Cam Lộ- Quảng Trị góp phần tích cực nâng cao vị thế quốc tế của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1973-1975
(QT) - Quảng Trị là mảnh đất đầu sóng ngọn gió trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dân trong nước và cả bè bạn quốc tế đều biết rõ mảnh đất Quảng Trị có diện tích nhỏ hẹp, dân số ít, thiên nhiên khắc nghiệt nhưng lại có biết bao địa danh anh hùng: Cồn Cỏ, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, bến đò B Tùng Luật, Dốc Miếu, Cồn Tiên, Đông Hà, Cam Lộ, Đầu Mầu, Làng Vây, Khe Sanh, Thành Cổ... Nằm ở hai địa đầu của miền Bắc và miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Cách mạng Việt Nam bằng sự hiên ngang, kiên cường, bằng bản lĩnh đấu tranh phi thường. Quảng Trị còn là mảnh đất đã một thời- vào những năm 1973-1975- được cách mạng cả nước tin cậy, chọn làm nơi xây dựng trụ sở, như là một thủ đô tạm thời của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau ngày Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết (27/1/1973), vùng giải phóng Quảng Trị chiếm 85% đất đai của tỉnh, với chừng 13 vạn dân, đủ ba vùng rừng núi, đồng bằng, đô thị, có cảng Cửa Việt, có nhiều đường giao thông thủy bộ ngang dọc. Vùng giải phóng Quảng Trị là vùng giải phóng hoàn chỉnh nhất của toàn miền Nam, trở thành vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, xã hội. Ngày 1/5/1973, tại thị xã Đông Hà, hơn 7.000 đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các lực lượng vũ trang, cán bộ, công nhân viên ở vùng giải phóng đã tham gia mít tinh, biểu thị tình đoàn kết quốc tế với nhân dân lao động toàn thế giới. Ngày 6/5/1973, quân dân Quảng Trị tham gia lễ khởi công xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ. Việc xây dựng trụ sở của Chính phủ được tiến hành khẩn trương, kịp kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
 |
Chủ tịch Phi đen Caxtơrô thăm vùng Quảng Trị giải phóng năm 1973. Ảnh: Tl |
Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời là ba ngôi nhà lớn, nằm trên dãy đồi Cam Lộ, rộng trên 5 ha, xung quanh có trồng nhiều cây xanh, giữa sân là cột cờ lớn, có lá cờ Mặt trận tung bay trong gió, dưới mái hiên có nhiều chậu hoa và cây cảnh đẹp mắt. Trong nhà treo cờ Mặt trận, ảnh Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát, nền nhà trải thảm hoa. Là mảnh đất kiên cường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lại là nơi có trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Quảng Trị đã tham gia tích cực vào sự giao lưu quốc tế giữa miền Nam Việt Nam cách mạng với bè bạn thế giới, góp phần xứng đáng trong việc nâng cao vị thế quốc tế của Cách mạng Việt Nam vào một thời điểm rất quan trọng của quá trình hoàn thành giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, những năm 1973-1974, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và các thành viên Chính phủ làm việc hết sức căng thẳng. Cứ mỗi lần nhận quốc thư của Đại sứ nước ngoài xong, Chủ tịch thường tiếp chuyện thân mật với các Đại sứ, trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí, có khi kéo dài đến 6-7 giờ tối. Các vị đại sứ của các nước theo đường bộ từ Hà Nội vào, sau khi qua cầu Hiền Lương đến bờ Nam sông Bến Hải, đặt chân lên vùng giải phóng Quảng Trị, được Vụ Lễ tân Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời và đông đảo nhân dân vẫy cờ hoa đón chào. Từ đây, đoàn xe ô tô có cắm cờ hai nước theo nghi lễ ngoại giao và hai hàng xe mô tô hộ tống đưa các vị Đại sứ đi trên đường số 1 quang đãng, vượt qua Dốc Miếu (nơi có phòng tuyến điện tử Mc.Namara của Mỹ đã bị quân giải phóng triệt hạ), lần lượt qua thị xã Đông Hà, đến huyện Cam Lộ rồi rẽ vào trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời. Trên sân rộng trước trụ sở, Chủ tịch Nguyễn Hưu Thọ và đông đảo các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận, niềm nở đón chào và hướng dẫn các vị Đại sứ vào nhà khách, giữa hai hàng quân giải phóng ăn mặc chỉnh tề bồng súng chào trang nghiêm. Từ ngày 2 đến ngày 5/6/1973, tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã diễn ra trọng thể lễ trình quốc thư của Đại sứ các nước: Liên Xô, Trung Quốc, Cộng hòa DCND Triều Tiên, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Hung-ga-ri, An-giê-ri, Lào, Campuchia, Môritani. 