Những người phụ nữ đưa đò ở bến Khe Luồi
(QT) - Thôn Khe Luồi, xã Mò Ó, huyện Đakrông bị chia cắt với thị trấn huyện lỵ Krông Klang bởi con sông Đakrông. Vì chưa có cầu nên thôn Khe Luồi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, giao thương, cách nay mười mấy năm về trước, nhiều người phụ nữ ở thôn Khe Luồi đã hành nghề đưa khách sang sông trên những chiếc mộc thuyền…

Những người phụ nữ đưa đò ở bến Khe Luồi

(QT) - Thôn Khe Luồi, xã Mò Ó, huyện Đakrông bị chia cắt với thị trấn huyện lỵ Krông Klang bởi con sông Đakrông. Vì chưa có cầu nên thôn Khe Luồi gần như biệt lập với thế giới bên ngoài. Để người dân thuận tiện hơn trong việc đi lại, giao thương, cách nay mười mấy năm về trước, nhiều người phụ nữ ở thôn Khe Luồi đã hành nghề đưa khách sang sông trên những chiếc mộc thuyền…

Chị Hồ Thị Ta Lư (ngoài cùng bên trái) đưa khách sang sông

Năm 2017, bến đò Khe Luồi được xây dựng và đưa vào hoạt động bởi dự án hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Ngày bến đò khánh thành, người dân địa phương khấp khởi vui bởi từ đây, họ có nơi cập bến an toàn chứ không bám víu vào lùm cây, bụi cỏ dọc hai bên mép sông như trước. Thêm nữa, nếu như lúc trước những con đò đưa khách sang sông chủ yếu là chèo tay thì vài năm gần đây đã được lắp máy giúp rút ngắn thời gian di chuyển và tiện lợi hơn. Nơi bến đò ngang ấy, dù trời nắng gắt hay mưa giăng kín thì vẫn có những người phụ nữ dãi dầu, cần mẫn đưa khách sang sông.

Dưới cái nắng oi nồng, ngột ngạt quyện hòa từng đợt gió Lào ràn rạt thổi của những ngày tháng 5, chúng tôi gặp chị Hồ Thị Ta Lư (45 tuổi), nhà ở thôn Khe Luồi đang miệt mài đưa đón khách. Nhác thấy khách, chị niềm nở chào hỏi rồi dẫn khách lên thuyền. Nhà chị Ta Lư cách bến đò chừng vài chục bước chân. Trước đây, chị cùng chồng cuốc đất làm rẫy, trồng ngô nuôi 3 mặt con khôn lớn. Nay 2 người con gái đã đi lấy chồng, còn lại người con trai chưa vợ ở nhà phụ bố trồng cây lúa, cây sắn. Chị Lư không phải là người đầu tiên hành nghề lái đò trong gia đình mà là cô con gái lớn tên Hồ Thị Muôm (sinh năm 1995). Sau khi lập gia đình, Muôm bỏ lại con đò nhỏ cho bố mẹ. “Thấy để đò như thế thì phí của, trong khi cầu chưa có, bà con dân bản và các em học sinh ngày ngày vẫn phải qua sông nên tôi bàn với chồng chuyển sang làm người đưa đò. Loáng cái mà đã hơn 2 năm tôi bám trụ với chiếc đò này. Năm ngoái, chiếc đò cũ con gái để lại bị nước lũ cuốn trôi nên tôi phải về tận thị xã Quảng Trị mua một chiếc đò gỗ mới giá 25 triệu đồng. Khách của tôi chủ yếu là người dân và con em học sinh trong thôn với mức giá từ 1 - 2 ngàn đồng/người/lượt. Dù khách ngày nhiều, ngày ít nhưng tôi thấy vui vì giúp đỡ được nhiều người. Và số tiền đưa đò cũng đủ trang trải cuộc sống”, chị Hồ Ta Lư kể. Đoạn chị Lư dùng sức kéo mạnh dây ga, tiếng máy nổ phành phạch xé toang tĩnh lặng trời chiều và chiếc đò dần rời bến…

