Đường đến Đại học của chàng trai khiếm thị
(QT) - Cách đây hơn một tháng, việc một thí sinh khiếm thị tham gia thi vào ngành Giáo dục Tiểu học tại Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị đã làm cho nhiều người ở đây hết sức ngạc nhiên. Và, nhiều người càng ngạc nhiên, nể phục hơn khi hay tin kết quả thi của thí sinh này, em không chỉ thi đỗ vào ngành Giáo dục Tiểu học Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị mà còn thi đỗ nguyện vọng 1 ngành Công tác Xã hội học Trường Đại học Khoa học Huế với số điểm khá cao. Thí sinh ấy là Trần Anh Tuấn, sinh năm 1984, quê ở thôn Mỹ Duyệt, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị). Vượt lên chính mình Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình nghèo có đến ba thế hệ mù. Bà ngoại Tuấn Anh bị mù từ nhỏ. Năm 33 tuổi, bà mới gặp được một người đàn ông đồng cảm nguyện cùng nhau sẻ chia khó khăn, ngọt bùi. Khi bà mang thai mẹ Tuấn Anh, vợ chồng bà mong sẽ sinh ra một người con bình thường. Nhưng, sự thật trớ trêu khi sinh ra đứa con gái là Nguyễn Thị Vân (mẹ Tuấn Anh) cũng bị mù như bà.
 |
Trần Tuấn Anh tự học thêm chương trình máy tính dành cho người khiếm thị |
Đến tuổi trưởng thành, bà Vân khát vọng được làm mẹ như bao người phụ nữ khác. Khi có thai Tuấn Anh, hy vọng lớn nhất của bà là đứa con mình sinh ra sẽ có một đôi mắt sáng, được khoẻ mạnh như bao đứa trẻ khác để sống cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự thật cứ như trêu ngươi, sau khi “vượt cạn” người thân cho bà hay tin con trai bà cũng bị mù bẩm sinh!. Từ đây, Tuấn Anh trải qua một tuổi thơ buồn khổ khi bố và họ hàng bên nội từ chối không nhận em vì em bị mù. Đã có những lúc em cảm thấy mặc cảm, tự ti với người đời vì mình không có cha lại quân quẩn trong nhà không nhìn thấy rõ mặt người thân, bạn bè và những người xung quanh. Nhiều lần em đã giấu mình lau đôi dòng nước mắt khi nghe bạn bè đồng lứa được đi học, có cha, có mẹ quan tâm, chăm sóc. Lúc này, em bi quan nghĩ rằng “Cuộc đời mình sẽ mãi tối tăm”. Nguồn động viên duy nhất trong cuộc sống thường nhật của gia đình Tuấn Anh, đó là ông ngoại em vì ông có một đôi mắt sáng và một trái tim nhân hậu, tận tậm, tận lực lo lắng cho vợ, con và cháu. Trong những lần cùng ông ngoại ra đồng chăn trâu, ông thường động viên em, phải biết vượt qua mọi khó khăn, phải sống sao cho có nghĩa ở đời, dù mắt mình không sáng nhưng phải giữ cho được tâm sáng, phải rèn đức, luyện tài. Sự kiện quan trọng đã đến với Tuấn Anh, năm 13 tuổi, em được các chú, các bác ở Hội Người mù huyện Vĩnh Linh động viên và đưa em vào lớp học chữ nổi đầu tiên (nay gọi là lớp tiền hoà nhập và hoà nhập) do Hội Người mù tỉnh tổ chức. Đón và bố trí nơi ở cho em là một cô giáo cũng bị mù, cô giáo ấy đã giúp Tuấn Anh vượt qua những khó khăn thường nhật trong sinh hoạt và học tập. Từ đây em đã nhận ra rằng có một con đường khác đến với biển học bao la, đến với kho kiến thức vô tận của nhân loại, đó là chữ Braille. Em không được tạo hoá ban cho một đôi mắt sáng nhưng em có đôi bàn tay để nhận biết các con chữ dành cho người khiếm thị qua một chiếc bảng gỗ dài có đục những lỗ nhỏ, cắm từng con sắt đánh dấu ô chữ A, B, C... Chính qua những con chữ chăm chỉ học được hàng ngày, Tuấn Anh có thể ghi lại trên những trang giấy tên của mình, tên của những người thân và những gì em muốn viết. Dần dần em đã quên hẳn những mặc cảm tật nguyền trước đây, sống hoà đồng với mọi người và thấy yêu đời hơn. Với sự đam mê học tập, chỉ trong vòng 3 năm, em đã hoàn thành chương trình học lớp tiền hoà nhập ở Tỉnh Hội và năm nào Tuấn Anh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Năm 1999, ông ngoại của em bị bệnh nặng và mất, để lại bà ngoại và mẹ bị mù ở nhà hoàn cảnh đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Với Tuấn Anh, việc ông ngoại mất đi là một tổn thương tinh thần rất lớn. Song không vì thế mà em nhụt chí, em tự nhủ mình, phải sống và học tập cho tốt để ông ngoại được an lòng nơi chín suối. Năm 2000, được sự tài trợ của một dự án Pháp, Tuấn Anh được đưa vào mổ mắt tại Bệnh viện Trung ương Huế, nhưng kết quả không khả quan, người ta xác định độ mù mắt phải của em là 0,5/10, mắt trái 0,3/10. Năm lên lớp 5, Tuấn Anh học tại Trường Tiểu học Hàm Nghi. Lần đầu tiên học với các bạn sáng mắt, em băn khoăn sợ mọi người nhìn mình với ánh mắt khác, sợ không hòa nhập kịp việc học với bạn bè trong lớp. Nhưng rồi, được sự quan tâm giúp đỡ tận tình của thầy cô và bạn bè, em đã thích nghi dần và đam mê việc học hơn, kết quả năm học này em đã đạt loại giỏi. Tiếp đó, Tuấn Anh theo học cấp II tại Trường THCS Nguyễn Huệ và cấp III tại Trung tâm GDTX thị xã Đông Hà. Quá trình học, em đã gặp không ít khó khăn nhưng luôn tự mình khắc phục, kết quả xếp loại học tập qua các năm học cấp II, cấp III và thi tốt nghiệp THPT em đều đạt loại khá. Học để giúp những người đồng cảnh ngộ Sau khi thi xong THPT, Tuấn Anh suốt ngày say sưa với việc ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi đại học và cao đẳng sắp tới. Một số bạn bè khuyên rằng, em bị mù, không nên tham gia thi đại học vì sẽ rất khó thi đỗ. Năm nay cả tỉnh có 4 học sinh khiếm thị tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có Tuấn Anh đăng ký đi thi đại học và cao đẳng. Em tự động viên mình, nếu không đỗ đại học năm này thì năm sau mình sẽ tiếp tục ôn và thi lại. Gần 3 tháng nay, Tuấn Anh được tham gia học lớp soạn thảo văn bản trên máy tính và cách sử dụng Internet dành cho người khiếm thị. Với sự nhanh nhẹn của mình, em đã tiếp thu rất nhanh và khá thành thạo trong cách sử dụng một số chương trình cơ bản được học trên máy tính.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh từ tầng 2 bước xuống cầu thang nơi chúng tôi đang ngồi trò chuyện, không dấu được niềm vui khi hay tin em thi đỗ tới 2 trường đại học và cao đẳng, ông tự hào: “Là một học sinh đầu tiên của lớp tiền hòa nhập của tỉnh, Tuấn Anh đã không ngừng khẳng định mình trong mọi việc, từ việc học tập và rèn luyện đạo đức của bản thân đến giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những em cùng tật nguyền đến sau ở Hội và biết lắng nghe mọi người góp ý để sửa chữa, phấn đấu. |
Sau khi thi đại học và cao đẳng về, được Tỉnh Hội giúp đỡ, động viên, Tuấn Anh lại tiếp tục với công việc hàng ngày của mình cùng các anh, chị ở Hội hành nghề xoa bóp, bấm huyệt, sửa chữa những thiết bị, máy móc, điện cơ bản và một số công việc khác ở Hội. Những lúc rảnh rỗi, em lại đam mê với những thông tin cập nhật hàng ngày trên Internet. Qua Internet, em đã tự mình tra tìm số báo danh, tên các trường mình tham gia thi. Thật hạnh phúc biết bao khi Tuấn Anh Click chuột và được nghe qua phần mềm máy tính đọc rõ mồn một số điểm em đạt trên điểm sàn của Trường Đại học Khoa học Huế và Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị. “Em đã hết sức vui sướng khi biết rằng, cánh cửa cuộc đời không khép lại với em mà luôn rộng mở, em đã sống một cuộc sống ý nghĩa hơn. Ngày lên đường vào thị xã Đông Hà học, ông ngoại em dặn rằng, dù có khó khăn đến mấy em cũng không được bỏ cuộc giữa chừng, phải phấn đấu học, ít nhất là hết lớp 12. Nếu ông ngoại còn sống mà biết em thi đỗ đại học thì chắc ông vui lắm!” Tuấn Anh nói mà mắt cứ ngấn lệ. Hôm em báo về nhà cho ngoại và mẹ hay tin mình thi đỗ, mẹ vừa vui vừa buồn. Vui vì đứa con trai của mình đã làm rạng rỡ một gia đình sống trong “bóng tối” bấy lâu, buồn vì không biết sẽ lấy đâu ra tiền để chu cấp cho con ăn học. Nhưng rồi, mẹ vẫn động viên em rằng: “Dù có nghèo, có khổ đến đâu mẹ cũng sẽ chắt chiu cho con ăn học, con phải học cho tốt để không phụ lòng người thân và các chú, các bác, các cô ở Tỉnh Hội con nhé!” Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Hội Người mù tỉnh từ tầng 2 bước xuống cầu thang nơi chúng tôi đang ngồi trò chuyện, không dấu được niềm vui khi hay tin em thi đỗ tới 2 trường đại học và cao đẳng, ông tự hào: “Là một học sinh đầu tiên của lớp tiền hòa nhập của tỉnh, Tuấn Anh đã không ngừng khẳng định mình trong mọi việc, từ việc học tập và rèn luyện đạo đức của bản thân đến giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những em cùng tật nguyền đến sau ở Hội và biết lắng nghe mọi người góp ý để sửa chữa, phấn đấu. Nhờ năng nổ, nhiệt tình, từ năm 2002 đến nay, Tuấn Anh được mọi người tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn TNCSHCM của Văn phòng Hội. Đặc biệt, em là người khiếm thị đầu tiên thi đỗ đại học và cao đẳng ở tỉnh Quảng Trị, tạo động lực để những người khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập và cuộc sống. Chúng tôi sẽ kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp tiếp sức, giúp em thắp sáng ước mơ được học đại học hoàn thiện của mình”. Tin rằng với những nỗ lực và quyết tâm vươn lên cuộc đời của Tuấn Anh sẽ có nhiều ánh sáng. Bài và ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG