Khẩn trương cứu lúa bị ngập úng
(QT) - Gần đây, do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ nên nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị xảy ra tình trạng lúa chưa kịp thu hoạch đã bị ngập úng. Những ngày qua, nông dân một số vùng đã tập trung ra đồng khẩn trương cứu lúa đang bị ngập úng nhằm giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước đó, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân có biện pháp tiêu úng những vùng lúa, hoa màu bị ngập nước, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhằm hạn ...

Khẩn trương cứu lúa bị ngập úng

(QT) - Gần đây, do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ nên nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị xảy ra tình trạng lúa chưa kịp thu hoạch đã bị ngập úng. Những ngày qua, nông dân một số vùng đã tập trung ra đồng khẩn trương cứu lúa đang bị ngập úng nhằm giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra. Trước đó, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn người dân có biện pháp tiêu úng những vùng lúa, hoa màu bị ngập nước, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Thế nhưng do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa bão đến nhanh nên nhiều nông dân không kịp trở tay. Diện tích lúa chưa kịp thu hoạch bị ngập úng nước phần lớn nằm ở các vùng trũng thuộc các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong. Do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp mưa lớn làm hàng trăm héc ta lúa vụ hè thu đang chờ thu hoạch bị đổ rạp, ngập úng nước, mọc mầm dẫn đến nguy cơ hư hỏng nặng. Ghi nhận tại xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Linh) từ sáng sớm, nông dân đã tranh thủ ra đồng khi nước vừa rút để nhanh chóng thu hoạch lúa bị úng nước tránh để lúa ngâm nước lâu sẽ mọc mầm dẫn đến mất trắng vụ mùa. Lực lượng bộ đội cũng được huy động về địa phương giúp nhân dân khẩn trương cứu số lúa đang ngập úng.

Khẩn trương thu hoạch lúa bị đổ rạp

Gia đình ông Trần Văn Cam ở thôn Huỳnh Thượng, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh có 4,6 sào lúa chờ thu hoạch. Do thời tiết bất lợi, mưa bão diễn ra quá nhanh khiến gia đình ông không kịp thu hoạch. Nhiều ngày trước, 4,6 sào lúa của ông bị ngập sâu đến tận ngọn, đến ngày 17/9 thì nước bắt đầu rút nhanh, ông huy động mọi người cùng ra đồng cứu lúa. Số lúa ngâm nước nhiều ngày đã bắt đầu mọc mầm, hư hỏng, có nguy cơ mất trắng. Ông Cam cho biết: “Khoảng 10 ngày trước, dự thu của hợp tác xã xác định năng suất lúa là khá cao, tương đương với năng suất lúa bình quân trong tỉnh. Nhưng do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp mưa kéo dài dẫn đến ngập úng, số lúa trên gần như mất trắng. Số lúa của gia đình tôi tất cả đều mọc mầm do ngâm nước quá lâu. Số lúa này nay chỉ đem về phơi khô nuôi gà, lợn chứ không ăn được”. Bên cạnh số lúa bị hư hỏng nặng, mọc mầm đành làm thức ăn cho gia súc, gia cầm thì một số diện tích lúa vẫn có thể kịp thời cứu được. Thời tiết những ngày này có nắng, lúa kịp thời gặt và đưa đi phơi sẽ không bị mọc mầm, có thể cất trữ đem ra sử dụng. Bởi ruộng bị ngập úng nặng không thể sử dụng máy gặt lúa nên người dân phải gặt tay. Diện tích lúa nhiều, phải gặt thủ công nên tốn rất nhiều thời gian và công sức, nếu không đẩy nhanh tiến độ gặt, lúa sẽ ngâm nước lên mầm, nguy cơ mất trắng càng lớn. Anh Trần Văn Lương ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh cho biết: “Gia đình tôi làm 3 sào ruộng nhưng đều bị ngập úng cả. Tiếc công tiếc của, mấy ngày trước chúng tôi lội nước ngang thắt lưng để cứu lúa sau đó để lên xuồng đưa vào nhưng tiến độ rất chậm. Đành phải đợi đến khi nước rút mới xuống gặt mong cứu vãn được chút nào hay chút đó”. Những ngày qua, lực lượng bộ đội của tỉnh được huy động về giúp nông dân gặt lúa. Thượng úy Nguyễn Xuân Hoài, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 43, Trung đoàn 842 cho biết, theo lệnh điều động của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, gần 40 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn 43 có mặt tại xã Vĩnh Sơn để cùng nông dân cứu lúa nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân sau đợt thiên tai vừa qua. Thượng úy Hoài nói: “Nhiệm vụ của Tiểu đoàn chúng tôi là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và sẵn sàng cơ động giúp dân phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên, đơn vị được điều động về địa bàn xã Vĩnh Sơn để giúp đỡ người dân khẩn trương thu hoạch lúa bị ngập úng tránh để ngâm nước quá lâu, giảm thiểu thiệt hại”. Tại các địa phương khác như huyện Gio Linh, Triệu Phong khi nước vừa rút nông dân khẩn trương ra đồng thu hoạch lúa. Một số nơi không bị ngập úng nhưng do gió mạnh, mưa lớn khiến phần lớn diện tích lúa bị ngã rạp, khó khăn trong thu hoạch và dễ bị ngâm nước, lên mầm. Anh Phan Văn Phú ở thôn Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh vừa thu hoạch xong số lúa ngã rạp, thở phào nhẹ nhõm: “4 sào lúa của gia đình tôi bị gió mạnh làm ngã rạp nên rất khó để gặt bằng máy. Nhờ Hội Phụ nữ thôn huy động người giúp sức, tôi nhanh chóng gặt xong, thời tiết đang có nắng, nhanh chóng đem lúa đi phơi thì có thể cất trữ, không lo lên mầm, hư hỏng”. Bài, ảnh: THANH HIẾU