Giữa mặt sông rộng dài loang loáng nắng vàng, một chiếc đò nhỏ khác chầm chậm cập bến, nơi chúng tôi đang đứng. Bóng dáng em Hồ Thị Huệ (sinh năm 1996) lọt thỏm giữa những vị khách quá giang trên chiếc mộc thuyền. Mặc dù đã thấm mệt bởi làm việc giữa trưa đứng bóng nhưng Huệ vẫn luôn nở nụ cười tươi. Trên khuôn mặt rám nắng của em, từng giọt mồ hôi thi nhau rơi. Vãn khách, Huệ trò chuyện: “Tính đến nay, em làm nghề đưa đò đã hơn 10 năm. Nhà em có 8 anh chị em. Lúc trước, em học ngành y ở Trường cao đẳng Y tế Quảng Nam. Học được nửa năm thì bỏ vì mấy anh chị lập gia đình rồi ra ở riêng hết, bố mẹ lại ốm nặng, không nuôi nổi em ăn học nữa. Từ đó đến nay, em về đây, làm nghề lái đò để nuôi bố mẹ”.

Huệ kể thêm, từ nhỏ, em đã theo chị gái đưa đò chở khách nên thành quen. Sau khi nghỉ học về nhà, bố mẹ vay ngân hàng cho em được hơn 15 triệu đồng sắm một chiếc đò cũ để hành nghề. Trung bình một ngày, em đưa khoảng 50 chuyến khứ hồi, làm quần quật từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối. Điều đặc biệt là “lệ phí” đi đò của Huệ không cố định mà tùy vào lòng hảo tâm của khách. Với người trong thôn, nhiều lúc Huệ không lấy tiền mà chở miễn phí. Huệ chia sẻ rằng, giấc mơ đến với con đường học vấn của em bị dở dang nên hằng ngày được đưa đón các em học sinh đến trường lớp, Huệ thấy vui trong lòng và luôn cố gắng đưa các em sang “bến bờ văn minh” (cách Huệ gọi thị trấn Krông Klang) sớm nhất có thể. Huệ mong muốn sớm có một cây cầu bắc qua sông Đakrông nơi em sinh sống để các em học sinh nơi đây không còn nơm nớp lo sợ nghỉ học mỗi khi mùa mưa tới, người nông dân khỏi phải chật vật vận chuyển sắn, ngô qua sông trên những chiếc thuyền tự chế bằng săm ô tô hay bè chuối kết lại. “Nếu có cầu, em sẽ tiếp tục đi học. Vừa học vừa làm để có kiến thức và nuôi bố mẹ em. Dù chưa biết ngày đó là ngày nào nhưng em vẫn nuôi hy vọng”, Huệ nói, ánh mắt xa xăm nhìn về phía nhóm học sinh mải mê nô đùa trên đường về nhà.

Còn nhớ, trước khi đến bến Khe Luồi, trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Hồ Văn Do, Chủ tịch UBND xã Mò Ó cho biết, bến đò Khe Luồi nối đôi bờ sông Đakrông. Trước đây, khi chưa có bến đò, người dân thôn Khe Luồi, Khe Lặn và Phú Thiềng vẫn di chuyển qua sông, đến trung tâm huyện bằng mộc thuyền, săm xe ô tô, bè chuối và thậm chí là bơi. Từ khi có bến đò, việc di chuyển của người dân thuận tiện và an toàn hơn trước. Tuy nhiên, những chiếc đò ngang, phương tiện được xem là an toàn nhất của người dân thôn Khe Luồi đến thời điểm hiện tại cũng đành “bất lực” mỗi khi mùa mưa bão đến. “Mặc dù có bến đò, nhưng nhân dân và chính quyền địa phương mong muốn có một cây cầu kiên cố để đảm bảo an toàn cho việc qua sông của con em học sinh và người dân”, ông Do nói thêm.

Trần Tuyền