(QT) - Huyện Hải Lăng có 3 Cụm công nghiệp (CCN) Diên Sanh, Hải Thượng và Hải Chánh, thu hút 19 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký 746.499 triệu đồng, đã thực hiện đầu tư hơn 453.920 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 1.290 lao động, mức lương bình quân từ 3- 4 triệu đồng/người/tháng; giá trị sản xuất của các nhà máy đạt 356.066 triệu đồng (năm 2016), nộp ngân sách hơn 2.730 triệu đồng.
![]() |
Lao động nghề may làm việc tại các Cụm công nghiệp huyện Hải Lăng |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay tại 3 CCN, cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, thiếu hệ thống xử lý nước thải để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và một số khó khăn, vướng mắc khác đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển của 3 CCN cũng như thu hút các nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN huyện Hải Lăng cho biết, 3 CCN Diên Sanh, Hải Thượng và Hải Chánh có tổng diện tích là 85ha, trong đó diện tích đất có thể cho thuê là 53,4ha, còn lại 31,6ha là diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng và cây xanh. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy (diện tích đất đã cho thuê) CCN Diên Sanh 94,56%, CCN Hải Thượng 59% và CCN Hải Chánh 15%.
Về đầu tư xây dựng hạ tầng, CCN Diên Sanh được đầu tư cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông với tổng kinh phí 21,6 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn ngân sách Trung ương; chưa được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. CCN Hải Thượng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng nên gặp khó khăn lớn trong việc thi công các dự án và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy.
Năm 2013, UBND huyện bố trí ngân sách 300 triệu đồng đổ cấp phối tuyến đường gom (RD-4) 250 mét để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất. CCN Hải Chánh đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết nhưng chưa được đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đến nay, tại 3 CCN đã thu hút được 19 dự án vào đầu tư, diện tích đất đã cho thuê 29,23ha; trong đó có 11 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất; có 5 dự án đang đầu tư xây dựng, có 2 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 1 doanh nghiệp bị thu hồi đất.
Về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, tại CCN Diên Sanh có 10 doanh nghiệp vào đầu tư, tổng vốn đăng ký 610.149 triệu đồng, đã thực hiện đầu tư 391.220 triệu đồng, tiêu biểu như Nhà máy tái chế giấy của DNTN Hasinato, có công suất 300 tấn/năm, hoạt động sản xuất đầu năm 2006; kinh phí đầu tư 2.340 triệu đồng; diện tích thuê đất là 5.000 m2 ; Nhà máy may xuất khẩu Phong Phú Quảng Trị của Công ty cổ phần quốc tế Phong Phú, có quy mô 20 dây chuyền may, hoạt động sản xuất cuối năm 2010, kinh phí đầu tư 107.000 triệu đồng; diện tích thuê đất là 26.631 m2; Cửa hàng sửa chữa, lắp ráp và trưng bày các loại máy Nông- Lâm- Ngư của Công ty TNHH Tâm Thơ hoạt động cuối năm 2010, kinh phí đầu tư 25.000 triệu đồng, diện tích thuê đất là 11.189 m2 ...
Tại CCN Hải Thượng, có 7 doanh nghiệp vào đầu tư, tổng vốn đăng ký 80.554 triệu đồng, đã thực hiện đầu tư 61.700 triệu đồng. Tiêu biểu như Nhà máy chế biến và sản xuất gỗ rừng trồng xuất khẩu của DNTN Thu Hằng với công suất 2.960 tấn/năm, kinh phí đầu tư 10.500 triệu đồng, diện tích thuê đất là 5.674m2 ; Nhà máy chế biến gỗ và lâm sản của Công ty TNHH nguyên liệu giấy Quảng Trị có công suất 100.000 tấn/năm, kinh phí đầu tư 18.000 triệu đồng...
Tại CCN Hải Chánh, có 1 dự án Nhà máy sản xuất viên nén tái tạo Phát Đạt của Công ty cổ phần Lộc Thiên Phú, với kinh phí đăng ký đầu tư 55.796 triệu đồng, đã thực hiện đầu tư hơn 1.000 triệu đồng (san lấp mặt bằng), dự kiến giải quyết việc làm cho 100 lao động, hiện đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và san lấp mặt bằng, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động vào đầu năm 2018.
Những năm qua, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp tại các CCN Diên Sanh, Hải Thượng và Hải Chánh đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy KT-XH huyện Hải Lăng ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương cũng như triển khai nhiều chương trình an sinh, từ thiện xã hội và có nhiều đóng góp vào ngân sách nhà nước. Đây chính là những dấu hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, tại các CCN vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc, cụ thể như tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các CCN còn rất chậm, chưa được quan tâm, việc đầu tư dự án chủ yếu vẫn do các doanh nghiệp thuê đất tự thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng và đầu tư xây dựng làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư; các dự án đầu tư vào các CCN chưa có hạ tầng có tiến độ triển khai chậm hoặc tạm dừng đầu tư trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới quy hoạch chung trong CCN và môi trường trong khu vực.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Giám đốc Trung tâm phát triển CCN huyện Hải Lăng cho biết thêm, thời gian qua, huyện Hải Lăng triển khai nhiều chính sách, kế hoạch nhằm thu hút các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư đến tìm hiểu và đầu tư các dự án đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong điều kiện ngân sách huyện còn nhiều khó khăn, vì thế, đề nghị Trung ương, tỉnh quan tâm bố trí vốn xây dựng hệ thống xử lý nước thải để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và hỗ trợ kinh phí để thực hiện giám sát quan trắc môi trường theo quy định; quan tâm bố trí vốn đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu của các công ty, doanh nghiệp và thu hút đầu tư cũng như di dời các nhà máy trong các khu dân cư vào CCN để đảm bảo môi trường và quy hoạch chung; quan tâm hỗ trợ kinh phí để lập đề án bảo vệ môi trường chi tiết theo quy định. Mặt khác, để từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tăng cường công tác quản lý nhà nước và thu hút đầu tư vào các CCN, đề nghị tỉnh, các sở, ban, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí xúc tiến và thu hút đầu tư; tạo cơ chế điều tiết hỗ trợ để huyện có nguồn kinh phí hoạt động và đầu tư sửa chữa cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường tại các cụm công nghiệp.
Hoài Nhung