Thách thức tiêm chủng và sự lựa chọn của các bậc cha mẹ
(QT) - Sau hàng loạt sự cố tai biến tiêm chủng xảy ra đối với một số loại vaccine thời gian gần đây, đặc biệt là vụ việc liên quan đến 3 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine phòng viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và các sự cố của vaccine 5 trong 1 Quinvaxem (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mũ do Hib) xảy ra trên toàn quốc, tâm lý của người dân có con em trong độ tuổi tiêm chủng đều tỏ ra lo lắng, nghi ngờ về quy trình ...

Thách thức tiêm chủng và sự lựa chọn của các bậc cha mẹ

(QT) - Sau hàng loạt sự cố tai biến tiêm chủng xảy ra đối với một số loại vaccine thời gian gần đây, đặc biệt là vụ việc liên quan đến 3 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vaccine phòng viêm gan B ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) và các sự cố của vaccine 5 trong 1 Quinvaxem (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mũ do Hib) xảy ra trên toàn quốc, tâm lý của người dân có con em trong độ tuổi tiêm chủng đều tỏ ra lo lắng, nghi ngờ về quy trình an toàn tiêm chủng và chất lượng các loại vaccine, thậm chí quay lưng với Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR), tỷ lệ tiêm chủng đạt thấp. Tại Quảng Trị, trong năm 2013, ngành Y tế đề ra chỉ tiêu trẻ em được tiêm chủng đầy đủ trên 98%, nhưng thực hiện chỉ được 89,8%, không đạt chỉ tiêu đề ra. Thực tiễn chương trình TCMR chứng minh mang lại lợi ích rất lớn chăm sóc sức khỏe đối với bà mẹ và trẻ em, nhưng tai biến sau tiêm chủng đang tồn tại là những khó khăn, bất cập, trở thành thách thức trong việc duy trì, mở rộng độ bao phủ tiêm chủng. Làm thế nào để bảo vệ con em mình khỏi bệnh tật nhờ tiêm chủng mà vẫn tránh được những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra sau tiêm chủng, điều đó cần có sự lựa chọn hợp lý của chính cha mẹ các trẻ.

