan hiếm, thiếu hụt các thuốc kháng khuẩn mới, đặc biệt là kháng sinh để điều trị cho người bệnh nhiễm vi sinh vật đa kháng. Chính vì thế các chi phí xã hội và tài chính trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn kháng thuốc đang đặt gánh nặng đáng kể lên mỗi cá nhân, gia đình và xã hội do thời gian điều trị kéo dài, tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Tình trạng sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật còn đe dọa đến năng lực của hệ thống y tế trong việc phòng ngừa, kiểm soát và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn thông thường, gây ra tỷ lệ tử vong cao hơn, kéo dài thời gian điều trị và làm tăng chi phí cho người bệnh và gây nguy hiểm cho sự sống còn của con người và nền kinh tế”. Nhằm kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội đối với việc phòng chống kháng thuốc, từ ngày 16-22/11/2015, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam tổ chức Tuần lễ truyền thông phòng chống kháng thuốc. Tại Quảng Trị, Sở Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc trên địa bàn tỉnh. Tuần lễ truyền thông được tổ chức nhằm thu hút sự chú ý và quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp… về phòng, chống kháng thuốc. Nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường. Đồng thời tạo động lực thúc đẩy cộng đồng và cán bộ y tế quan tâm, chia sẻ và cùng chung tay góp sức, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn kháng thuốc, giảm sự đề kháng của vi sinh vật gây bệnh, góp phần giảm gánh nặng về y tế, kinh tế, xã hội do kháng thuốc gây ra đối với con người. Để công tác phòng, chống kháng thuốc thực hiện hiệu quả cần có sự tham gia chủ động, tích cực của mỗi người dân và toàn thể cộng đồng. Do vậy, mỗi người dân chỉ mua và sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ khám bệnh, kê đơn và sử dụng kháng sinh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Các cơ sở kinh doanh sản xuất cần sử dụng kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy, hải sản theo đúng hướng dẫn. Tất cả cán bộ y tế phải tuân thủ đúng các hướng dẫn chuyên môn và sử dụng kháng sinh trong điều trị hợp lý, an toàn. Sở Y tế kêu gọi tất cả bác sĩ công tác trên địa bàn tỉnh tham gia ký cam kết hưởng ứng Tuần lễ quốc gia phòng chống kháng thuốc trên website của Bộ Y tế để tạo phong trào hưởng ứng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, trong các cơ sở y tế cũng như trong các doanh nghiệp sản xuất có sử dụng kháng sinh chung tay phòng chống kháng thuốc. Bài, ảnh: PHAN THANH HẢI