(QT) - Dạy thêm, học thêm (DTHT) là một hiện tượng, nhu cầu của xã hội, cả từ phía người dạy và người học. Mục đích tốt đẹp của việc DTHT là nhằm củng cố, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng để học sinh nắm vững kiến thức các môn học trong nhà trường. Song trong những năm qua tình trạng DTHT tràn lan với những mục đích không lành mạnh, những biến tướng xấu như gợi ý, ép buộc, bỏ tiền mua điểm, dạy trước chương trình... đã làm cho dư luận xã hội bất bình. Trước thực trạng trên ngành giáo dục các cấp đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh, quản lý việc DTHT được tốt hơn. Trước khi bước vào năm học mới 2012-2013 Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Thông tư 17/2012 quy định về dạy thêm, học thêm. Nét mới của thông tư này là quy định rõ các quy tắc DTHT, các trường hợp không được DTHT, quy định việc tổ chức dạy thêm ở trong nhà trường và ngoài nhà trường; quy định thống nhất toàn quốc về thu và quản lý tiền dạy thêm; trách nhiệm của chính quyền, ngành giáo dục và các đơn vị liên quan trong việc tổ chức, quản lý DTHT... Thông tư 17/2012 xác định có hai hình thức tổ chức dạy thêm, học thêm, đó là DTHT trong nhà trường và ngoài nhà trường. Việc tổ chức dạy thêm trong các trường phổ thông do hiệu trưởng của trường chịu trách nhiệm tổ chức, quản lý. Hiệu trưởng tiếp nhận đơn xin học thêm của học sinh, tổ chức phân nhóm học sinh theo học lực, phân công giáo viên phụ trách môn học và tổ chức dạy thêm theo nhóm học lực của học sinh. Đối với việc DTHT ngoài nhà trường: Các tổ chức, cá nhân muốn tổ chức dạy thêm phải xin phép. Có cam kết với UBND xã, phường, thị trấn nơi đặt điểm DTHT; thực hiện các quy định về DTHT ngoài nhà trường và trách nhiệm giữ gìn trật tự, an ninh, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi tổ chức DTHT. Việc dạy thêm ngoài nhà trường phải công khai tại địa điểm tổ chức dạy thêm trước và trong khi thực hiện dạy thêm các loại hồ sơ, giấy tờ như: Giấy phép tổ chức hoạt động DTHT; danh sách người dạy thêm; thời khóa biểu dạy thêm, học thêm; mức thu tiền học thêm. Mức thu tiền học thêm đối với các lớp do nhà trường tổ chức phải do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường; nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Giáo viên tham gia dạy thêm phải đảm bảo các yêu cầu như: Có năng lực sư phạm, đạt trình độ chuẩn đào tạo đối với từng cấp học theo quy định của Luật Giáo dục. Có đủ sức khỏe; phẩm chất đạo đức tốt, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân và các quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động DTHT phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động DTHT; giáo viên dạy thêm không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá. Học sinh có nhu cầu học thêm phải tự nguyện và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Không tổ chức lớp DTHT theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp DTHT phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp DTHT phải căn cứ vào học lực của học sinh. Văn bản của Bộ GD-ĐT cũng quy định các trường hợp không được dạy thêm là: Những học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học, (trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống). Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập: Không được tổ chức DTHT ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó. Giáo viên có nguyện vọng dạy thêm phải có đơn đăng ký dạy thêm và được cấp có thẩm quyền cho phép; trong đơn có cam kết với nhà trường về việc hoàn thành tốt tất cả các nhiệm vụ của giáo viên theo quy định chung và các nhiệm vụ khác do nhà trường phân công, đồng thời thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Hiệu trưởng nhà trường xét duyệt danh sách giáo viên dạy thêm, phân công giáo viên dạy thêm, xếp thời khoá biểu dạy thêm phù hợp với học lực của học sinh. Mặc dù Thông tư 17 có nhiều điểm mới, góp phần chấn chỉnh, siết chặt, ngăn chặn việc DTHT tràn lan, song qua theo dõi một số địa phương trên địa bàn tỉnh chúng tôi thấy văn bản này chưa được phổ biến rộng rãi đến tất cả CBGV trong ngành giáo dục, đặc biệt là những người tham gia dạy thêm. Biểu hiện rõ nhất là ở những trường có tổ chức dạy thêm hiệu trưởng chưa làm hết trách nhiệm của mình theo đúng quy định của Thông tư 17, như việc phân loại học lực của học sinh mà để cho giáo viên dạy thêm tự quyết định nên trong một lớp học thêm có nhiều trình độ khác nhau. Thứ hai là nhiều học sinh đi học thêm, giáo viên không buộc phải có đơn, chữ ký và sự đồng thuận của phụ huynh. Trước và sau khi có Thông tư 17 tình hình DTHT ở một số địa phương vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt. Hầu hết giáo viên vẫn tự tổ chức dạy thêm ở nhà để tránh sự quản lý của nhà trường và cũng chưa xin phép cấp chính quyền có liên quan. Các yếu tố về cơ sở vật chất, không gian, ánh sáng ở một số nơi chưa đảm bảo. Vào đầu năm học mới này một số giáo viên dạy thêm đã tự ý nâng mức học phí từ 100.000đ lên 200.000 đ/HS/ tháng, thậm chí còn cao hơn, trong lúc đời sống của nhiều người dân đang gặp nhiều khó khăn. Để Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT thực sự đi vào cuộc sống, tạo được chuyển biến tốt trong DTHT, khắc phục những tồn tại, hạn chế; đáp ứng mong mỏi của xã hội, đòi hỏi phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; qua đó nhắc nhở, chấn chỉnh và xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Trách nhiệm thanh tra, kiểm tra theo quy định của Thông tư 17/2012 của Bộ GD-ĐT trước hết thuộc về cơ quan quản lý giáo dục, thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành có liên quan và chính quyền các cấp. Dư luận mong muốn cơ quan quản lý giáo dục, các cấp chính quyền và các ngành liên quan cần kiên quyết, mạnh mẽ hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm để đưa hoạt động DTHT đi vào nền nếp, hạn chế những tiêu cực xảy ra, thực hiện đúng những quy định trong Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT. PHƯỚC AN