Khan hiếm chất đốt ở làng nghề nấu cao dược liệu
(QT) - Làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề tại Quyết định số 376/QĐ- UBND ngày 25/2/2016. Hiện nay, làng nghề có 86 hộ với trên 100 lao động của hai thôn Định Sơn (72 hộ) và Nghĩa Phong (14 hộ) nấu cao dược liệu, gồm các loại cao như chè vằng, hà thủ ô, diệp hạ châu, cà gai leo, lạc tiên… Tổng sản lượng cao các loại của làng nghề trung bình đạt khoảng 135 tấn/năm, doanh thu khoảng 17,5 tỉ đồng, thu nhập bình quân của mỗi ...

Khan hiếm chất đốt ở làng nghề nấu cao dược liệu

(QT) - Làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận làng nghề tại Quyết định số 376/QĐ- UBND ngày 25/2/2016. Hiện nay, làng nghề có 86 hộ với trên 100 lao động của hai thôn Định Sơn (72 hộ) và Nghĩa Phong (14 hộ) nấu cao dược liệu, gồm các loại cao như chè vằng, hà thủ ô, diệp hạ châu, cà gai leo, lạc tiên… Tổng sản lượng cao các loại của làng nghề trung bình đạt khoảng 135 tấn/năm, doanh thu khoảng 17,5 tỉ đồng, thu nhập bình quân của mỗi lao động đạt 3,5 triệu đồng/ tháng.

Người dân dùng củi rừng tự nhiên để đốt lò nấu cao dược liệu

Trong những năm gần đây, nhu cầu thị trường tiêu thụ các loại cao dược liệu khá rộng và tương đối ổn định, nguồn cung không đủ cầu. Tuy nhiên, khó khăn đặt ra là khan hiếm nguồn nguyên liệu cây dược liệu và chất đốt, đặc biệt là chất đốt truyền thống bằng củi rừng tự nhiên cần phải có phương án thay thế để làng nghề phát triển bền vững. Anh Trần Văn Anh có thâm niên nấu cao chè vằng, cho biết: “Mỗi tháng gia đình tôi nấu khoảng 4 tấn nguyên liệu lá vằng, sử dụng 2 xe củi rừng tự nhiên, tương đương 10 tấn củi, để đốt lò nấu cao. Hiện nay, củi rừng tự nhiên rất khan hiếm. Nếu thay thế gỗ rừng trồng làm chất đốt thì chi phí mua chất đốt quá cao, tính ra không có lợi nhuận nữa.

Do khó khăn về chất đốt, một số hộ trong làng nghề cũng đã thử nghiệm dùng than đá để thay thế nhưng không có hiệu quả. Người dân mong muốn các cấp, các ngành nghiên cứu hỗ trợ cho làng nghề ứng dụng KHCN tiên tiến vào quá trình nấu cao, giúp cho làng nghề phát triển bền vững hơn”.

Theo thống kê, mỗi năm làng nghề cao dược liệu Định Sơn tiêu thụ khoảng 1.350 tấn nguyên liệu các loại cây dược liệu để nấu cao. Trước đây, nguồn nguyên liệu này trên địa bàn tỉnh còn khá dồi dào, nay nguyên liệu khan hiếm, người dân phải vào tận các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định để thu mua. Về chất đốt, các hộ dân trong làng nghề đều sử dụng củi rừng tự nhiên để đốt lò. Trung bình mỗi năm làng nghề tiêu thụ khoảng 6.000 tấn củi khô.

Việc sử dụng củi rừng tự nhiên để đốt lò là không bền vững và đây là một trong những tác nhân dẫn đến nạn phá rừng, gây suy giảm tài nguyên rừng, bị các cơ quan chức năng dùng các biện pháp ngăn chặn. Do đó, làng nghề nấu cao dược liệu hiện đang đối mặt với khó khăn về chất đốt, chưa có nguồn vật liệu mới hiệu quả để thay thế việc sử dụng củi rừng tự nhiên.

Mặt khác, thực hiện quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề và Quy chế bảo vệ môi trường Làng nghề sản xuất cao dược liệu Định Sơn, tất cả các hộ dân làm nghề nấu cao dược liệu đều đã có cam kết bảo vệ môi trưởng sản xuất của làng nghề.

Tuy nhiên, chất đốt của làng nghề hiện vẫn dùng củi khai thác từ rừng tự nhiên, không bền vững, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và gây ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu của chúng tôi, HTX làng nghề cao dược liệu Định Sơn đã trồng thử nghiệm 1 ha cây chè vằng cho sinh trưởng, phát triển tốt và đang có kế hoạch nhân rộng trong những năm tới. Huyện Cam Lộ cũng đang xây dựng đề án phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, các vành đai trang trại… nhằm thực hiện nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương.

Trong tương lai, khó khăn về nguồn nguyên liệu cây dược liệu cho làng nghề có thể chủ động được. Vấn đề đặt ra đối với làng nghề nấu cao dược liệu là cần thay đổi phương pháp dùng củi rừng tự nhiên đốt lò nấu cao thì mới giải quyết được bài toán khan hiếm về chất đốt hiện nay. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần tích cực hỗ trợ cho người dân tiếp cận ứng dụng KHCN vào sản xuất cao dược liệu, hạn chế tác nhân gây nguy cơ chặt phá rừng tự nhiên làm chất đốt, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, để làng nghề nấu cao dược liệu phát triển bền vững.

Đặng Bá Hùng