Trồng cây mây nước dưới tán rừng
(QT) - Cây mây nước lâu nay rất quen thuộc với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, tuy nhiên người dân chưa hề biết đến giá trị của loại cây này. Những năm gần đây, ngoài các hộ dân trồng cây mây nước từ sự hỗ trợ của dự án trồng mây dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt triển khai trên địa bàn huyện Đakrông, người dân ở xã Húc Nghì (huyện Đakrông) thấy được hiệu quả của cây mây nước và bắt đầu trồng mây nước dưới tán rừng. Hiện tại, cây mây nước đang ...

Trồng cây mây nước dưới tán rừng

(QT) - Cây mây nước lâu nay rất quen thuộc với đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, tuy nhiên người dân chưa hề biết đến giá trị của loại cây này. Những năm gần đây, ngoài các hộ dân trồng cây mây nước từ sự hỗ trợ của dự án trồng mây dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt triển khai trên địa bàn huyện Đakrông, người dân ở xã Húc Nghì (huyện Đakrông) thấy được hiệu quả của cây mây nước và bắt đầu trồng mây nước dưới tán rừng. Hiện tại, cây mây nước đang trở thành một trong những loại cây mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô.

Cây mây nước trồng dưới tán rừng đang phát triển tốt

Dù khá bận rộn với công việc ở trụ sở UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Mười vẫn tranh thủ thời gian để dẫn tôi xuống bản La Tó thăm mô hình trồng cây mây nước dưới tán rừng. Phải vất vả luồn dưới tán rừng rậm rạp mất cả giờ đồng hồ, anh Hồ Văn Mười, Trưởng bản La Tó Hồ Văn Ai Rai và tôi mới đặt chân đến được địa điểm trồng cây mây nước dưới tán rừng của bản La Tó. Trưởng bản La Tó Hồ Văn Ai Rai chia sẻ, hồi mới triển khai việc trồng cây mây nước dưới tán rừng theo dự án trồng mây dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, nhiều người dân bản La Tó không mấy tin tưởng vào hiệu quả kinh tế mà cây mây nước mang lại. Thời điểm đó, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Húc Nghì phải lặn lội về tận bản để tuyên truyền, thuyết phục bà con là cây mây nước trong rừng khai thác mãi cũng đến ngày cạn kiệt; việc trồng cây mây nước dưới tán rừng mang lại “hiệu quả kép” về kinh tế và góp phần bảo vệ rừng… Vậy là người dân bản La Tó mới trồng cây mây nước. Phải khẳng định rằng, cây mây nước rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của bản La Tó nói riêng và xã Húc Nghì nói chung.

Cây mây nước phát triển rất nhanh, không ngại bão gió như các loại cây keo, bạch đàn. Cây mây nước trồng đơn giản, ít tốn công chăm sóc và đẻ nhánh rất nhanh. Mỗi héc ta đất rừng có thể trồng xen từ 600 - 800 gốc mây nước. Về kỹ thuật trồng cây mây nước cũng đơn giản, đó là khi trồng cây giống phải chú ý đào hố xong chờ đến 10 - 15 ngày sau mới trồng cây; quá trình trồng phải nhặt đá, rễ cây, cỏ… trong hố trồng rồi cho lớp đất mặt xuống trước, bỏ phân vào trộn đều mới cho cây xuống hố trồng để lấp đất. Sau khi trồng khoảng 10 - 15 ngày phải tiến hành kiểm tra từng hố trồng cây để chỉnh sửa cây nghiêng ngã, trốc gốc và trồng dặm đối với cây bị chết…

“Cây mây nước nếu trồng dưới tán rừng có đầu tư phân bón, chăm sóc tốt thì chỉ sau 6 - 7 năm sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên. Người dân bản Cợp đầu tư công sức trồng, chăm sóc trong năm đầu tiên, các năm tiếp theo chỉ bỏ công chăm sóc và khai thác mây nước đúng qui trình kỹ thuật là rừng cây mây nước cho thu hoạch liên tục từ 18 - 20 năm. Đến vụ thu hoạch, mỗi hộ dân thu 30 - 50 kg mây, với giá bán tại rừng khoảng 4.000 đồng/ kg thì thu nhập bình quân của mỗi hộ dân bản là 120.000 - 220.000 đồng/ngày…”, Trưởng bản Cợp, xã Húc Nghì Hồ Hồng Mui chia sẻ.

Khi nói về hiệu quả kinh tế mà cây mây nước mang lại, Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Mười cho biết, năm 2007 Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt triển khai dự án trồng mây dưới tán rừng nhằm nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn huyện Đakrông. Dự án đã chọn triển khai thí điểm tại 3 bản gồm bản La Tó (xã Húc Nghì), bản Khe Cau (xã Ba Lòng) và bản Ka Reng (xã Hướng Hiệp). Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm huyện Đakrông đã tiến hành đo đạc và cấp 160 ha rừng cho 32 hộ, nhóm hộ ở bản La Tó (xã Húc Nghì) và Ka Reng (xã Hướng Hiệp) nhận khoán chăm sóc trong thời gian 10 năm (từ 2012- 2022). Bình quân mỗi hộ, nhóm hộ được nhận khoán, chăm sóc và bảo vệ 5 ha rừng tự nhiên. Gần đây, thấy cây mây nước rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên ngoài bản La Tó với hơn 12 hộ dân tham gia trồng cây mây nước dưới tán rừng trên diện tích rừng gần 60 ha, còn có thêm bản Cợp với 10 hộ dân tham gia trồng cây mây nước dưới tán rừng. Có thể thấy rằng, cây mây nước là loại cây dễ trồng, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với điều kiện canh tác của người dân vùng cao. Ngoài việc khai thác cây mây nước phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày như làm nhà, làm vật dụng dùng trong lao động sản xuất, cây mây nước còn là nguồn nguyên liệu mà thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, bởi ngày càng có nhiều cơ sở thủ công mỹ nghệ ra đời cần có nguồn nguyên liệu cung ứng. Hiện tại, diện tích trồng cây mây nước dưới tán rừng của bản La Tó, Cợp đã bắt đầu vào thời kỳ khai thác.

Trồng cây mây nước dưới tán rừng là hướng đi mới để người dân xã Húc Nghì phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo. Nhận thức được điều này, những năm qua xã Húc Nghì có chủ trương nhân rộng diện tích trồng cây mây nước dưới tán rừng ra diện rộng. Đến bây giờ, hầu hết người dân bản La Tó, Cợp có sinh kế liên quan đến rừng đều đã từ bỏ thói quen triệt hạ cây mây nước tràn lan và biết cách tái sinh cây mây nước bằng cách trồng và chăm sóc thường xuyên. Cây mây nước đang thực sự góp phần cải thiện thu nhập cho người dân vùng cao và góp sức bảo vệ rừng.

An Phong