6 tháng cuối năm 1973 và trong năm 1974, Đại sứ nhiều nước khác cũng đã đến trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời tại Quảng Trị để trình quốc thư lên Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Tham gia cuộc mít tinh trọng thể kỷ niệm lần thứ tư ngày thành lập Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng và UBND Cách mạng tỉnh Quảng Trị tổ chức vào sáng ngày 5/6 tại vùng giải phóng Quảng Trị, ngoài Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Xiển dẫn đầu, Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Nguyễn Côn dẫn đầu, nhân dân Quảng Trị còn vui mừng đón tiếp rất nhiều vị khách quốc tế thân thiết: Tướng Xinh-ca-pô, Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, Trưởng Đoàn đại biểu Mặt trận Lào yêu nước; Đoàn đại biểu Mặt trận thống nhất dân tộc và Chính phủ đoàn kết dân tộc Campuchia; các vị đại sứ Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Cu-ba, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa An-giê-ri dân chủ, Cộng hòa Hồi giáo Môritani, các vị đại sứ của Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Hung-ga-ri... Ngoài các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh, quay phim trong nước còn có cả các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh, quay phim nước ngoài tham dự để đưa tin. Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên đất Cam Lộ và vùng giải phóng Quảng Trị trước ngày 30/4/1975, đã đón tiếp 45 đoàn khách quốc tế, đặc biệt là Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản và Chính phủ Cu-ba do Chủ tịch Phiđen Catxtơrô dẫn đầu vào tháng 9/1973. Cu-ba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, là nước đầu tiên cử đại sứ ở vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, và sau Hiệp định Paris (27/1/1973) cũng là nước đầu tiên cử Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do Chủ tịch Phiđen Catxtơrô đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam tại Quảng Trị- nơi có trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thượng tướng Trần Nam Trung kể lại: "Tôi là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đón Chủ tịch Phiđen vào thăm vùng đất mới giải phóng Quảng Trị. Thật xúc động. Đây là sự động viên tinh thần to lớn mà Chủ tịch Phiđen và những người bạn chiến đấu Cu-ba từ hàng vạn dặm mang đến cho quân dân ta giữa lúc cuộc chiến đấu đang ở thời kỳ quyết liệt. Đây là một sự kiện lịch sử. Chuyến vượt vĩ tuyến 17 của Chủ tịch Phiđen vào lúc cuộc chiến đấu còn ác liệt như vậy là mạo hiểm, nhưng nó đã thể hiện sự dũng cảm, tình cảm sâu sắc, một cách "chia lửa" của lãnh tụ Phiđen và những người bạn Cu-ba hết lòng vì Việt Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Đảng bộ, Ủy ban Nhân dân cách mạng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng và quân dân tỉnh Quảng Trị đã lo lắng, bằng mọi cách để tổ chức thành công tốt đẹp chuyến thăm đặc biệt của Chủ tịch Phiđen. Cùng đi với Chủ tịch Phiđen Catxtơrô đến Quảng Trị còn có ông Các-lốt Ra-pha-en Rô-đri-ghết, Phó thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cu-ba, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba; ông Ô-xmany Xiên-phu-ê-gốt, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Cu-ba; bà Men-ba Héc-nan-đê, Chủ tịch Ủy ban Cu-ba đoàn kết với Việt Nam- Lào-Campuchia; ông Éc-tô Rô-đri-ghết Giôm-pa, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia hợp tác kinh tế- khoa học- kỹ thuật Cu-ba. Cùng đón tiếp Chủ tịch Phiđen và Đoàn đại biểu Cu-ba với Bộ trưởng Quốc phòng Trần Nam Trung, đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam có ông Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; ông Lê Xích, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Quảng Trị; ông Lê San, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng tỉnh Quảng Trị; đại diện Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng tại địa phương... Ở khắp nơi, nhân dân tỉnh Quảng Trị đã tiếp đón Thủ tướng Phiđen Catxtơrô và các vị cùng đi hết sức nồng nhiệt và thân ái, thể hiện rực rỡ tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị anh em giữa nhân dân miền Nam Việt Nam và nhân dân Cu-ba. Tướng Trần Nam Trung nhớ mãi cảnh Chủ tịch Phiđen dừng lại rất lâu để ngước nhìn lá cờ Giải phóng bay trước gió, cảnh ông dừng xe xuống đi bộ để quan sát cảnh vật và thăm hỏi bộ đội, đồng bào Quảng Trị, cảnh Chủ tịch Phiđen bất ngờ trèo lên đứng hiên ngang trên một chiếc xe tăng Mỹ, nhớ mãi hình ảnh Tổng Tư lệnh Phiđen trong bộ quân phục cùng màu với các chiến sĩ quân Giải phóng bước đi giữa rừng cờ, hoa và tiếng hoan hô của nhân dân Quảng Trị vang dậy núi đồi... Trong cuộc mít tinh chan hòa ánh nắng ban mai, quân dân Quảng Trị thay mặt toàn miền Nam Việt Nam chào mừng Chủ tịch Phiđen và đoàn đại biểu Cu-ba. Thủ tướng Phiđen Catxtơrô bày tỏ vui mừng được vượt qua hàng vạn cây số đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam, thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị và tình đoàn kết vĩ đại giữa nhân dân hai nước. Chủ tịch Phiđen nói giọng đầy xúc động: "Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cu-ba đến miền Nam Việt Nam vào một ngày đẹp trời. Ánh mặt trời chói lọi ở phương Đông, chiếu sáng núi đồi, đồng ruộng. Ánh nắng ban mai làm cho tôi nghĩ đến tương lai Việt Nam cũng đẹp và rạng rỡ như ngày hôm nay. Nhân dân Việt Nam, nhân dân miền Nam Việt Nam đã nêu một tấm gương tuyệt vời cho cả loài người, cho tất cả các dân tộc đang đấu tranh để tự giải phóng...". Chủ tịch Phiđen khẳng định lại sự ủng hộ mạnh mẽ, trước sau như một của Đảng, Chính phủ và nhân dân Cu-ba anh em đối với nhân dân miền Nam Việt Nam. Cuộc đi thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam của Chủ tịch Phiđen Catxtơrô trên đất Quảng Trị- nơi có trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là sự kiện không chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với lịch sử nước ta mà còn có ý nghĩa lớn lao trong đời sống quốc tế. Sự kiện đó không chỉ góp phần nâng cao vị thế quốc tế của Cách mạng Việt Nam mà còn mang lại cho đời sống quốc tế một ngọn gió trong lành vì sự tiến bộ chung của lịch sử nhân loại. Sáng ngày 14/11/1973, đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Pháp do Tổng Bí thư Gioóc-giơ Mác-sen dẫn đầu đã đến thăm vùng giải phóng miền Nam trên đất Quảng Trị. Tại cuộc mít tinh chào mừng đoàn, đại diện Đảng Cộng sản Pháp đã ca ngợi những thắng lợi to lớn của nhân dân miền Nam Việt Nam và khẳng định tình đoàn kết hữu nghị không gì lay chuyển nổi giữa nhân dân Pháp và nhân dân Việt Nam. Quảng Trị- mảnh đất đầu sóng ngọn gió trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, với bản lĩnh đấu tranh kiên cường, bất chấp hy sinh gian khổ, nơi có trụ sở của Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam- ở vào một thời điểm có ý nghĩa quyết định cho sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất Tổ quốc đã góp phần tích cực trong việc phát triển tình đoàn kết quốc tế giữa Việt Nam và thế giới, góp phần nâng cao vị thế của cách mạng Việt Nam. Phạm Hồng Việt Tài liệu tham khảo: - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ- Người con tận trung với nước, tận hiếu với dân, Nxb Chính trị Quốc gia, 1998. - Tường thuật của Thông tấn xã Giải phóng, Báo Nhân Dân ngày 7/6/1973. - Phan Hoàng, Phỏng vấn tướng lĩnh Việt Nam, Nxb Trẻ, 2000. - Thông cáo của Chính phủ Cách mạng lâm thời, Báo Nhân Dân ngày 18/9/1973. - Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Trị, tập 2 (1954-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 1999.