Tiêm chủng cho trẻ

Trong thời gian qua, do xảy ra một số tai biến trầm trong sau tiêm vaccine, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3029/ QĐ-BYT triển khai tăng cường công tác an toàn tiêm chủng, đồng thời tổ chức thanh tra toàn diện công tác an toàn tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, công tác an toàn tiêm chủng vẫn còn là một thách thức lớn. Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quỳnh, Trưởng Phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế: “Để thực hiện tiêm chủng thành công và an toàn có 3 yếu tố, đó là vaccine, người thực hiện tiêm chủng với quy trình tiêm chủng và cơ địa trẻ nhận vaccine đó. Ví dụ, thịt gà rất ngon, có người thì ăn được nhưng có người ăn sẽ bị phong, điều đó tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người. Bản chất của tiêm vaccine là đưa vào cơ thể kháng nguyên lạ (vaccine), cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại bệnh truyền nhiễm. Nếu bản thân trẻ cơ địa nhạy cảm thì rất dễ xảy ra sốc phản vệ, có thể tử vong do tiêm vaccine trùng hợp ngẫu nhiên với tử vong do bệnh lý của trẻ. Mặt khác, không có loại vaccine nào an toàn tuyệt đối 100% mà đều có tỷ lệ tai biến được các tổ chức quốc tế cho phép…”. Vấn đề đặt ra là, các bậc cha mẹ phải lựa chọn chấp nhận tai biến tiêm chủng (tỷ lệ rất thấp) để bảo vệ cho con khỏi bệnh tật, hay không tiêm chủng để trẻ mất đi cơ hội phòng dịch? Nếu lựa chọn việc tiêm chủng thì phải có trách nhiệm như thế nào trong việc phối hợp theo dõi sức khỏe của trẻ trước và sau tiêm chủng? Theo báo cáo của Ban Chủ nhiệm Chương trình TCMR, trong 11 loại vaccine tiêm cho trẻ ở nước ta ghi nhận có 2 loại là Quinvaxem và viêm gan B có liên quan đến tai biến tử vong, còn 9 loại khác không có tai biến nặng. Các chuyên gia y tế khẳng định, những loại vaccine đang sử dụng tại Việt Nam cơ bản an toàn, tất cả vaccine trước khi đưa ra để tiêm chủng cho trẻ đều đã được thử nghiệm, kiểm nghiệm rất chặt chẽ và đảm bảo chất lượng, độ an toàn. Mặc dù còn có tỷ lệ phản ứng nặng không mong muốn và tử vong sau tiêm chủng là điều không tránh khỏi, nhưng các bậc cha mẹ vẫn nên đưa con đi tiêm chủng để phòng bệnh cho trẻ. Vụ dịch sởi bùng phát, tập trung ở một số tỉnh miền núi phía Bắc, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội xảy ra với trẻ do chưa tiêm chủng, tiêm chủng chưa đủ mũi và chưa đến tuổi tiêm chủng từ đầu năm đến nay, hậu quả ghi nhận hơn 993 ca mắc sởi và số ca có xu hướng gia tăng, biến chứng dịch sởi đã làm 5 trẻ tử vong là bài học cho các cha mẹ trẻ về sự cần thiết phải đưa con đi tiêm chủng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính trên thế giới cứ 4 giây có 1 trẻ tử vong do sởi, tỷ lệ tử vong rất cao; trong khi đó vaccine phòng sởi ghi nhận không có tai biến nặng. Các loại vaccine khác trong Chương trình TCMR cũng tương tự như thế. Nếu cha mẹ không đưa con đi tiêm chủng thì tỷ lệ mắc bệnh sẽ cao và biến chứng nặng khi trẻ mắc bệnh là rất lớn. Hiện nay, ngành Y tế vẫn duy trì tiêm chủng các loại vaccine phòng bệnh như: Lao, sởi, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván… Riêng vaccine Quinvaxem (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm màng não mũ do Hib) có tỷ lệ tai biến cao, do thời tiết rét, trẻ dễ mắc một số bệnh về hô hấp, nhiễm trùng cấp tính nên đang tạm ngừng tiêm. Các bậc cha mẹ nên lựa chọn cho con tiêm tăng cường vaccine DPT (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) để bảo vệ trẻ khỏi mắc bệnh. Khi cha mẹ lựa chọn đưa con đi tiêm chủng thì cần nâng cao trách nhiệm phối hợp theo dõi sức khỏe cho trẻ, nên hoãn tiêm vaccine phòng bệnh khi trẻ mắc các bệnh cấp tính; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2 kg; trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng trừ trường hợp đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B; đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid trong vòng 14 ngày; trẻ suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) chống chỉ định tiêm chủng các loại vaccine sống… Thành công của Chương trình TCMR không những bảo vệ cho trẻ khỏi nguy cơ mắc dịch bệnh mà còn cứu sống được trẻ khỏi tử vong. WHO ước tính trung bình có khoảng 2,5 triệu trẻ em được cứu sống trên bình diện toàn cầu nhờ tiêm chủng. Ở Việt Nam, sau gần 30 năm triển khai Chương trình TCMR có khoảng 67 triệu trẻ em được bảo vệ và theo tính toán của WHO chương trình này cứu sống được khoảng 40.000 trẻ khỏi tử vong. Riêng tại Quảng Trị, thành tựu tiêm chủng đã thanh toán được các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, khống chế được các bệnh bạch hầu, ho gà, sởi… không bùng phát thành dịch trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, lâu nay hệ thống y tế chỉ thông tin một chiều về thành tựu công tác tiêm chủng, mà chưa chú trọng thông tin hai chiều về lợi ích tiêm chủng cũng như những rủi ro có thể gặp phải; nâng cao trách nhiệm của cha mẹ trong việc phối hợp theo dõi và chăm sóc sức khỏe cho trẻ trước và sau tiêm chủng. Vì vậy, khi có sự cố tiêm chủng xảy ra thiếu đi sự chia sẻ của cộng đồng và gia đình, gây hoang mang, nghi ngờ về quy trình tiêm chủng, dẫn đến việc một số cha mẹ trẻ lo sợ không đưa con đi tiêm chủng. Đây là một sai lầm đáng tiếc trong công tác truyền thông về Chương trình TCMR. Không có bất kỳ loại vaccine nào an toàn tuyệt đối 100%, đó là một thách thức mà các bậc cha mẹ phải chấp nhận và có sự lựa chọn hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho con em mình khỏi dịch bệnh và nguy cơ tử vong nhờ tiêm vaccine phòng bệnh. Bài, ảnh: THANH HẢI