(QT) - “Mình làm lúa rẫy thì luôn luôn nghèo, trong khi bà con người Kinh làm ăn rất giỏi, nhiều hộ gia đình chỉ sản xuất nông nghiệp nhưng kinh tế lại khá giả thì tại sao gia đình mình lại không làm được. Phải học cách làm ăn của bà con!”. Đó là nỗi trăn trở khôn nguôi của chàng thanh niên Hồ Văn Vi (Pả Muôn) tại thôn Xa Bai, xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) 6 năm về trước, khi gia đình anh chuyển từ khu vực lòng hồ thủy điện Rào Quán về khu tái định cư để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy lợi – thủy điện Quảng Trị. Về khu tái định cư, gia đình Pả Muôn không còn phụ thuộc vào mấy rẫy bắp, rẫy lúa thường xuyên bị thiên tai mất mùa, lại được nhà nước hỗ trợ đền bù 40 triệu đồng. Đồng thời, gia đình gặp nhiều thuận lợi trong đi lại, khám chữa bệnh, con cái có điều kiện học hành… Nhưng việc kiếm miếng cơm manh áo hàng ngày lại không dễ dàng. Bởi lẽ, đất đai ở đây ít hơn và không màu mỡ, lại ở trong vùng luôn bị gió thổi mạnh quanh năm nên lựa chọn cây trồng gì, vật nuôi gì cho phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết và tập quán canh tác nơi đây khiến Pả Muôn nhiều đêm không ngủ. Tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện thông tin đại chúng, được thấy cách làm ăn của mọi người, đặc biệt là bà con người Kinh sản xuất nông nghiệp, người thanh niên Vân kiều giàu ý chí này đã tự tìm ra lời giải cho mình, đó là dựa vào mô hình vườn – chuồng – rừng (VCR) để thoát nghèo. Với tâm niệm, phải ổn định nơi ở mới yên tâm làm ăn, Pả Muôn trích một phần tiền hỗ trợ đền bù của nhà nước để làm một căn nhà vững chắc. Lưng vốn còn lại, anh không gửi ngân hàng như một số bà con khác mà mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Học cách làm ăn “lấy ngắn nuôi dài” của người Kinh, Pả Muôn đã xây chuồng nuôi lợn thịt, nuôi thêm 2 con bò cái và đầu tư khai hoang trồng 1 ha sắn cao sản KM94. Từ số tiền bán lợn và bò, anh tiếp tục đầu tư trồng chuối và sắn. Có thu hoạch từ chuối và sắn, anh chung vốn với 2 người nữa để mua 1 máy cày khai hoang đất trồng cà phê. Khi cà phê đã cho thu hoạch, anh lại tiếp tục chung vốn với 1 người nữa mua 1 xe công nông đầu ngang để chở phân bón, nông sản cũng như làm dịch vụ cho bà con trong vùng. Khi đã có một số vốn kha khá từ thu hoạch cà phê, chuối, sắn… anh bắt tay vào đầu tư trồng rừng. Dẫu đã từng thất bại nhưng người thanh niên vùng cao ấy vẫn không hề nhụt chí, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lại kiên trì, say mê học hỏi cách làm ăn của bà con để vận dụng vào mô hình làm ăn của mình. Lấy lãi năm trước để đầu tư cho năm sau, vòng quay của mô hình VCR và chiếc chìa khóa “lấy ngắn nuôi dài” đã được Pả Muôn nắm bắt và vận dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập hàng năm hơn 70 triệu đồng. Đến nay, Pả Muôn đã là ông chủ của 15 ha rừng tràm từ 3- 4 năm tuổi, 2 ha cà phê đã cho thu hoạch, 4 ha chuối, 4 ha sắn, 0,5 ha lúa nước, 500 m2 mặt nước nuôi cá nước ngọt, đàn bò 3 con, 2 con lợn nái sinh sản, hơn 50 con gà… Anh hồ hởi cho biết: “Tôi đã có một ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều phương tiện sinh hoạt, con cái cũng được học hành tử tế”. Kinh nghiệm thành công trong việc phát triển kinh tế gia đình đối với Pả Muôn thật đơn giản nhưng cũng thật bản lĩnh mới làm được, đó là: mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm của người khác và mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật và biết tính toán để phát triển kinh tế gia đình một cách vững chắc. MỸ ANH